Các quan chức chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét yêu cầu Google thuộc Alphabet chấm dứt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong mảng công nghệ quảng cáo, nhưng sẽ không buộc chia tách công ty như từng cảnh báo trước đó, theo hãng tin Reuters.
Thế giới số

EU có thể không buộc chia tách Google sau khi yêu cầu chấm dứt các hành vi phản cạnh tranh

Sơn Vân 14/09/2024 12:59

Các quan chức chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét yêu cầu Google thuộc Alphabet chấm dứt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong mảng công nghệ quảng cáo, nhưng sẽ không buộc chia tách công ty như từng cảnh báo trước đó, theo hãng tin Reuters.

Các nhà quản lý của EU dự kiến sẽ đưa ra quyết định với khoản tiền phạt lớn trong vài tháng tới sau khi Trưởng bộ phận chống độc quyền Margrethe Vestager năm ngoái đe dọa sẽ chia tách mảng công nghệ quảng cáo béo bở của Google.

Nếu lệnh chia tách Google đã được áp dụng, đây sẽ là lần đầu tiên điều này diễn ra trong lịch sử các vụ kiện chống độc quyền và cũng là hình phạt nặng nhất mà Google từng đối mặt, sau khi bà Margrethe Vestager cáo buộc gã khổng lồ công nghệ Mỹ ưu ái các dịch vụ quảng cáo của họ, gây ảnh hưởng không lành mạnh đến thị trường.

Tuy nhiên, các quan chức EU có thể sẽ không đưa ra yêu cầu chia tách Google do tính phức tạp liên quan, theo nguồn tin của Reuters. Nguồn tin của Reuters nói rằng lệnh chia tách có thể đến vào giai đoạn sau nếu Google tiếp tục các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chỉ vào một vụ kiện thiết lập tiền lệ liên quan đến Microsoft hai thập kỷ trước.

Quyết định của Ủy ban châu Âu có thể thay đổi, nguồn tin của Reuters nói thêm. Một quyết định của EU khó có khả năng được đưa ra trước khi bà Margrethe Vestager rời nhiệm sở vào tháng 11 tới, nhưng về lý thuyết vẫn có thể xảy ra.

Ủy ban châu Âu và Google từ chối bình luận. Google đã bị phạt 8,25 tỉ euro (9,14 tỉ USD) vì vi phạm luật chống độc quyền của EU trong thập kỷ qua.

Đầu những năm 2000, Microsoft đã bị Ủy ban châu Âu cáo buộc lạm dụng vị thế thống trị trên thị trường hệ điều hành để buộc các nhà sản xuất máy tính phải cài đặt trình duyệt web Internet Explorer cùng Windows. Theo Ủy ban châu Âu, điều đó đã hạn chế sự cạnh tranh trên thị trường trình duyệt và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Sau quá trình điều tra và xét xử dài, Ủy ban châu Âu đã phạt Microsoft khoản tiền kỷ lục thời điểm đó và yêu cầu công ty phải thay đổi một số hành vi kinh doanh. Quyết định này đã được coi là một cột mốc quan trọng trong việc thực thi luật chống độc quyền ở châu Âu và thiết lập một tiền lệ cho các vụ kiện tương tự sau này, gồm cả với Google.

Doanh thu quảng cáo năm 2023 của Google, gồm từ các dịch vụ Search (tìm kiếm), Gmail, Google Play, Google Maps, YouTube, Google Ad Manager, AdMob và AdSense, lên đến 237,85 tỉ USD, chiếm 77% tổng doanh thu. Đây là nền tảng quảng cáo kỹ thuật số thống trị thế giới.

Bà Margrethe Vestager đề xuất rằng Google có thể bán công cụ bán hàng Google Ad Manager và sàn giao dịch quảng cáo của riêng mình AdX do xung đột lợi ích khi cũng sở hữu công cụ mua quảng cáo Google Ads và DV360, đặt giá thầu trên các sàn giao dịch quảng cáo.

DV360 (Display & Video 360) là nền tảng quảng cáo trực tuyến mạnh mẽ thuộc Google Marketing Platform, được thiết kế đặc biệt cho các nhà tiếp thị. DV360 giúp các doanh nghiệp quản lý và tối ưu hóachiến dịch quảng cáo hiển thị (banner) và video một cách hiệu quả trên nhiều kênh khác nhau.

Margrethe Vestager nói Google bị cáo buộc là ưu tiên bất hợp pháp sàn giao dịch quảng cáo AdX của mình trong các phiên đấu giá, lạm dụng vị thế thống trị từ năm 2014.

eu-co-the-khong-buoc-chia-tach-google-sau-khi-yeu-cau-cham-dut-cac-hanh-vi-phan-canh-tranh.jpg
EU đang xem xét yêu cầu Google chấm dứt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong mảng công nghệ quảng cáo, nhưng sẽ không buộc chia tách công ty như từng cảnh báo - Ảnh: Reuters

Bộ Tư pháp Mỹ kiện Google

Google đang là mục tiêu của một phiên tòa chống độc quyền do Bộ Tư pháp Mỹ khởi xướng, cáo buộc công ty này tìm cách độc quyền các thị trường máy chủ quảng cáo cho nhà xuất bản và mạng lưới quảng cáo cho nhà tiếp thị, cố gắng thống trị thị trường cho các sàn giao dịch quảng cáo (nơi đóng vai trò trung gian).

Một cựu lãnh đạo Google cho biết mục tiêu của công ty trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến là "đè bẹp các mạng quảng cáo đối thủ", theo bằng chứng mà công tố viên trình bày tại phiên tòa chống độc quyền với gã khổng lồ công nghệ Mỹ hôm 11.9. Những tuyên bố này nhấn mạnh cáo buộc từ Bộ Tư pháp Mỹ nêu trên.

Hôm 11.9, vào ngày thứ ba của phiên tòa, công tố viên bắt đầu giới thiệu bằng chứng về cách nhân viên Google suy nghĩ về các sản phẩm của họ vào thời điểm mà chính phủ Mỹ cáo buộc công ty này tìm cách thống trị thị trường công nghệ quảng cáo.

"Chúng tôi sẽ có thể đè bẹp các mạng khác và đó là mục tiêu của chúng tôi", David Rosenblatt, cựu Chủ tịch quảng cáo hiển thị của Google, nói về chiến lược của công ty vào cuối năm 2008 hoặc đầu năm 2009, theo ghi chú được thể hiện tại tòa án.

Google phủ nhận các cáo buộc, nói rằng họ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng quảng cáo kỹ thuật số đối thủ.

David Rosenblatt đến Google vào năm 2008 khi công ty này mua lại hãng công nghệ quảng cáo trước đây của ông, DoubleClick, nhưng rời đi năm 2009. Ghi chú về cuộc nói chuyện của David Rosenblatt cho thấy ông thảo luận về lợi thế từ việc sở hữu công nghệ ở cả hai bên và giữa thị trường.

"Chúng tôi là cả Goldman và NYSE (Sở giao dịch chứng khoán New York)", David Rosenblatt nói, theo ghi chú, đề cập đến một trong những sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới thời điểm đó và một trong những hãng tạo lập thị trường lớn nhất của sàn này (ngân hàng Goldman Sachs).

"Google đã tạo ra thứ tương tự NYSE hoặc London Stock Exchange (Sàn giao dịch chứng khoán London). Nói cách khác, Google thống trị thị trường quảng cáo hiển thị như thống trị thị trường tìm kiếm trực tuyến trước đó", David Rosenblatt nói.

Theo ông, việc Google sở hữu các máy chủ quảng cáo cho nhà xuất bản giúp mạng lưới quảng cáo của họ có lợi thế vượt trội, giúp tiếp cận và lựa chọn trước các vị trí quảng cáo. Ngoài ra, việc các nhà xuất bản muốn chuyển sang một nền tảng khác rất khó khăn, phức tạp và tốn kém, khiến họ "mắc kẹt" trong hệ thống của Google.

David Rosenblatt, hiện là Giám đốc điều hành 1stDibs, không trả lời ngay lập tức khi hãng tin Reuters đề nghị bình luận.

Brad Bender, cựu lãnh đạo DoubleClick từng làm việc tại Google đến năm 2022, khai tại phiên tòa rằng ông chuyển tiếp các ghi chú cho nhóm của mình, gọi chúng là "tài liệu đáng đọc" thời điểm đó.

1stDibs là nền tảng thương mại điện tử cao cấp, chuyên cung cấp các sản phẩm độc đáo, có giá trị và chất lượng cao.

Google nói họ không phải là công ty duy nhất cung cấp bộ sản phẩm tích hợp cho nhà quảng cáo và nhà xuất bản, mà Microsoft, Amazon và Meta Platforms cũng có các dịch vụ tương tự.

Nếu kết luận Google vi phạm pháp luật, thẩm phán liên bang Leonie Brinkema sẽ xem xét yêu cầu của công tố viên buộc gã khổng lồ công nghệ này ít nhất phải bán Google Ad Manager - nền tảng gồm máy chủ quảng cáo của nhà xuất bản và sàn giao dịch quảng cáo của công ty.

Hôm 5.8, một thẩm phán Mỹ ra phán quyết rằng Google vi phạm luật chống độc quyền, chi hàng tỉ USD để tạo ra thế độc quyền bất hợp pháp và trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên toàn thế giới.

Đây là chiến thắng lớn đầu tiên của chính quyền liên bang Mỹ nhằm vào sự thống trị thị trường của các hãng công nghệ lớn.

Phán quyết này mở đường cho phiên tòa thứ hai để xác định các giải pháp khắc phục tiềm năng, có thể bao gồm việc chia tách khỏi Alphabet, điều này sẽ thay đổi cảnh quan của thế giới quảng cáo trực tuyến mà Google đã thống trị trong nhiều năm.

Phán quyết trên cũng là tín hiệu đèn xanh cho các cơ quan thực thi luật chống độc quyền của Mỹ trong việc truy tố các hãng công nghệ lớn.

"Tòa án đưa ra kết luận sau: Google là công ty độc quyền và đã hành động như một công ty độc quyền để duy trì thế độc quyền của mình", thẩm phán Amit Mehta cho hay. Gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Mỹ kiểm soát khoảng 90% thị trường tìm kiếm trực tuyến và 95% trên smartphone.

Giai đoạn khắc phục có thể kéo dài, tiếp theo là khả năng kháng cáo lên Tòa án Quận Columbia và Tòa án Tối cao Mỹ. Cuộc tranh chấp pháp lý có thể diễn ra vào năm 2025, hoặc thậm chí là 2026.

Quảng cáo trên Google chiếm 77% tổng doanh số của Alphabet vào năm 2023.

Alphabet cho biết có kế hoạch kháng cáo phán quyết của Amit Mehta. "Quyết định này thừa nhận rằng Google cung cấp công cụ tìm kiếm tốt nhất, nhưng kết luận rằng chúng tôi không nên được phép cung cấp nó một cách dễ dàng", Google cho biết trong một tuyên bố.

Thẩm phán Amit Mehta lưu ý rằng Google đã trả 26,3 tỉ USD chỉ riêng trong năm 2021 để đảm bảo rằng công cụ tìm kiếm của họ là mặc định trên hầu hết smartphone và trình duyệt, đồng thời giữ vững thị phần thống lĩnh của mình.

"Vị trí mặc định trên các thiết bị hoặc trình duyệt là tài sản cực kỳ có giá trị... Dù có sản phẩm tốt có thể đủ sức cạnh tranh để trở thành lựa chọn mặc định khi hợp đồng hiện tại hết hạn, một công ty mới chỉ có thể làm được điều đó nếu sẵn sàng trả cho các đối tác một khoản tiền lớn và bù đắp cho bất kỳ tổn thất doanh thu nào mà họ gặp phải do sự thay đổi này", Amit Mehta viết.

Ông cho biết thêm: "Tất nhiên Google thừa nhận rằng việc mất vị trí mặc định sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận ròng của mình. Ví dụ, Google đã dự đoán rằng việc mất vị trí mặc định trên Safari sẽ dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về truy vấn và hàng tỉ USD doanh thu bị mất".

Phán quyết này là quyết định quan trọng đầu tiên trong hàng loạt vụ kiện liên quan đến cáo buộc độc quyền với các hãng công nghệ lớn. Do chính quyền Trump đệ trình cách đây vài năm, vụ kiện này đã được đưa ra trước một thẩm phán từ tháng 9 đến tháng 11.2023.

"Nếu buộc phải thoái vốn khỏi mảng kinh doanh tìm kiếm, Alphabet sẽ bị cắt đứt khỏi nguồn doanh thu lớn nhất của mình. Ngay cả việc mất đi khả năng đạt được các thỏa thuận là công cụ tìm kiếm mặc định độc quyền cũng có thể gây bất lợi cho Google", nhà phân tích cấp cao Evelyn Mitchell-Wolf của hãng Emarketer nhận định. Bà cho biết một quá trình pháp lý kéo dài sẽ trì hoãn mọi tác động tức thời với người tiêu dùng.

Trong 4 năm qua, các cơ quan quản lý chống độc quyền liên bang Mỹ cũng đã kiện Meta Platforms (công ty mẹ Facebook và Instagram), Amazon và Apple, cáo buộc các công ty này đã duy trì độc quyền bất hợp pháp.

Tất cả các vụ kiện đó đều bắt đầu dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.

Amy Klobuchar, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ - Chủ tịch tiểu ban chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp tại Thượng viện Mỹ, nói thực tế là vụ kiện kéo dài qua nhiều chính quyền cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng với việc thực thi luật chống độc quyền.

"Đây là một chiến thắng to lớn cho người dân Mỹ khi việc thực thi luật chống độc quyền vẫn còn tồn tại và phát triển khi nói đến cạnh tranh. Google là một công ty độc quyền tràn lan", bà Amy Klobuchar bình luận.

Khi được đệ trình năm 2020, vụ kiện Google là lần đầu tiên trong một thế hệ chính phủ Mỹ cáo buộc tập đoàn lớn độc quyền bất hợp pháp. Microsoft đã giải quyết với Bộ Tư pháp Mỹ vào năm 2004 về các khiếu nại rằng hãng ép buộc người dùng Windows sử dụng trình duyệt Internet Explorer.

Bài liên quan
Nhà đồng sáng lập Google đối mặt 2 vụ kiện vì tai nạn máy bay khiến 2 phi công thiệt mạng
Sergey Brin, nhà đồng sáng lập Google, đang phải đối mặt với vụ kiện thứ hai liên quan đến vụ tai nạn máy bay ngoài khơi bờ biển California (Mỹ) vào tháng 5.2023 khiến hai phi công thiệt mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam luôn coi Nga là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại
13 giờ trước Sự kiện
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện với Nga, luôn coi Nga là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EU có thể không buộc chia tách Google sau khi yêu cầu chấm dứt các hành vi phản cạnh tranh