Nhà cung cấp linh kiện hàng đầu thế giới tuyên bố rằng thời kỳ Trung Quốc là công xưởng của thế giới đã kết thúc vì chiến tranh thương mại.
Chủ tịch tập đoàn Hon Hai Precision Industry Co, Young Liu cho biết họ đang dần bổ sung thêm công suất bên ngoài Trung Quốc, vốn là cơ sở chính sản xuất các thiết bị từ iPhone đến máy tính để bàn Dell và Switch Nintendo. Tỷ trọng bên ngoài Trung Quốc hiện là 30%, tăng 5% so với mức 25% vào tháng 6 năm ngoái.
Tỷ lệ đó sẽ còn tăng lên nữa khi công ty - còn được gọi là Foxconn - chuyển sản xuất nhiều hơn sang Đông Nam Á và các khu vực khác để tránh hàng rào thuế quan đối với hàng hóa do Trung Quốc xuất sang thị trường Mỹ,.
“Bất kể đó là Ấn Độ, Đông Nam Á hay Châu Mỹ, sẽ có một hệ sinh thái sản xuất ở mỗi nơi”, ông Liu nói thêm rằng mặc dù Trung Quốc vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống sản xuất của Foxconn, nhưng “những ngày (Trung Quốc) còn là công xưởng của thế giới đã khép lại".
Căng thẳng thương mại gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh đã thúc đẩy các nhà sản xuất thiết bị đa dạng hóa cơ sở sản xuất của họ khỏi Trung Quốc. Hồi năm ngoái, Liu nói rằng nếu cần thiết thì sản phẩm được đánh giá cao nhất của hãng Apple, iPhone, có thể được sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Giờ thì điều tưởng như khó tin đó đã thành hiện thực. Hai quốc gia vẫn đang đàm phán thương mại, nhưng bình luận của Liu đã phản ánh niềm tin rằng chuỗi cung ứng điện tử coi Trung Quốc làm trung tâm sẽ bị phân mảnh trong dài hạn.
Công ty đặt trụ sở chính ở đảo Đài Loan đã báo cáo thu nhập ròng cao hơn dự kiến là 22,9 tỷ Đài tệ (778 triệu USD) trong quý II, nhờ nhu cầu về iPad và MacBook tăng lên. Dù đạt doanh thu là 1,13 nghìn tỷ Đài tệ, nhưng Hon Hai cảnh báo doanh số quý III dự kiến sẽ giảm hai con số so với năm 2019 do Apple trì hoãn việc ra mắt iPhone trong năm nay.
Hon Hai đang phục hồi từ mức lợi nhuận giảm kỷ lục trong quý đầu tiên khi sản xuất tại các nhà máy bắt nhịp trở lại và mua bán online thời COVID lên ngôi đã thúc đẩy nhu cầu về thiết bị máy tính gia đình. Sau khi báo cáo doanh thu quý II đã vượt qua ước tính, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook ngày 31.7 cho biết: Đại dịch có khả năng thúc đẩy doanh số bán iPad và Mac, ngay cả khi việc các cửa hàng Apple phải đóng cửa, đã ảnh hưởng đến doanh số bán iPhone. Apple chiếm một nửa doanh số bán hàng của Hon Hai.
Nhưng khi Apple hoạt động tốt hơn, các khách hàng khác của Hon Hai lại có kết quả kém hơn. Công ty con FIH Mobile Ltd được niêm yết tại Hồng Kông trong bản công bố thu nhập ngày 7.8 cho biết mặc dù điện thoại mới của Huawei Technologies Co bán chạy ở Trung Quốc, nhưng họ đã đánh rơi kỳ vọng ở những nơi khác sau lệnh trừng phạt của Mỹ. Một khách hàng chủ chốt khác của FIH Mobile Ltd là Xiaomi Corp phải chịu phản ứng dữ dội tại thị trường Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và quốc gia Nam Á ngày càng gia tăng. FIH lỗ 100 triệu USD trong nửa đầu năm.
Foxconn đã và đang bắt đầu di dời các hoạt động theo truyền thống vốn tập trung vào Trung Quốc. Hon Hai nằm trong số các đối tác lắp ráp của Apple có kế hoạch mở rộng hoạt động ở Ấn Độ, có khả năng giúp nhà sản xuất iPhone tăng cường sự hiện diện của mình ở quốc gia 1,3 tỷ dân và chuyển một số chuỗi cung ứng cho các công ty Mỹ ra bên ngoài Trung Quốc khi mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh có mâu thuẫn.
Các đối thủ Trung Quốc cũng đang đặt ra thách thức ngày càng lớn. Gã khổng lồ điện tử địa phương Luxshare Precision Industry đã sẵn sàng trở thành nhà lắp ráp iPhone cây nhà lá vườn đầu tiên của Trung Quốc sau khi ký kết thỏa thuận mua một nhà máy sản xuất thiết bị di động của Apple từ Wistron Corp hồi tháng 7. Trong khi Hon Hai sẽ giữ các đơn đặt hàng lắp ráp iPhone cao cấp, Luxshare hy vọng sẽ kiếm hợp đồng từ các thiết bị đi động Apple ở phân khúc trung bình
Ông Liu cho biết, Foxconn sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh linh kiện của mình để duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ và họ cũng được hưởng lợi từ mối quan hệ lâu dài với Apple.
Các đơn đặt hàng có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành lệnh hành pháp cấm người dân Mỹ kinh doanh với WeChat của Tencent Holdings Ltd. Nhà phân tích Kuo Ming-chi của TF International Securities cảnh báo các lô hàng iPhone hàng năm có thể giảm 25% -30% nếu Apple buộc phải xóa ứng dụng này khỏi các kho ứng dụng của mình trên phạm vi toàn cầu.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng với sức ép từ cuộc thương chiến với Mỹ khiến hàng loạt nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa. Điều này đã kéo theo 290 triệu lao động nước này thất nghiệp.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, ngành xuất khẩu đóng góp khoảng 180 triệu việc làm ở quốc gia này, chiếm 33% tổng số 530 triệu việc làm phi nông nghiệp của Trung Quốc.
“Dù Trung Quốc đã giảm phụ thuộc vào nhu cầu quốc tế, các công xưởng gia công vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc bố trí việc làm cho người lao động”, ông Zhao Jian cho biết.
Nguy cơ thất nghiệp đang đè nặng lên vai hàng triệu lao động ở Trung Quốc, đặc biệt là hơn 290 triệu lao động nhập cư từ quê lên thành phố kiếm sống.
Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã giảm nhẹ từ 5,9% vào tháng 5 xuống còn 5,7% hồi cuối tháng 6. Song, bài toán về việc làm vẫn làm “đau đầu” các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.
Anh Tú (theo Times of India)