Đến năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ chấm dứt hoàn toàn khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 9.000 tỉ đồng. Trong thời gian này, chênh lệch tỷ giá phát sinh tiếp bao nhiêu thì sẽ phân bổ tiếp đến đó.

Đến năm 2020, EVN mới chấm dứt khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 9.000 tỉ đồng

tuyetnhung | 02/12/2017, 06:34

Đến năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ chấm dứt hoàn toàn khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 9.000 tỉ đồng. Trong thời gian này, chênh lệch tỷ giá phát sinh tiếp bao nhiêu thì sẽ phân bổ tiếp đến đó.

Trao đổi với báo chí chiều 1.12 về phương án điều chỉnh tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết EVN hiện vẫn còn treo một khoản 9.000 tỉ đồng lỗ do biến động tỷ giá từ nhiều năm trước. Đây là con số rất lớn chưa được phân bổ vào giá thành điện.

"Theo yêu cầu thì lỗ phải đưa vào biểu giá điện ngay lập tức nhưng Chính phủ không làm như vậy luôn mà Bộ Tài chính đã đưa vào trong từng năm và có lộ trình cụ thể", ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, khoản tiền EVN bị lỗ 9.000 tỉ đồng do chênh lệch tỷ giá mà đưa ngay vào giá bán lẻ điện thì áp lực rất lớn cho nên trong những năm trước đây, thực hiện theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ là giãn việc đưa chênh lệch tỷ giá vào giá điện, trong lần này, EVN mới đưa vào một phần.

Ở thời điểm hiện nay, ông Tuấn cho biết việc huy động vốn trong nước cho đầu tư phát triển nguồn điện là rất hãn hữu vì room trong ngành điện rất hạn chế hoặc không có. Cho nên, khi có hợp đồng bằng ngoại tệ trong sản xuất kinh doanh điện thì vẫn luôn xác định rằng tỷ giá sẽ biến động. Trong 2-3 năm gần đây, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vẫn tăng đáng kể, các số liệu tiếp tục tăng lên vì vẫn liên quan đến vay ngoại tệ.

Trả lời câu hỏi khi nào EVN xử lý xong khoản lỗ trên, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho biết phải đến năm 2020, EVN mới chấm dứt hoàn toàn khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá 9.000 tỉ đồng. Trong khoảng thời gian này, nếu tỷ giá chênh lên bao nhiêu thì EVN sẽ phải tiếp tục phân bổ tới đó.

Trả lời bổ sung, ông Nguyễn Cường Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho biết lỗ tỷ giá thường xuyên xảy ra cho nên để giảm bớt áp lực thì cần phân bổ tỷ giá ra các năm khác nhau do đó cần dựa vào tình hình kinh doanh các năm để phân bổ cho phù hợp.

Năm 2016, Bộ Công Thương cho biết tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 266.104,25 tỉ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện); giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đồng/kWh, trong đó: Tổng chi phí khâu phát điện là 203.000,73 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.270,38 đồng/kWh; Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.167,27 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 101,18 đồng/kWh.

Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 45.859,32 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 286,99 đồng/kWh; Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.076,93 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,74 đồng/kWh.

Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2016, Bộ cho biết là 3.251,66 tỉ đồng, bao gồm: Thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng là 729,49 tỉ đồng; Thu nhập hoạt động tài chính của Công ty mẹ - EVN (từ lãi tiền gửi, thu nhập từ phí cho vay lại, lãi cho Genco, NPT vay lại; số liệu do EVN báo cáo): 1.442,71 tỉ đồng (trong đó lãi tiền gửi là 618,06 tỉ đồng; phí cho vay lại là 299,87 tỉ đồng; lãi cho Genco, NPT vay lại là 524,78 tỉ đồng).

Thu nhập hoạt động tài chính của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (từ lãi tiền gửi) là 268,03 tỉ đồng; Thu nhập hoạt động tài chính của các Tổng công ty Điện lực (từ lãi tiền gửi, tiền cho vay) là 443 tỉ đồng.

Thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia của Công ty mẹ EVN là 75 tỉ đồng; Thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia, lãi chuyển nhượng vốn của các Tổng công ty Điện lực là 293,43 tỉ đồng.

Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016, EVN lãi 2.658,20 tỉ đồng (chưa tính tới thu nhập từ sản xuất khác như xây lắp điện, sửa chữa thí nghiệm điện, các dịch vụ cho thuê tài sản, vận tải, bốc dỡ, các khoản phạt vi phạm hợp đồng của các Tổng công ty Điện lực...)

Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Deloitte Việt Nam), các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 gồm: Chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31.12.2016 của các công ty sản xuất, kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn; Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia là 2.352,25 tỉ đồng; Công ty mẹ Tổng công ty phát điện 1 là 2.782,52 tỉ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty phát điện 3 là 3.374,22 tỉ đồng; Chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31.12.2016 của khối các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng là 714,26 tỉ đồng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh là 386,70 tỉ đồng và Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại là 185,48 tỉ đồng.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đến năm 2020, EVN mới chấm dứt khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 9.000 tỉ đồng