Công ty Đài Loan tận dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tìm cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Theo trang Nikkei, Foxconn (tên chính thức là Hon Hai Precision Industry) có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam với vốn đầu tư khoảng 270 triệu USD.
Foxconn là đối tác sản xuất lớn nhất của Apple, làm ra hơn 50% số lượng iPhone trên toàn thế giới. Ngoài ra, Foxconn còn sản xuất iPad và các linh kiện, phụ kiện khác cho Apple.
Vừa bắt đầu sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) tại Việt Nam vào tuần trước, Foxconn tận dụng RCEP và hy vọng sẽ tăng cường năng lực sản xuất của mình trong nước.
RCEP gồm 15 thành viên, được ký kết vào ngày 15.11, trong nỗ lực giảm thuế quan và cho phép thương mại thông suốt ở châu Á. Foxconn có kế hoạch triển khai sản xuất quy mô toàn diện tại Việt Nam và nhận được những lợi ích từ khuôn khổ thương mại tự do.
Foxconn sẽ sớm thành lập một công ty địa phương mới tại Việt Nam. Các chi tiết khác vẫn chưa được tiết lộ, nhưng Foxconn có thể sẽ sản xuất các bộ phận liên quan đến PC như màn hình.
Đài Loan không phải là một phần của RCEP và hầu hết các cơ sở sản xuất của Foxconn đều ở Trung Quốc đại lục. Dù Trung Quốc là một phần của khối thương mại, nhưng sự không chắc chắn xung quanh mối quan hệ Bắc Kinh - Washington khiến nhiều công ty, gồm cả Foxconn, tìm kiếm các địa điểm sản xuất tốt hơn.
Việt Nam, một thành viên của RCEP, có vị trí địa lý gần với Trung Quốc, thuận lợi cho việc mua sắm linh kiện và có giá nhân công rẻ.
Chủ tịch Foxconn, Liu Young-way nói rằng "cơn sốt đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp lớn đã khá đáng kể". Ông nói rằng "rất khó tìm thấy đất ở phía bắc Việt Nam để mở rộng sản xuất".
Hôm 25.11, ông Liu Young-way cho biết Foxconn sản xuất nhiều loại sản phẩm tại Việt Nam, bao gồm tivi, thiết bị viễn thông và các sản phẩm liên quan đến máy tính.
Foxconn đang gấp rút thoát khỏi việc phụ thuộc quá nhiều vào sản xuất của Trung Quốc, với mục tiêu đưa tổng sản lượng của hãng bên ngoài Trung Quốc chiếm hơn 30% tổng sản lượng của công ty.
Đối thủ Foxconn như nhà sản xuất điện tử Đài Loan Pegatron và hãng sản xuất hợp đồng Wistron cũng đã quyết định mở rộng sang Việt Nam.
Foxconn bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007, với các dự án quy mô nhỏ tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Đến năm 2019, tập đoàn này đã mở rộng đầu tư tại Quảng Ninh và quyết định đầu tư quy mô lớn tại Bắc Giang.
Quảng Ninh là địa phương thứ 2 tại Việt Nam sau Bắc Ninh được Foxconn lựa chọn để đầu tư, trên diện tích 100.000 m2.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, nhà máy của Foxconn tại Khu công nghiệp Đông Mai, tỉnh Quảng Ninh sẽ sản xuất khoảng 20.000 màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao. Sản phẩm sẽ được xuất khẩu chủ yếu ở Slovakia, Mexico, Ấn Độ và nhiều nước trên thế giới.
Trong năm 2021, nhà máy sẽ sản xuất khoảng 1 triệu LCD và tivi với giá trị xuất khẩu khoảng 250 triệu USD, sẽ tiếp tục nâng giá trị xuất khẩu lên 500 triệu USD, 1 tỉ USD vào những năm tiếp theo.
Foxconn là tập đoàn toàn cầu có hơn 800 công ty, chi nhánh tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Canada, Mexico, Mỹ, Brazil… Doanh thu năm 2019 đạt hơn 220 tỉ USD, xếp thứ 24 trong nhóm 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu theo Tạp chí Fortune (Mỹ).
Giá trị xuất khẩu các nhà máy của Foxconn tại Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 3 tỉ USD, dự kiến tăng lên 6 tỉ USD trong 2020.
Hiện Foxconn tiếp tục có những dự án mở rộng nâng công suất và thu hút các nhà đầu tư tạo thành chuỗi liên kết sản xuất tại Khu công nghiệp Đông Mai và trở thành tập đoàn hàng đầu về giá trị xuất khẩu tại tỉnh Quảng Ninh.