Tiền tệ và các lệnh trừng phạt ngăn công ty Trung Quốc tận dụng lợi thế của việc các thương hiệu phương Tây tháo chạy khỏi Nga.

Đồng rúp mất giá kỷ lục, các hãng smartphone hàng đầu Trung Quốc giảm 1/2 lô hàng đến Nga

Sơn Vân | 13/03/2022, 12:01

Tiền tệ và các lệnh trừng phạt ngăn công ty Trung Quốc tận dụng lợi thế của việc các thương hiệu phương Tây tháo chạy khỏi Nga.

Các nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc đang cắt giảm các lô hàng đến Nga vì đồng rúp mất giá kỷ lục và các lệnh trừng phạt của phương Tây bất chấp Bắc Kinh muốn hỗ trợ Nga sau cuộc tấn công Ukraine.

Các khoản cắt giảm, dẫn đầu bởi Huawei và Xiaomi, cho thấy những nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin nhằm xây dựng mối quan hệ cá nhân thân thiết không giúp Nga tránh được hậu quả do cuộc chiến. Các lệnh trừng phạt cũng đang gây khó khăn cho các công ty Trung Quốc trong việc khai thác các cơ hội được tạo ra bởi các công ty phương Tây rời Nga.

Theo trang FT, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết lô hàng từ các nhà sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Huawei đã giảm ít nhất một nửa kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ. Các thương hiệu Trung Quốc chiếm khoảng 60% thị trường smartphone Nga.

Xiaomi, Huawei và Oppo không đưa ra bình luận về vấn đề này.

Một cựu lãnh đạo Xiaomi cho biết: “Việc Apple và Samsung công khai thông báo ngừng bán hàng tại thị trường Nga là rất nhạy cảm về mặt chính trị” khi đề cập đến sự ủng hộ của Trung Quốc với Nga. “Nhưng từ góc độ kinh doanh, thật hợp lý khi đứng và theo dõi những gì xảy ra tiếp theo”, ông nói thêm.

Andrew Cahn và Ken Olisa, hai giám đốc người Anh của bộ phận kinh doanh Huawei tại Vương quốc Anh từ chức khỏi hội đồng quản trị hôm 9.3. Huawei đã xác nhận động thái của Andrew Cahn và Ken Olisa trong bối cảnh có thông tin cho rằng cặp đôi này nghỉ việc vì gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đã không công khai chỉ trích cuộc tấn công Ukraine của Nga.

Các nhà máy Trung Quốc sản xuất mọi thứ từ smartphone đến máy điều hòa không khí đã tin tưởng vào Nga trong những năm gần đây vì sự phát triển và có được chỗ đứng vững chắc ở đất nước 140 triệu dân.

Thương mại song phương đạt mức cao kỷ lục 146 tỉ USD vào năm ngoái với việc Trung Quốc chiếm khoảng 14% hàng hóa nhập khẩu của Nga, bao gồm cả hầu hết mặt hàng điện tử.

Trong vòng vài ngày sau khi Ukraine bị tấn công hôm 24.2, các công ty phương Tây đã cắt đứt quan hệ với Nga, trong số đó có BP, Apple, Nike và Netflix, để tránh bị vạ lây bắt nguồn từ bất kỳ mối liên hệ nào với Điện Kremlin.

Thế nhưng, việc đồng rúp lao dốc hơn 35% so với đồng USD kể từ cuộc tấn công Ukraine cũng khiến các công ty Trung Quốc khó bán sản phẩm của họ ở Nga mà không bị thua lỗ. Họ cần tính với khách hàng Nga một mức giá cao hơn nhiều bằng đồng rúp để bù vào tỷ giá hối đoái, nhưng điều đó là khó khăn do nền kinh tế đang suy thoái.

Ivan Lam, nhà phân tích tại công ty tư vấn Counterpoint Research (Hồng Kông), cho biết: “Bạn cần phải đặt một mức giá mới mỗi ngày để tránh thua lỗ”.

Ivan Lam nói thêm rằng nhiều nhà phân phối smartphone Nga đã ngừng đặt hàng mới với các nhà sản xuất Trung Quốc vì rủi ro tỷ giá hối đoái.

Một cựu lãnh đạo Huawei từng làm việc tại Moscow nói: “Rất rủi ro khi hoạt động ở Nga lúc này”.

cac-hang-smartphone-trung-quoc-giam-lo-hang-den-nga.jpg
Các thương hiệu Trung Quốc chiếm khoảng 3/5 thị phần smartphone của Nga. Trong ảnh ;à thị phần của các hãng smartphone ở Nga trong quý 4/2021 - Ảnh: FT

Theo các chuyên gia, nguy cơ bị áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp với Trung Quốc cũng sẽ tăng lên khi cuộc chiến kéo dài nếu Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang phá hoại đáng kể nỗ lực trừng phạt Nga.

Andrew Gilholm, người đứng đầu bộ phận phân tích Trung Quốc tại công ty tư vấn Control Risks (Anh), nói: “Trung Quốc đã suy nghĩ rất nghiêm túc về các chi phí tiềm ẩn của việc bị lôi kéo vào cuộc đối đầu giữa Nga với các nước, dù coi hầu hết các hạn chế mà Mỹ và các đồng minh áp đặt là bất hợp pháp”.

Cựu lãnh đạo Xiaomi cho biết ngành công nghệ Trung Quốc dự kiến ​​tác động của các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu với Nga sẽ nghiêm trọng, nếu không muốn nói là hơn cả việc Mỹ chống lại Iran.

Rất nhiều hàng hóa do Mỹ sản xuất, kể cả những bộ phận nhỏ, có thể bị cấm vận chuyển đến Nga trong khi việc vi phạm các quy tắc có thể dẫn đến một sự cố Mạnh Vãn Chu khác”, người này nói thêm, đề cập đến Giám đốc tài chính Huawei từng bị giam giữ ở Canada vì bị cáo buộc lừa dối các ngân hàng và vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Iran.

Zhan Kai, luật sư hãng luật East & Concord Partners ở thành phố Thượng Hải tư vấn cho các công ty Trung Quốc về hoạt động ở Nga, nói ông đã nhận được rất nhiều câu hỏi về các lệnh trừng phạt mới.

Zhan Kai cho hay: “Các biện pháp trừng phạt liên quan đến Nga vẫn chưa rõ ràng và phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi, mà chính phủ Mỹ sẽ mất nhiều thời gian”.

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế với cuộc chiến ở Ukraine, Trung Quốc đã từ chối lên án Nga. Thay vào đó, Trung Quốc đã cam kết quan hệ thương mại và kinh doanh bình thường với Nga. Các thương hiệu Trung Quốc vẫn chưa rời khỏi Nga hàng loạt.

Félix Boudreault, Giám đốc điều hành của công ty Sustainable Market Strategies (Canada), cảnh báo rằng các nhà quản lý tài sản có thể ngày càng áp dụng “tiêu chí thoái vốn theo địa lý” cho các khoản đầu tư vào Trung Quốc và Nga, giống như họ từng làm với các công ty vũ khí và nhiên liệu hóa thạch.

Great Wall Motor và Geely, hai nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, cho biết không có kế hoạch tạm ngừng hoạt động ngay lập tức tại Nga. Đây là tín hiệu cho thấy một số tập đoàn Trung Quốc vẫn giữ tham vọng lâu dài trên thị trường này bất chấp điều kiện kinh doanh ngày càng khắc nghiệt.

Các thương hiệu nước ngoài bỏ mặc khoảng trống này nhưng người tiêu dùng Nga có lẽ không có cách nào để mua hàng Trung Quốc để lấp đầy khoảng trống đó”, Tu Le, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Sino Auto Insights, nhận định.

Các nhà hoạch định chính sách đang đánh giá thương mại Trung-Nga sẽ như thế nào sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt với ngân hàng trung ương của Nga và cắt Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Trong khi Trung Quốc nhiều năm đã chào hàng CIPS, hệ thống thanh toán dựa trên đồng nhân dân tệ, thay thế cho SWIFT sử dụng đồng USD, nhưng tiến độ vẫn diễn ra chậm chạp.

Nhiều công ty Trung Quốc đã báo cáo việc khách hàng Nga sử dụng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ ngày càng tăng nhưng phàn nàn về một số vấn đề.

John Jin, giám đốc bán hàng cho khách Nga tại một công ty đồ chơi ở thành phố Huệ Châu (Trung Quốc), nói: “Phải mất ít nhất hai tuần để mở một tài khoản đồng nhân dân tệ tại ngân hàng Trung Quốc chi nhánh Moscow vì nhu cầu tăng vọt”.

Lãnh đạo Wuhan Zoncare Bio-Medical Electronics Co, nhà sản xuất thiết bị y tế, cho biết nhiều khách hàng Nga đã hủy đơn đặt hàng vì lệnh cấm SWIFT khiến họ khó thanh toán bằng USD hoặc euro. Hầu hết ngân hàng Nga không cung cấp thanh toán bằng đồng nhân dân tệ hoặc không có đủ tiền Trung Quốc trong tay.

Vị lãnh đạo này nói thêm: “Chúng tôi tin rằng thị trường Nga có rất nhiều tiềm năng và nước này sẽ cần các sản phẩm Trung Quốc hơn bao giờ hết sau chiến tranh. Nhưng hiện tại, chúng tôi sẽ đợi thời điểm tốt hơn để chuyển hàng đến Nga".

Bài liên quan
2 hãng Ukraine sản xuất 1/2 neon cho thế giới đóng cửa, tình trạng thiếu chip thêm trầm trọng
Hai nhà cung cấp neon hàng đầu Ukraine, sản xuất khoảng một nửa nguồn cung nguyên liệu chính để sản xuất chip cho thế giới, đã tạm dừng hoạt động khi Nga tăng cường tấn công vào nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng rúp mất giá kỷ lục, các hãng smartphone hàng đầu Trung Quốc giảm 1/2 lô hàng đến Nga