Ngoài những yếu tố khách quan, dịch bệnh sốt huyết năm 2022 này tăng cao và tử vong nhiều còn do người dân chủ quan, nhân viên y tế uể oải, thiếu thuốc, thiếu dịch truyền…

Dịch sốt xuất huyết bùng phát: Người dân chủ quan, nhân viên y tế uể oải

Hồ Quang | 14/06/2022, 06:13

Ngoài những yếu tố khách quan, dịch bệnh sốt huyết năm 2022 này tăng cao và tử vong nhiều còn do người dân chủ quan, nhân viên y tế uể oải, thiếu thuốc, thiếu dịch truyền…

Đó là ý kiến của lãnh đạo các đơn vị y tế tại Hội nghị triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và công tác phòng chống sốt xuất huyết phía Nam tại TP.HCM vào chiều 13.6.

Tuýp DEN 1 gây sốt xuất huyết chiếm ưu thế

Theo Viện Pasteur TP.HCM, hiện nay số ca sốt xuất huyết ở các tỉnh phía Nam chiếm 80% số mắc và 100% số tử vong của cả nước. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết ở khu vực này tăng 80% và tăng 82% so với giai đoạn 5 năm (2016- 2020). Số ca tử vong từ đầu năm 2022 đến nay là 36 ca.

Số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết trong 4 tuần gần đây tăng nhanh chóng mặt. Cụ thể, trong 4 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết chiếm 50% số tích lũy từ đầu năm, số tử vong chiếm 45% số tích lũy từ đầu năm.

dich-sot-xuat-huyet-bung-phat-nguoi-dan-chu-quan-nhan-vien-y-te-ue-oai-hinh-anh(1).png
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và công tác phòng chống sốt xuất huyết phía Nam vào chiều 13.6- Ảnh: PV

Trong 20 tỉnh, thành phía Nam có 11 tỉnh, thành có số ca mắc trên 100 ca/ 100.000 dân; 10 tỉnh, thành có bệnh nhân tử vong, nhiều nhất là TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh.

Từ đầu năm đến nay tại Bình Dương có khoảng 4.200 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 10% so với cùng kỳ, trẻ em chiếm 44%, bệnh nặng nặng chiếm 4,1%. 8 ca tử vong; còn tai An Giang bệnh sốt xuất huyết tăng từ tuần thứ 8, tăng nhanh từ tuần 16, đến nay tăng 387% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bác sĩ Lương Chấn Quang – Phó trưởng khoa kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, năm 2022 này, tử vong ở trẻ em nhỉnh hơn người lớn, những năm trước người lớn luôn cao hơn so với trẻ em. Nếu như các năm trước, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ tử vong trên dưới 10% thì năm chiếm đến 25%. Với tỷ lệ tử vong so với số ca mắc từ năm ngoái đã gia tăng so với 15-20, năm nay tiếp tục gia tăng, trẻ em 0,1%, người lớn 0,09%.

Phân tích về chủng sốt xuất huyết lưu hành năm 2022 này, bác sĩ Quang cho biết, những năm trước lưu hành đồng thời 2 tuýp là DEN 1 và DEN 2, nhưng năm 2022 này ưu thế là DEN 1, còn DEN 2 giảm. Các năm gần đây, khu vực phía Nam không ghi nhận tuýp DEN 3. Ở các khu vực có số ca sốt xuất huyết tăng nặng cao như Bình Dương, Đồng Nai… chủ yếu lưu hành túy DEN 2.

Người dân chủ quan, nhân viên y tế uể oải…

Nhận định về nguyên nhân khiến số ca mắc và tử vong sốt xuất huyết năm 2022 tăng cao, TS.BS Nguyễn Lương Tâm – Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng, sau đại dịch COVID-19 người dân các tỉnh phía Nam có tâm lý chủ quan, từng người dân chưa ý thức trong việc kiểm soát bọ gậy, lăng quăng. “Dịch sốt xuất huyết ở các tỉnh phía Bắc thường từ tháng 8 đến tháng 11, nhưng miền Nam thì quanh năm, vì thời tiết nóng quanh năm, sáng nắng chiều mưa, đồ phế thải nhiều như: lốp xe, vỏ dừa, chum vại uống nước…Các tổ cộng tác viên không thể đi hết từng hộ gia đình, bắt đầu bằng sự tự giác của từng người một, như vậy cả cộng đồng mới không có bọ gậy lăng quăng”, ông Tâm nói.

Ông Tâm cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân chính khiến cho bệnh nhân sốt xuất huyết ở phía Nam chuyển biến nặng, tử vong cao là do người dân khi mắc bệnh thường đến các phòng khám tư, phòng mạch bác sĩ mà ngại đến các bệnh viện công, chỉ khi nào bệnh nào bệnh nặng mới đến bệnh viện. Lúc này khó khăn cho việc điều trị của các bệnh viện tuyến trên và nhiều bệnh nhân đã không qua khỏi.

Ngoài ra, theo TS.BS Vương Ánh Dương – Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) người mắc sốt xuất huyết còn chủ quan, thường bỏ qua khi đã hết sốt nhưng đâu biết rằng sau giai đoạn hết sốt là rất nguy hiểm.

Bệnh nhân vào viện muộn, chuyển lên tuyến trên cũng muộn nên bệnh rất nặng và tử vong.Sau dịch COVID-19 số người béo phì, nhất là trẻ em tăng cao khiến cho những người này khi mắc sốt xuất huyết rất dễ chuyển biến nặng và tử vong.

Trong khi đó, hóa chất, máy phun… ở nhiều địa phương đã cạn kiệt, nhưng vẫn chưa được duyệt kinh phí để mua. Một số nơi việc mua sắm hóa chất, máy phun vẫn còn nằm trên giấy.

Các bác sĩ, điều dưỡng mới chưa kinh nghiệm nhiều, có nơi chưa có quy trình, phác đồ sẵn, khi bệnh nặng đến diễn tiến lâm sàng nhanh, trở tay không kịp.

Bên cạnh đó, sau 2 năm phòng chống dịch COVID-19 tinh thần cán bộ y tế uể oải, nhiều mất mát, cần hồi sinh lại; nhiều nhân viên y tế phòng chống dịch nghỉ rất nhiều, phần lớn đều là người mới nhưng chưa được tập huấn về công tác phòng chống sốt xuất huyết; xử lý sót ổ dịch, can thiệp diện rộng không kịp thời, thiếu kiểm tra, giám sát.

Một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tử vong cao như hiện nay, theo bác sĩ Dương là do các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở y tế tuyến huyện thiếu dịch truyền cao phân tử do không mua được, thiếu nguồn cung (bệnh viện khu vực), dẫn đến thiếu vũ khí điều trị bệnh nhân. “Thuốc điều trị, dịch cao phân tử đều không có. Trong khi dịch cao phân tử do Thái Lan sản xuất, đòi hỏi Bộ Y tế phải đặt hàng, ít nhất đến tháng 12.2022 mới có dịch”, bác sĩ Dương nói.

Sẽ thành lập Ban chuyên môn kỹ thuật phòng chống sốt xuất huyết

Các chuyên gia dự báo trong thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tăng nhanh, số ca tử vong tiếp tục tăng nếu không giải pháp kịp thời. Bác sĩ Lương Chấn Quang – Phó trưởng khoa kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, trước mắt cần thành lập các tổ xung kích sốt xuất huyết cộng đồng để đi từng ngõ, gõ từng nhà, huy động nhân dân cùng làm, giống như COVID-19; tạo thường quy cho nhân dân.

Bộ Y tế chi viện khẩn cấp chống dịch cho các địa phương đang thiếu hoá chất; lập các đoàn kiểm tra giám sát; phê duyệt, ban hành kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết; mua sắm, cung ứng thuốc điều trị, hoá chất…

Ông Quang cũng đề nghị Bộ Y tế cho phép thành lập Ban chuyên môn kỹ thuật phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam; phê duyệt kinh phí phòng chống dịch để triển khai phòng chống dịch, mua sắm.

Theo ông Tâm cần phải huy động nhân dân vào cuộc, chính quyền vào cuộc, làm chiến dịch vệ sinh môi trường phòng sốt xuất huyết, thu dung điều trị

Trong khi đó, bác sĩ Dương đề nghị các địa phương thành lập các tổ chuyên gia, Bộ Y tế thành lập tổ chuyên gia, nếu cần sẽ cử ê kíp trực tuyến xuống để hỗ trợ các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã chia sẻ chia sẻ, đồng cảm với khó khăn của các nhân viên y tế và cho biết sẽ đề nghị các Vụ, Cục sớm có biện pháp xử lý những khó khăn trên.

Bà Hương đồng ý thành lập Ban chuyên môn kỹ thuật phòng chống sốt xuất huyết, và đề nghị các tỉnh, thành phía Nam phải đẩy mạnh chiến dịch diệt lăng quăng, phun hoá chất. Các địa phương phải tự chủ động về đấu thầu mua sắm hóa chất, chủ động kinh phí; tăng cường truyền thông phòng chống sốt xuất huyết.

Để giảm tử vong do sốt xuất huyết, bà Hương đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh khẩn trương giải quyết dịch cao phân tử. Nguồn kinh phí do chương trình mục tiêu quốc gia không còn nữa, các địa phương phải chủ động.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dịch sốt xuất huyết bùng phát: Người dân chủ quan, nhân viên y tế uể oải