Ngày 8.3, Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác giáo dục trong năm 2022.

Hà Nội cần đạt được mục tiêu 'không còn lớp nào sĩ số trên 40 học sinh'

Dạ Thảo - Ảnh: Bộ GD-ĐT | 08/03/2022, 17:45

Ngày 8.3, Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác giáo dục trong năm 2022.

Tại buổi làm việc, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết thời gian vừa qua, do tình hình dịch bệnh căng thẳng nên đa số các trường tại Hà Nội đã chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến. Thành phố đã triển khai các dự án đầu tư các trường liên cấp ở các quận, huyện trên địa bàn. Thực hiện tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học".

Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương triển khai việc dạy học các em bằng phương pháp trực tuyến hoặc dạy trên truyền hình. Tuy nhiên, ngành giáo dục thủ đô vẫn gặp những khó khăn nhất định. Riêng cấp mầm non, do tác động của dịch COVID-19 nên một số cơ sở giáo dục giải thể hoặc nguy cơ giải thể, giáo viên, nhân viên bỏ nghề, chuyển nghề do thu nhập quá thấp dẫn đến nguy cơ thiếu giáo viên, nhân viên sau khi trẻ được đi học trở lại.

dung-.jpeg
Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết ngành giáo dục đã gặp khó khăn trong 2 năm trở lại đây và đã gặp không ít trở ngại. Đặc biệt ở Hà Nội là áp lực về chất lượng và sự kỳ vọng cao của xã hội. Tuy nhiên, Hà Nội cần cần hướng đến hệ thống chuẩn cao hơn chuẩn cả nước và hướng tới chuẩn quốc tế trong giáo dục, đặc biệt trong đó là chất lượng giáo dục. Bộ trưởng đề nghị Hà Nội cần có kế hoạch, thậm chí là chiến lược, để làm sao đạt mục tiêu giảm được sĩ số học sinh/lớp.

Bộ trưởng đơn cử là “không còn lớp học nào sĩ số trên 40 học sinh”. Đây là việc lớn và cần vận dụng mọi giải pháp để đạt được mục tiêu này, trong đó có giải pháp cho từng nhóm, từng khối, từng khu vực; khối đô thị cổ có giải pháp khác, khối đô thị cũ có giải pháp khác, đô thị mới hiện đại có giải pháp khác. Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng cho rằng Hà Nội cần tập trung giảm sĩ số học sinh/lớp, nhất là ở cấp tiểu học để đảm bảo chất lượng đầu ra. Muốn vậy, thành phố cần quan tâm bố trí các quỹ đất sạch cho trường tư phát triển, cùng với đó là nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ để đảm bảo công bằng giữa khu vực trường công và tư.

Với đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ trưởng nhấn mạnh việc rất quan trọng là phát triển phương diện con người về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ. Hà Nội có lợi thế không gian giáo dục không chỉ trong trường học, mà còn có cả các công viên, nhà văn hóa, khu thể thao, thư viện, bảo tàng, các không gian văn hóa công cộng… Thành phố cần tận dụng, có định hướng khai thác toàn bộ tiềm lực không gian văn hóa này để phát triển giáo dục một cách toàn diện, có chiều sâu và chất lượng. “Câu chuyện của Hà Nội không chỉ dừng lại ở 10% giáo dục phổ thông và 50% hệ thống giáo dục đại học đặt tại Hà Nội. Cả nước còn phải nhìn vào Thủ đô để học sự lan tỏa của tính chất đầu tàu, lôi kéo, dẫn dắt sự phát triển của hệ thống giáo dục cả nước. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt, bởi đối với Thủ đô thì các mục tiêu văn hóa, y tế, và giáo dục luôn có vị trí hàng đầu. Hà Nội không thể có Thủ đô văn hiến và con người thanh lịch, văn minh nếu như không có một nền giáo dục chất lượng tốt”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định.

Để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội nêu nhiều kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các bộ, ban ngành liên quan. Đáng chú ý, Hà Nội nêu 4 kiến nghị đặc thù với giáo dục Thủ đô như: Hướng dẫn, xem xét cho phép trường Đại học Thủ đô phát triển các mã ngành đào tạo giáo viên để đào tạo các giáo viên phục vụ giảng dạy tại các trường học trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, ban hành văn bản hướng dẫn mô hình quản lý các loại hình trường học liên quan đến một số trường, cơ sở giáo dục đặc thù như trường THCS - THPT Trần Quốc Tuấn, Trường phổ thông dân lập Hermann Gmeiner, Trường nội trú Nguyễn Viết Xuân… để xác định rõ vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. Cho phép các cơ sở giáo dục công lập được phép liên kết, liên danh, chuyển giao và sử dụng bản quyền các chương trình giáo dục quốc tế với các cơ sở giáo dục nước ngoài; học sinh tham gia và hoàn thành chương trình được cấp song bằng Việt Nam và bằng quốc tế tại các trường phổ thông Hà Nội có đủ điều kiện (hình thức du học tại chỗ). TP được quy định cơ chế huy động nguồn lực phát triển các loại hình liên kết giáo dục, đào tạo trong nước - quốc tế trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập.

Ngoài ra, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện đối với chương trình song ngữ tiếng Pháp: khung chương trình tiếng Pháp và các môn khoa học bằng tiếng Pháp; quy định về kiểm tra đánh giá học sinh (từ lớp 1 - lớp 12) để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Tạo điều kiện mở các lớp tập huấn giáo viên tiếng Pháp và các môn khoa học bằng tiếng Pháp nhằm đáp ứng nội dung chương trình, giới thiệu chương trình SGK phù hợp cho học sinh.

Bài liên quan
Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024 có gì mới?
Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024 hứa hẹn nhiều trải nghiệm mới, ấn tượng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
10 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội cần đạt được mục tiêu 'không còn lớp nào sĩ số trên 40 học sinh'