Elon Musk cho biết trong một cuộc phỏng vấn với trang Tesla Owners of Silicon Valley rằng ông không muốn trở thành CEO (giám đốc điều hành) của công ty khi đầu tư vào Tesla những ngày đầu.

Elon Musk: Không thích làm CEO Tesla, SpaceX suýt phá sản trong năm ‘ác mộng’

Sơn Vân | 10/06/2022, 17:52

Elon Musk cho biết trong một cuộc phỏng vấn với trang Tesla Owners of Silicon Valley rằng ông không muốn trở thành CEO (giám đốc điều hành) của công ty khi đầu tư vào Tesla những ngày đầu.

Tỷ phú giàu nhất thế giới nói: “Tôi không thích trở thành CEO, nhưng tôi muốn chịu trách nhiệm về các công việc liên quan đến sản phẩm, chẳng hạn như công nghệ và thiết kế tổng thể. Vì vậy, người khác có thể là Giám đốc điều hành. Bạn có thể làm điều đó bất cứ lúc nào bạn muốn, không có bất kỳ âm mưu nào”.

Trong cuộc phỏng vấn, hai bên đã thảo luận về chuỗi cung ứng, lý do tại sao Elon Musk chọn ô tô điện, nghiên cứu của ông về pin tại Đại học Stanford (Mỹ) và sự ra đi của người sáng lập Tesla thực sự.

Elon Musk cũng thảo luận về dự án ô tô điện Tesla Roadster ban đầu và một loạt những thứ như tài trợ cho Tesla. Ngoài ra, ông còn tiết lộ về “năm ác mộng” 2008.

Vào thời điểm đó, Elon Musk từng trải qua điều tồi tệ trong kinh doanh và cuộc sống. Một trong những "cơn ác mộng" như vậy là việc SpaceX không thể phóng tên lửa thành công. Tesla từng phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng về tài chính và nhiều mối đe dọa khác.

Trong các cuộc trò chuyện với Tesla Owners of Silicon Valley, Elon Musk đã thảo luận về những ngày đầu của Tesla và lịch sử phát triển công ty ô tô điện này. Elon Musk nói với người dẫn chương trình rằng những năm đầu tiên của ông với tư cách Giám đốc điều hành công ty cho đến nay là khó khăn nhất và ít đáng nhớ nhất về lịch sử.

Năm ác mộng và SpaceX suýt phá sản sau 3 lần phóng tên lửa thất bại

Elon Musk tiết lộ rằng 2008 là một "năm ác mộng" với Tesla và SpaceX, cũng như cuộc sống cá nhân của ông.

Về mặt kỹ thuật, tôi là Giám đốc điều hành từ giữa năm 2007 và không chính thức trở thành Giám đốc điều hành cho đến cuối năm 2008. Thật là vui nhộn/kịch tính, đó là một năm ác mộng. Năm đó, lần phóng tên lửa thứ ba của SpaceX vẫn thất bại, tôi nghĩ chúng tôi chỉ có đủ kinh phí cho ba lần phóng và ba lần phóng với SpaceX của chúng tôi đều kết thúc bằng không”, Elon Musk thổ lộ.

SpaceX đã trải qua giai đoạn đầu vô cùng khó khăn khi Elon Musk bắt đầu thành lập công ty.

Cuộc hôn nhân của tôi đổ vỡ tại một thời điểm, vì vậy tôi phải ly hôn. Hơn nữa, chúng tôi cũng đã trải qua cuộc Đại suy thoái (ám chỉ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008)".

Justine Wilson (sinh năm 1972, nhà văn người Canada) là vợ đầu của Elon Musk (sinh năm 1971). Cô kết hôn với tỷ phú công nghệ năm 2000. Cặp đôi đón con trai đầu lòng Nevada Alexander Musk vào năm 2002 nhưng không may cậu bé đã mất khi mới 10 tuần tuổi vì Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Vợ chồng Elon Musk tiếp tục đón cặp song sinh Griffin và Xavier Musk vào năm 2004. Năm 2006, vợ anh sinh ba gồm Kai, Saxon và Damian Musk. Elon Musk và Justine Wilson chia tay vào năm 2008 sau khi có 6 người con (bao gồm cả bé đã mất).

elon-musk-khong-thich-lam-ceo-tesla12.jpg
Elon Musk và Justine Wilson lúc lần đầu gặp nhau trong giảng đường đại học -  Ảnh: Justine Wilson.

Elon Musk tiết lộ rằng từ năm 2008 đến 2012, cuộc Đại suy thoát đã ảnh hưởng nặng nề đến ông. Elon Musk tuyên bố đã đầu tư 40 triệu USD từ việc bán PayPal vào hai công ty của mình, sử dụng số tiền này để thúc đẩy Tesla và SpaceX.

May mắn thay, lần phóng tên lửa thứ tư của SpaceX đã diễn ra tốt vào không gian. Nếu lần thứ tư thất bại, SpaceX chắc chắn sẽ chết…”, tỷ phú 50 tuổi nhớ lại.

Trên thực tế, lần phóng thứ ba là thảm họa với những hậu quả nặng nề cho SpaceX. Kể từ khi tầng thứ hai của tên lửa không được khai hỏa đúng cách, SpaceX chưa có cơ hội để xem liệu họ đã khắc phục hoàn toàn vấn đề tràn nhiên liệu từng gây cản trở cho lần phóng thứ hai hay chưa.

Nhiều kỹ sư tin tưởng rằng họ đã giải quyết triệt để vấn đề này và tỏ ra lo lắng về lần phóng thứ tư. Họ đã nghĩ rằng mình có câu trả lời đơn giản cho vấn đề lực đẩy mới xuất hiện.

Với Elon Musk, tình hình dường như còn trầm trọng hơn. “Tôi thực sự rất thất vọng. Nếu chúng tôi không thể giải quyết vấn đề nhiên liệu ở lần phóng thứ hai hoặc một sự cố ngẫu nhiên nào khác một lỗi trong quá trình phóng hay sản xuất không liên quan đến bất kỳ vấn đề nào trước đó, thì cuộc chơi sẽ chấm dứt”, Elon Musk nói.

Đơn giản là bởi SpaceX không còn đủ tiền cho lần phóng thứ năm. Elon Musk đã bỏ 100 triệu USD vào công ty và chẳng còn lại nhiều nhặn gì. “Lần phóng thứ tư là lần cuối”, Elon Musk khẳng định.

Lần phóng thứ tư của Space X (với tên lửa Falcon 1) diễn ra vào ngày 28.9.2008 may mắn đã thành công. Các nhân viên SpaceX đã làm việc không ngừng nghỉ dưới áp lực nặng nề trong suốt 6 tuần. Lòng tự hào cùng hy vọng và ước mơ đang hòa quyện lại với nhau.

"Khi phóng thành công, mọi người đều rơi nước mắt", em trai Elon Musk là Kimbal nhớ lại.

Elon Musk rời phòng điều khiển và bước vào sảnh nhà máy, nơi ông nhận được sự chào đón nồng nhiệt như một ngôi sao nhạc rock.

Phải mất 6 năm, lâu hơn so với dự kiến của Elon Musk là 4 năm rưỡi, với 500 con người để tạo ra chiến tích của khoa học hiện đại và kinh doanh.

Hai nhà sáng lập Tesla thực sự

Tesla Motors được đặt tên theo nhà khoa học, nhà phát minh nổi tiếng Nikola Tesla. Công ty được thành lập vào tháng 7.2003 bởi Martin Eberhard và Marc Tarpenning.

Ban đầu Martin Eberhard và Marc Tarpenning giữ chức CEO và CFO (Giám đốc tài chính) của Tesla.

Martin Eberhard và Marc Tarpenning thành lập Tesla Motors với tham vọng biến đổi ngành công nghiệp ô tô. Họ muốn cho ra đời những chiếc ô tô điện mà ai cũng mong sở hữu: Giá cả phải chăng, thân thiện với môi trường và hoạt động nhanh.

elon-musk-khong-thich-lam-ceo-tesla1.jpg
Martin Eberhard (trái) và Marc Tarpenning, hai nhà sáng lập Tesla thực sự - Ảnh: CNBC

Sau Martin Eberhard và Marc Tarpenning, Ian Wright là nhân viên thứ ba của Tesla, gia nhập vài tháng sau khi công ty thành lập. Đến tháng 2.2004, ba người đã huy động thành công vòng Series A từ nhiều nhà đầu tư khác nhau, trong đó Elon Musk là nhà đầu tư rót nhiều vốn nhất.

Martin Eberhard và Marc Tarpenning cho biết họ gặp Elon Musk lần đầu tại một buổi họp mặt dành cho các thành viên của Mars Society - tổ chức phi lợi nhuận về việc khám phá và định cư của con người trên Sao Hỏa. Thời điểm này Elon Musk còn chưa thành lập SpaceX. Hai bên nhanh chóng gắn kết nhờ tình yêu và mối quan tâm chung tới khám phá không gian.

Sau vòng gọi vốn Series A, Elon Musk trở thành Chủ tịch Tesla. Một năm sau đó, Tesla ký hợp đồng với hãng ô tô Anh Lotus Cars để sản xuất xe đua và xe thể thao. Lotus đứng sau thiết kế thân xe và khung gầm của chiếc ô tô Tesla đầu tiên - Roadster.

Cùng năm, hai người đồng sáng lập Google - Sergey Brin và Larry Page tham gia vòng gọi vốn Series B của Tesla. Elon Musk vẫn là nhà đầu tư dẫn đầu trong vòng gọi vốn này.

Elon Musk sau đó công bố kế hoạch "bí mật" của mình dành cho Tesla: Dùng số tiền huy động được để phát triển dòng ô tô vừa túi tiền và tạo ra thế hệ ô tô chạy điện không khí thải.

Cũng trong năm 2006, Tesla chứng kiến sự thay đổi lớn trong bộ máy lãnh đạo. Martin Eberhard từ chức CEO và chuyển sang làm cố vấn. Michael Marks, một nhà đầu tư của Tesla, trở thành CEO tạm thời, cho tới khi Ze'ev Drori - một tay đua, lên đảm nhiệm vị trí này vào tháng 11.

Đầu năm 2008, Tesla chứng kiến sự mâu thuẫn của những người sáng lập. Kết quả là hai nhà đồng sáng lập Martin Eberhard và Marc Tarpenning rời công ty. Đây cũng là thời điểm chiếc mui trần Tesla đầu tiên được giao cho Elon Musk và dây chuyền sản xuất dòng xe này được bắt đầu.

Tháng 10.2008, Elon Musk trở thành Giám đốc điều hành Tesla và sa thải 25% nhân viên sau đó. Thời điểm này, Tesla chỉ có 9 triệu USD tiền mặt trong tay và đối mặt với nguy cơ không thể giao được xe Roadster cho các khách hàng đã trả số tiền lên tới 109.000 USD. Tesla khi đó phải huy động 40 triệu USD bằng việc phát hành trái phiếu chuyển đổi để tránh bị phá sản và đạt được các mục tiêu sản lượng.

Đầu năm 2009, Tesla ra mắt concept Model S - chiếc sedan xa xỉ với công suất 518 mã lực có giá từ 76.000 USD. Không lâu sau đó, Daimler AG mua lại 10% cổ phần của Tesla với giá 50 triệu USD. Khoản đầu tư này đã cứu Tesla khỏi phá sản trong cuộc Đại suy thoái.

Cũng vào năm 2009, Martin Eberhard cáo buộc Elon Musk "viết lại" lịch sử Tesla và kiện ông tội phỉ báng. Martin Eberhard cho rằng, trong các cuộc phỏng vấn, Elon Musk đã đổ lỗi cho mình một cách vô lý về các vấn đề tài chính và sản xuất của Tesla. Trong vụ kiện, Martin Eberhard cho rằng Tesla đã phá hoại chiếc Tesla Roadster một cách có chủ đích trước khi giao cho ông. Sau đó cả hai hòa giải.

Tháng 9.2009, Tesla và Martin Eberhard công bố một thỏa thuận về việc ai có thể tự xưng là người đồng sáng lập công ty này. Theo đó, 5 người được coi là đồng sáng lập Tesla gồm Elon Musk, JB Straubel (Giám đốc công nghệ của Tesla khi đó), Martin Eberhard, Marc Tarpenning và Ian Wright.

Theo CNBC, Martin Eberhard cho biết ông vẫn ủng hộ và là một cổ đông của Tesla, đồng thời tin rằng ô tô điện là chìa khóa để bảo vệ hành tinh. Trong khi đó, Marc Tarpenning tiết lộ rằng đôi khi ông vẫn nói chuyện với Elon Musk. Nhìn lại những gì đã qua, ông khẳng định không hối tiếc vì "từ đầu tới cuối, mọi thứ đều tuyệt vời, kể cả điều tồi tệ nhất và tốt đẹp nhất".

Bài liên quan
Elon Musk dọa bỏ thỏa thuận mua Twitter nếu không nhận được dữ liệu về tài khoản spam
Elon Musk có thể bỏ thỏa thuận trị giá 44 tỉ USD để mua lại Twitter nếu công ty truyền thông xã hội này không cung cấp dữ liệu về các tài khoản giả và spam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Elon Musk: Không thích làm CEO Tesla, SpaceX suýt phá sản trong năm ‘ác mộng’