2023-2024 là mùa giải đầu tiên bóng đá Việt Nam bắt đầu từ mùa thu, kết thúc vào mùa hè, và Giải vô địch quốc gia U.21 Thanh Niên do Tập đoàn Truyền thông phối hợp với VFF tổ chức cũng không thể nằm ngoài vòng xoay đổi mới.

Dấu ấn giải U.21 trong thời kỳ đổi mới của bóng đá Việt Nam

Đặng Hoàng | 19/08/2023, 10:12

2023-2024 là mùa giải đầu tiên bóng đá Việt Nam bắt đầu từ mùa thu, kết thúc vào mùa hè, và Giải vô địch quốc gia U.21 Thanh Niên do Tập đoàn Truyền thông phối hợp với VFF tổ chức cũng không thể nằm ngoài vòng xoay đổi mới.

Trước sự thay đổi để hướng BĐVN vào quỹ đạo chung của bóng đá chuyên nghiệp thế giới, các câu lạc bộ thi đấu ở V-League và Hạng nhất chỉ có tối đa 2 tháng, thậm chí ít hơn để chuẩn bị cho mùa giải mới. Nhưng khó khăn này đã được tất cả đồng thuận vì lợi ích chung, và đó cũng là lý do vòng loại Giải vô địch U.21 Thanh Niên 2023, giải lần thứ 27 được tiến hành từ ngày 3 đến 13.9, và vòng chung kết tiến hành từ 18.9 - 1.10.2023.

Linh hoạt để tiến về phía trước

Ngày 18.8, khi VFF công bố 4 bảng đấu vòng loại Giải U.21 quốc gia Thanh Niên cũng là lúc đội tuyển U.20 quốc gia tham gia Giải vô địch U.22 Đông Nam Á (từ ngày 15 - 27.8) mà đội Việt Nam đang là đương kim vô địch.

Vừa kết thúc Giải U.22 Đông Nam Á là đội U.23 Việt Nam sẽ thi đấu vòng loại Giải bóng đá U.23 châu Á (28.8 - 12.9), và nếu vào vòng chung kết, các tuyển thủ sẽ tiếp tục tập trung vào tháng 11. Đây là giải quan trọng cho các cầu thủ ở lứa tuổi này khi giải đấu sẽ xác định các đội dự Olympic Paris 2024.

Chưa hết, đội U.23 còn tham gia thi đấu ở Á vận hội diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) từ ngày 23.9 - 4.10, giải đấu mà Việt Nam từng vào đến bán kết tại Á vận hội 2018 ở Indonesia.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Công Khế, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên đã làm việc với ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch VFF và hai bên đã đi đến phương án linh động để thích hợp với hoàn cảnh đổi mới này.

hanoi-san-vinh-3.jpg
Đội U.21 Hà Nội (áo vàng) và U.21 Khánh Hòa trong mùa giải năm 2022

Dấu ấn Giải quốc gia U.21 Thanh Niên

Lần đầu tiên sau 26 năm kể từ giải lần thứ nhất tổ chức vào năm 1997, trong danh sách đăng ký tối thiểu 18 và tối đa 30 cầu thủ, mỗi đội được đăng ký tối thiểu 2 thủ môn và chỉ 1 cầu thủ nước ngoài gốc Việt Nam theo mẫu của VFF. Quyết định mới này không nằm ngoài đích ngắm: tạo điều kiện cho các tài năng trẻ gốc Việt dù ở nước ngoài vẫn có cơ hội thi đấu ở giải U.21 quốc gia, từ có có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho BĐVN nếu đủ tài năng thi đấu ở V-League rồi nhập tịch để thi đấu cho đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Lịch thi đấu quốc tế ở lứa tuổi từ U.20 đến U.23 rất dày trong thời gian diễn ra giải U.21, nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của giải khi không ít cầu thủ tài năng sẽ không thể tham dự giải U.21 do phải tham gia đội tuyển U.20, U.23 thi đấu quốc tế.

Do đó VFF đã ra điều lệ linh động.

Đó là các cầu thủ khi đã hoàn thành nhiệm vụ tại các đội tuyển quốc gia hoàn toàn được phép bổ sung hoặc thay thế vào đội hình đội U.21 của CLB chủ quản vào bất kỳ thời điểm nào trong thời gian tiến hành giải. Tất nhiên sự bổ sung này vẫn phải đảm bảo quy định về số lượng cầu thủ tối thiểu cũng như tối đa của điều lệ giải.

Sự linh hoạt này cho thấy ban tổ chức luôn tạo điều kiện tốt nhất cho đội tuyển quốc gia cũng như các câu lạc bộ. Đó là chưa nói, sự vắng mặt của những tài năng trẻ đã thành danh sẽ lại là cơ hội cho những tài năng mới được phát hiện ở giải quốc gia U.21, giải đấu với những linh hoạt mới, dấu ấn mới trong thời kỳ đổi mới của BĐVN.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dấu ấn giải U.21 trong thời kỳ đổi mới của bóng đá Việt Nam