Thách thức từ thị trường việc làm eo hẹp và những bất ổn kinh tế đang khiến nhiều người trẻ tại Trung Quốc chọn cách từ bỏ công việc, nằm yên và mặc kệ sự đời.
Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm ngoái, Fang Yu đã chọn sống cuộc sống đơn giản cùng một công việc tự do, thoải mái thay vì một công việc gò bó và đầy áp lực.
Chàng trai 25 tuổi bắt đầu công việc làm ca sĩ tại các quán bar khác nhau ở thành phố Hàng Châu, miền đông Trung Quốc. Tuy có thể không kiếm được nhiều tiền, nhưng công việc này ít nhất mang đến cho Yu sự tự do và thoải mái.
"Thay vì bán mạng sống của mình để kiếm tiền, tôi quyết định làm những gì mình thích", Yu nói.
Nhiều bạn học cùng Yu đã phải vật lộn để tìm việc làm kể từ khi tốt nghiệp. Họ luôn phải làm việc thêm ngoài giờ, đây thực sự là một điều khủng khiếp đối với Yu.
Kết quả khảo sát và phỏng vấn cho thấy nhiều người trẻ cùng thế hệ với Yu cũng cảm thấy như vậy. Theo một báo cáo của iiMedia Research vào tháng 3 cho thấy hơn 200 triệu người Trung Quốc làm nghề tự do, trong đó có hơn 16% là sinh việc mới tốt nghiệp đại học năm ngoái. Khoảng 48,7% người được hỏi cho biết họ chọn công việc tự do vì nó cho họ "quyền tự do quản lý thời gian của mình".
Lựa chọn công việc tự do hay bỏ việc để "nằm yên, mặc kệ đời" là một trong số ít cách để giới trẻ Trung Quốc cảm thấy họ có thể giành được quyền tự chủ.
Con số kỷ lục 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp sẽ tham gia thị trường việc làm trong năm nay, càng gây áp lực lên Trung Quốc trong việc ổn định việc làm ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
He Jiazhi (26 tuổi), một giáo viên tiểu học đã nghỉ việc tại một thị trấn nhỏ nằm ở phía bắc tỉnh Nội Mông (Trung Quốc) cho biết kể từ khi đi xin việc, anh thấy mọi thứ ngày càng cạnh tranh hơn rất nhiều.
"Trước đây tôi đã có thể xin được việc làm một cách dễ dàng, nhưng đến năm nay, họ đột nhiên yêu cầu bằng cử nhân và bằng cấp của tôi rõ ràng là không đủ", Jiazhi nói.
Tuy nhiên, Jiazhi không lo lắng về tình hình hiện tại vì anh đã cắt giảm chi phí sinh hoạt của mình ở mức tối thiểu.
"Tôi sẽ nằm im vì hiện nay rất ít cơ hội kiếm được việc cho dù tôi đã cố gắng rất nhiều", Jiazhi chia sẻ.
Xu hướng "nằm im, mặc kệ đời" ám chỉ lối sống chỉ nằm một chỗ, thay vì làm việc và lao động nâng cao năng suất xã hội. Thay vì cố gắng hướng tới học hành chăm chỉ, mua nhà hoặc lập gia đình, lối sống này cổ súy cho việc từ bỏ hết các mục tiêu và đơn giản là nằm yên một chỗ.
Một số người cho rằng đó là triết lý chống lại chủ nghĩa duy vật, một số nghi ngờ đó chỉ đơn giản là sự lười biếng, và những người khác cho rằng kiểu thái độ chống đối này là kết quả không thể tránh khỏi khi mọi người đã làm việc quá vất vả và mệt mỏi tới mức họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ.
"Nằm yên, mặc kệ đời" trở thành xu hướng từ tháng 4.2021, đặc biệt trong giới trẻ, sau một bài đăng trên mạng xã hội Baidu Tieba của thanh niên ngoài 20 tuổi Luo Huazhong mô tả về việc anh đã áp dụng lối sống tối giản này trong 2 năm qua.
Bài viết giải thích quan điểm của Luo về việc anh đã sống một cuộc đời ít ham muốn, sống không áp lực, không cần việc làm ổn định, và sống với cha mẹ ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Khi cảm thấy có hứng, Luo đi tới một trường quay quy mô lớn ở Chiết Giang, nơi anh tìm được một công việc mà anh coi là hoàn hảo: Đóng vai xác chết trong phim.
Nhóm "hạ cấp tiêu dùng" trên mạng xã hội Douban, đã thu hút hơn 360.000 thành viên và hơn 340.000 người cũng đã tham gia nhóm "Không mua", nơi những người trẻ thảo luận về cách cắt giảm chi tiêu.
Đối với những người đang đi làm, bối cảnh kinh tế đầy khó khăn đã khiến sự kỳ vọng về mức lương của họ thấp đi nhiều. Lớp sinh viên tốt nghiệp năm nay kỳ vọng mức lương hàng tháng là 6.295 nhân dân tệ (868 USD), giảm 6% so với năm ngoái, theo công ty tuyển dụng Zhilian.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc chọn việc làm trong khu vực công để có cuộc sống ổn định. Hơn 2,123 triệu người đã tham dự kỳ thi công chức tại Trung Quốc trong năm nay, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng 1,39 triệu người đã đỗ nhưng số lượng chính thức được nhận chỉ là 26.000 người.
Điều này có nghĩa là trung bình 37 thanh niên đang cạnh tranh cho một vị trí công chức, theo "Báo cáo Dữ liệu lớn về Tuyển dụng Trường học năm 2022" của Zhilian vào tháng 5.
Thế nhưng sự ổn định của các công việc trong khu vực công vẫn không đủ để thu hút sự chú ý của tất cả mọi người. Li Yutong (27 tuổi), đã xin thôi việc vào tháng 6 năm ngoái sau 4 năm làm kế toán cho một doanh nghiệp nhà nước ở Thượng Hải (Trung Quốc), cho biết cô cảm thấy môi trường làm việc truyền thống không hấp dẫn.
"Tôi nghĩ mọi người ở đây có những tư tưởng lỗi thời và nó không góp phần vào sự phát triển sự nghiệp của tôi", Li nói.
Song văn hóa làm thêm giờ của hầu hết các công ty tư nhân cũng làm Li chán ngán. "Tôi có cảm giác như mọi người đang đánh đổi mạng sống của mình chỉ vì tiền. Điều này thực sự không đáng", Li nói thêm.
Zhao Wenyao cũng đã nghỉ việc do căng thẳng cách đây 4 tháng sau 11 năm làm việc trong ngành bán hàng.
Mặc dù Zhao cảm thấy lo lắng về việc bỏ việc, nhưng cô cho rằng "nằm im, mặc kệ đời" đã cho phép cô có thời gian để làm những việc mình yêu thích trong cuộc sống.
"Ngày nay, nhiều người giống như những con rô bốt không có linh hồn, thiếu tình yêu và niềm đam mê thực sự với công việc của họ", Zhao chia sẻ.
Lu Yu, Phó giáo sư khoa khoa học xã hội ứng dụng tại Đại học Bách khoa Hồng Kông, cho biết sinh viên mới tốt nghiệp đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch COVID-19 và nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái. "Với những suy nghĩ này, những người trẻ tuổi có thể tự động viên mình để thay đổi sang một lối sống khác. Khi họ tìm thấy những ý nghĩa khác trong cuộc sống của họ, thông qua sự tự phản ánh hoặc cảm hứng... họ có thể chọn sống một cuộc sống khác, trọn vẹn hơn", ông Lu chia sẻ.