Giới chức Hàn Quốc ngày 24.4 ban hành một bộ quy tắc ứng xử lúc làm việc, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi ăn nhà hàng, mua sắm và tập thể thao.
Bộ quy tắc xác định 4 điều quan trọng phải thực hiện là rửa tay, giữ khoảng cách, thường xuyên kiểm tra thân nhiệt, khử trùng mọi nơi.
Với làm việc, bất cứ ai ra nước ngoài trong 2 tuần qua thì không nên đi làm lại ngay. Doanh nghiệp nên tăng cường áp dụng họp, đào tạo, làm việc trực tuyến cùng giờ giấc linh hoạt.
Hành khách trên phương tiện giao thông công cộng cần đeo khẩu trang, ngồi hàng ghế trống, thanh toán bằng điện thoại khi đi taxi.
Mọi người không nên ngồi quá lâu ở nhà hàng hay quán cà phê, dùng đĩa riêng để chia sẻ thức ăn. Chủ tiệm đặt chỗ ngồi cách nhau, chia khu nếu có thể, khuyến khích phát triển dịch vụ giao hàng kết hợp thanh toán trực tuyến.
Trường tư thục, cơ sở tôn giáo cung cấp dung dịch rửa tay, không cung cấp thực phẩm.
Tại trung tâm mua sắm, khách hàng không nên thử đồ và đứng cách nhau tối thiểu 1 mét khi thanh toán. Chủ cửa hàng hạn chế mời chào, tiến hành phục vụ theo thứ tự.
Từng là quốc gia bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn cứu vãn được tình hình mà không cần phong tỏa. Chìa khóa thành công nằm ở chương trình xét nghiệm diện rộng, tích cực tìm kiếm người từng tiếp xúc ca nhiễm, ứng dụng công nghệ, giãn cách xã hội.
Chính sách giãn cách xã hội sắp kết thúc vào ngày 5.5, vài quy định đã được nới lỏng nhưng giới chức Seoul vẫn kêu gọi người dân cảnh giác. Theo Thứ trưởng Y tế Kim Gang-lip: “Một số chuyên gia dự đoán COVID-19 sẽ tồn tại trong hai năm. Như vậy phải chấp nhận thực tế rằng chúng ta không thể quay lại cuộc sống như trước lúc dịch bùng phát ở khoảng thời gian này. Chính quyền đang chuẩn bị một cuộc chuyển đổi sang thời kỳ giãn cách bền vững kéo dài với mục tiêu vừa duy trì hoạt động kinh tế - xã hội vừa phòng COVID-19”.
Chiến lược phòng dịch chỉ hiệu quả khi mọi người vẫn giữ cảnh giác. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) Jeong Eun-kyeong nhắc nhở: “Dấu hiệu nguy hiểm lớn nhất là xã hội chúng ta trở nên bất cẩn, tin rằng nguy cơ mắc bệnh đã biến mất”.
Cẩm Bình (theo Reuters)