Chiều 4.6, Hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) phối hợp cùng Công ty BHD tổ chức hội thảo Bảo vệ bản quyền điện ảnh và truyền hình. Tại hội thảo, nhiều người tham dự không khỏi ngỡ ngàng vì sự vi phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình tại Việt Nam ngày càng táo tợn.
Phim vừa phát sóng đã có trên mạng
Ngày 11.5, điện ảnh Việt chứng kiến sự bắt tay hợp tác giữa Truyền hình số vệ tinh K+ với nhà phát hành phim CJ (Hàn Quốc), hãng phim BHD và một số hãng phim Việt Nam để phát hành những phim Việt chiếu rạp trên kênh truyền hình K+ từ ngày 31.5. Bộ phim đầu tiên được K+ độc quyền phát sóng qua truyền hình là Để Mai tính 2. Tuy nhiên, ngay sau khi phát sóng thì bộ phim này lập tức bị lan tràn trên các trang mạng xem phim trực tuyến với bản HD có luôn logo của K+.
“15 phút sau khi phim được phát tán, chúng tôi đã phát hiện được và liên lạc với hai trang mạng lớn là YouTube và Dailymotion để gỡ bỏ bộ phim này khỏi hệ thống của họ. Với các trang mạng lớn chúng tôi dễ hợp tác để gỡ ngay nhưng với nhiều trang mạng nhỏ hoặc trang mạng có máy chủ ở nước ngoài thì rất khó khăn. Hiện vẫn còn nhiều trang mạng như thế lưu hành Để Mai tính 2 và chúng tôi đang phải tiếp tục xử lý” - bà Trịnh Thị Thùy Liên, đại diện K+, cho biết.
Thất thoát phim khó kiểm soát
Tình trạng vi phạm của K+ chỉ mới diễn tiến ở một bộ phim. “Trong thời gian qua, điện ảnh Việt còn chứng kiến rất nhiều sự vỡ nợ do phim vi phạm bản quyền như trường hợp phim của diễn viên Nguyễn Chánh Tín, phim của gia đình cố đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu” - bà Ngô Bích Hạnh, Phó Giám đốc Công ty BHD, bức xúc.
Thực tế việc vi phạm bản quyền phim không chỉ đến từ khán giả. Ngoài việc khán giả quay lén phim trong rạp thì nhiều trường hợp phim Việt như Ngày nảy ngày nay, Cánh đồng bất tận, Siêu nhân X, Bụi đời Chợ Lớn, Chàng trai năm ấy… bị tung lên mạng ở khâu hậu kỳ trước khi ra rạp. Mỗi phim bị vi phạm một kiểu: Bụi đời Chợ Lớn bị tung bản nháp khi phim chưa được phép phát hành; Cánh đồng bất tận bị tung bản nháp khi ở giai đoạn làm nhạc phim; Siêu nhân X bị tung ngay ngày ra mắt… Dù bị vi phạm ở khâu nào thì thiệt hại trước tiên vẫn thuộc về các nhà sản xuất, phát hành phim.
Diễn viên Nguyễn Ngọc Hiệp, Giám đốc Hãng phim Việt, cho biết: “Rất khó để kiểm soát được bản phim bị thất thoát ở giai đoạn nào, có khi bản nháp bị rơi ra ngoài trong quá trình đem phim đi duyệt”.
Các nhà làm phim, nhà phát hành, cơ quan quản lý… đang cùng bắt tay để chống lại sự vi phạm bản quyền như phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước đề nghị xử lý hành chính những nơi vi phạm bản quyền, cùng xây dựng chiến lược kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức với sở hữu trí tuệ…
99% quảng cáo qua mạng gây hại
Hiện nay các trang mạng đăng tải phim không bản quyền hầu hết sống nhờ quảng cáo. Các trang mạng sử dụng trái phép những sản phẩm giải trí nhằm tăng lượng người xem để thu hút quảng cáo cho trang của mình. Tuy nhiên, theo nghiên cứu điều tra từ báo cáo minh bạch quảng cáo của Google cho các bộ phim, chương trình truyền hình hay nhạc… tại Hong Kong, Malaysia và Indonesia thì 99% quảng cáo qua các trang mạng là có nguy cơ gây hại đến người sử dụng khi các quảng cáo đó chứa các nội dung khiêu dâm, cờ bạc, phần mềm độc hại và lừa đảo. Ở Việt Nam kết quả cũng tương tự.
TS PAUL A.WATTERS, ĐH Massey, New Zealand
Theo Quỳnh Trang/ Pháp luật TP.HCM