Varitha Kiatpinyochai, Giám đốc điều hành Lazada Thái Lan mới 32 tuổi, cho biết chính sách trả hàng miễn phí và chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) đang chứng tỏ là những yếu tố khác biệt quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh thương mại điện tử ngày càng gia tăng.
Lợi thế chính của Lazada tại Đông Nam Á khi có sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ những cái tên mới như Temu của PDD Holdings và TikTok của ByteDance nằm ở công nghệ AI và hậu cần, bà Varitha Kiatpinyochai tiết lộ.
"Với việc Lazada là một phần của Alibaba, chúng tôi thực sự có thể tận dụng công nghệ và hệ sinh thái tốt nhất trong tập đoàn", Varitha Kiatpinyochai, người tiếp quản Lazada Thái Lan năm nay, nói trong một cuộc phỏng vấn bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hồng Kông - ASEAN, nơi bà phát biểu về bối cảnh thương mại điện tử của Đông Nam Á. Hội nghị thượng đỉnh Hồng Kông - ASEAN do trang South China Morning Post (SCMP) tổ chức.
"Lợi thế lớn là cách chúng tôi tận dụng công nghệ, đặc biệt là AI, trong ứng dụng trong suốt hành trình mua sắm của người tiêu dùng. Tôi nghĩ AI thực sự đã thay đổi cuộc chơi với chúng tôi", Giám đốc điều hành trẻ nhất Lazada (ở tuổi 32) nhấn mạnh.
Varitha Kiatpinyochai chỉ ra cách Lazada sử dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau để thu hút người tiêu dùng tốt hơn, đặc biệt là những người am hiểu công nghệ hơn ở Thái Lan. Mới đây, Lazada đã phát hành LazzieChat, chatbot AI sử dụng mô hình GPT từ OpenAI thay vì Tongyi Qianwen của riêng Alibaba.
AI tạo sinh là một phần quan trọng trong nỗ lực bản địa hóa của Lazada, với LazzieChat hiện có sẵn bằng tiếng Bahasa ở Indonesia, tiếng Thái và tiếng Việt.
Cuộc chiến đã nóng lên trong lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu, khi các công ty như Temu và Shein sử dụng mối quan hệ với nhà sản xuất Trung Quốc để tham gia cạnh tranh giá cả quyết liệt.
Temu, công ty chị em của Pinduoduo, gần đây đã mở rộng ở Đông Nam Á, nhưng không phải không có thách thức. Ứng dụng này vào Thái Lan hồi tháng 7 nhưng ngay lập tức phải đối mặt với sự phản đối từ các nhà chức trách, vốn đang xem xét các quy định chặt chẽ hơn về nhập khẩu.
Tại Indonesia, các quan chức đã cảnh báo rằng Temu sẽ phải tuân thủ các quy định yêu cầu phải có bên trung gian hoặc nhà phân phối.
Bà Varitha Kiatpinyochai hoan nghênh cuộc cạnh tranh này, nói rằng cuối cùng thì người tiêu dùng mới là bên thắng cuộc.
"Cuối cùng thì đây là cuộc cạnh tranh lành mạnh với tất cả lợi ích và ưu điểm đều thuộc về người tiêu dùng, vì họ được hưởng các ưu đãi tốt nhất, giá tốt nhất… và trải nghiệm khách hàng ngày càng tốt hơn", Giám đốc điều hành Lazada Thái Lan nói.
Theo Varitha Kiatpinyochai, các công nghệ khác đang có tác động lớn đến sự gắn kết của người tiêu dùng là game và thực tế tăng cường. Bà cho biết các game trên nền tảng của Lazada "tăng độ gắn bó" và khả năng thử các sản phẩm ảo như son môi hoặc xem đồ nội thất trông như thế nào trong căn hộ đã được chứng minh là thúc đẩy doanh số bán hàng.
Varitha Kiatpinyochai nói: "Nó không chỉ là một mánh lới quảng cáo. Với những người dùng áp dụng các tính năng thử đồ ảo này, tỷ lệ chuyển đổi tăng gấp ba lần".
Theo Varitha Kiatpinyochai, hậu cần là một thành phần quan trọng khác tạo nên lợi thế cạnh tranh của Lazada.
Bà lưu ý rằng Lazada có mạng lưới chuỗi cung ứng lớn thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, với các trung tâm hoàn thiện đơn hàng tại 17 thành phố và hợp tác với hơn 400 cơ sở kho bãi cùng trung tâm luân chuyển. Con số này là trước khi tính đến sự hỗ trợ mà Lazada nhận được từ công ty hậu cần Alibaba Cainiao cho thương mại điện tử xuyên biên giới, một lĩnh vực ngày càng quan trọng của doanh nghiệp khi những thương hiệu Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài vào bối cảnh nền kinh tế trong nước đang tăng trưởng chậm lại.
Theo công ty phân tích dữ liệu Statista, doanh thu tại thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á dự kiến sẽ vượt qua 116 tỉ USD trong năm 2024 và đạt hơn 190 tỉ USD vào 2029.
Những con số ấn tượng của thương mại điện tử Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024
Ngành thương mại điện tử Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt được mức tăng trưởng lớn chưa từng có, theo Metric (nền tảng phân tích dữ liệu thương mại điện tử).
Theo báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024 của Metric, tổng doanh số trên 5 sàn hàng đầu là Shopee, Lazada, Tiktok Shop, Tiki và Sendo đạt 143.900 tỉ đồng, tăng gần 55% so với cùng kỳ năm ngoái, với 1,533 triệu sản phẩm đã được giao thành công tới khách hàng, tăng 65,5%. Đây được xem như một cú đại nhảy vọt khi cả hai hạng mục đều có mức tăng hơn 1/2 so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng trưởng này phản ánh sự phát triển bền vững của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, đồng thời cho thấy khả năng tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi sự dịch chuyển mua sắm từ offline sang online đang diễn ra mạnh mẽ.
Song trong số này, chỉ có Tiktok Shop và Shopee tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt là 150% và 65,9% về doanh số nhờ đẩy mạnh các chính sách ưu đãi mua - hủy - trả hàng, lấy người tiêu dùng làm trọng tâm. Hai sàn này đều tận dụng tốt xu hướng mua hàng qua livestream của người tiêu dùng hiện nay.
Trong khi đó, Lazada, Tiki và Sendo lần lượt giảm 43,8%, 48,5% và 70,5%.
Nếu so với 6 tháng cuối năm 2023, TikTok Shop là sàn duy nhất có doanh số tăng trưởng (24,49%). Trong khi các sản khác đều giảm: Shopee giảm 2,29%, Lazada giảm tới 42,2%....
Việt Nam đang có 573.000 shop đang hoạt động, trong đó có 22.649 shop mall (tương đương 6% thị phần toàn ngành). Cơ cấu thị phần của shop mall được ghi nhận có mức tăng 1% sau 6 tháng tính từ đầu năm 2023. Ngoài ra, shop mall cũng đã đạt mức tăng trưởng 12,29% so với 6 tháng đầu năm ngoái và đang là xu hướng kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.
Shop mall là những shop bán sản phẩm chính hãng và đã trải qua quy tình kiểm tra nghiêm ngặt của các sàn thương mại điện tử nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp cố gắng đạt được danh hiệu này để chứng minh độ uy tín của mình với khách hàng.
Trong 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu được Metric nghiên cứu, TikTok Shop được ghi nhận là sàn có mức tăng trưởng vượt trội hơn cả. Khi chỉ trong vòng 1 năm, doanh số và số sản phẩm giao thành công của TikTok Shop tăng đáng kinh ngạc, lần lượt là 150,54% và 242,5%.
Shopee hiện là sàn có thị phần lớn nhất với doanh số hơn 100.000 tỉ đồng, trong đó 3/4 là của các shop đến từ Hà Nội (43.308 tỉ đồng) và TP.HCM (33.194 tỉ đồng).
Làm đẹp vẫn là ngành hàng dẫn đầu về doanh số với con số ghi nhận được là 25.930 tỉ đồng, tương đương thị phần 17% toàn ngành, trong hai quý đầu năm 2024. Xét toàn thị trường, phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng vẫn được ưu tiên, có xu hướng tăng khoảng 3% thị phần so với 6 tháng đầu năm 2023.
Trong số 10 thương hiệu doanh số cao nhất thị trường thương mại điện tử, chỉ chứng kiến sự xuất hiện duy nhất của một thương hiệu Việt Nam là Vinamilk. Các sản phẩm sữa đã mang về cho thương hiệu này gần 260 tỉ đồng trên các kênh thương mại điện tử để xếp ở vị trí thứ 9.
Theo Metric, hiện livestream vẫn là kênh bán hàng nổi bật trên các sàn. Điều này có thể thấy sự xuất hiện hàng loạt phiên livestream khủng từ KOL (người có sức ảnh hưởng), KOC (người tiêu dùng có tầm ảnh hưởng) thu hút sự quan tâm từ nhiều người, bán đa dạng các sản phẩm, từ giá trị cao như ô tô, xe máy đến nông sản như sầu riêng, gạo…
Xu hướng mua theo combo cũng được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng. Xu hướng này đã tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2023, đến nay vẫn giữ được đà tăng trưởng. Quy mô sản lượng và doanh số đều tăng trên 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Metric dự báo trong quý 3/2024, thương mại điện tử sẽ tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan khi tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam có thể đạt mức hơn 88.000 tỉ đồng với 944 triệu sản phẩm được bán ra, tăng lần lượt hơn 23.2% và 23.1% so với quý 2/2024.
Cũng theo Metric, cuối tháng 8 và tháng 9 là thời điểm vàng cho ngành hàng văn phòng phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Doanh số ngành này trong hai tháng gần đây đã bắt đầu tăng mạnh. Năm nay, xu hướng này tiếp tục được Metric dự đoán sẽ "bội thu".
"Người mua hàng online hiện nay có xu hướng tích cực mua qua livestream và mua combo để tiết kiệm chi phí. Doanh nghiệp có thể khai thác xu hướng này để có mùa kinh doanh tốt trong tương lai. Ngoài ra, tỉ lệ nhà bán chính hãng trên các nền tảng có xu hướng tăng trưởng hơn 12% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy người dân chi tiêu nhiều hơn cho các thương hiệu chính hãng hoặc nhà bán đã có uy tín lâu năm trên thị trường", Metric lưu ý.