Dịch vụ ăn uống tại các nhà hàng, quán ăn ảm đạm vì tâm lý lo sợ dịch bệnh của người dân khiến nhiều doanh nghiệp ngành bia lao đao, đang trên bở vực đóng cửa.
Dịch COVID-19 bùng phát từ những ngày trong tết kéo dài đến nay khiến mọi hoạt động tiệc tùng, gặp mặt... bị hoãn hủy khiến hàng loạt quán ăn, nhà hàng trên cả nước gần như tê liệt. Nhiều hoạt động giao thương, dịch vụ, thương mại tại các thành phố lớn trên cả nước như: Hà Nội, TP.HCM... đang gần như ngưng trệ vì những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của PV, những ngày qua, nhiều quán hàng trở nên vắng vẻ lạ thường. Các tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng ăn uống, cà phê, quán nhậu như: Tạ Hiện, Hàng Buồm, chợ Đồng Xuân, Lý Quốc Sư… ngày thường đông đúc nhưng nay có rất ít khách ghé thăm kể cả ngày lẫn đêm.
Chủ một nhà hàng ở Tạ Hiện (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết cuối năm 2019, khi quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn (Nghị định 100 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm trật tự an toàn giao thông) ban hành, lượng khách đến quán có giảm khoảng từ 10%, nhưng không tác động nhiều.
"Nhưng với dịch bệnh thì khác, từ tết đến nay, nhà hàng gần như không có khách, khiến doanh thu sụt giảm mạnh. Tình hình này kéo dài thêm 1-2 tháng nữa, chắc chắn nhà hàng sẽ đóng cửa", người này chia sẻ.
Đó cũng là tình cảnh chung của rất nhiều hàng quán trên địa bàn thành phố Hà Nội thời điểm hiện tại. Hầu hết các chủ cửa hàng đều cho biết, lượng khách đến quán bị sụt giảm nghiêm trọng trong khi thời điểm đầu năm thường kinh doanh rất tốt.
Một số cửa hàng đã đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh. Những quán hàng đang hoạt động cũng đã đồng loạt cắt giảm, sắp xếp lại nhân sự sao cho phù hợp với tình hình. Bên cạnh đó, các nhà hàng cũng phải tính toán lại số lượng bia rượu, thực phẩm nhập về để cân đối với lượng khách đến quán, tránh tình trạng ế ẩm, thua lỗ.
Thực trạng kinh doanh ảm đạm của nhiều nhà hàng, quán ăn... khiến sản lượng tiêu thụ bia của nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh tới 50%. Trong văn bản vừa được gửi tới Thủ tướng và các Bộ, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết từ đầu năm 2020, ngành bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch COVID-19 và Nghị định 100 nên sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đó, 2 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp trong ngành đều sụt giảm mặc dù vào đúng dịp Tết và mùa lễ hội, mùa có sản lượng tiêu thụ lớn nhất trong các năm trước đây.
"Nhiều doanh nghiệp giảm sản lượng tiêu thụ đến 40-50% trong hai tháng vừa qua. Nhiều hàng quán dịch vụ ăn uống giảm đến 70-80% lượng khách so với cùng kỳ 2019. Giảm sản lượng tiêu thụ tác động tiêu cực làm giảm doanh thu, các doanh nghiệp nhỏ có thể phải đóng cửa do làm ăn khó khăn", VBA cho biết.
VBA dự báo việc giảm tiêu thụ rượu, bia có thể dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỉ đồng trong năm 2020, trong đó bao gồm việc giảm các khoản đóng góp từ doanh nghiệp sản xuất rượu, bia và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có liên quan đến rượu, bia
Trước thực trạng trên, VBA kiến nghị Chính phủ xem xét giảm một số loại thuế, phí tạo điều kiện các doanh nghiệp ngành bia, các tổ chức kinh doanh dịch vụ khắc phục khó khăn ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời hoãn đề xuất tăng các loại thuế trong thời gian tới để các doanh nghiệp ổn định yên tâm đầu tư phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sản xuất sản phẩm có độ cồn thấp hoặc không có độ cồn để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuyết Nhung