Tại Trung Quốc, WeChat là ứng dụng toàn năng được người dân sử dụng để trò chuyện, mua sắm, chia sẻ hình ảnh, thanh toán hóa đơn, xem tin tức, chuyển tiền.
Bán cho công ty Mỹ hoặc đóng cửa
WeChat là “cây cầu” kỹ thuật số hiếm hoi liên kết Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, khi chính quyền nước này thiết lập hệ thống tường lửa và kiểm duyệt nghiêm ngặt. Sinh viên, lao động nhập cư, cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài đều giữ liên lạc với gia đình, người thân thông qua WeChat.
Nay “cây cầu” này đứng trước nguy cơ sụp đổ. Tổng thống Donald Trump tuần qua ban hành một sắc lệnh hành pháp có thể khiến WeChat bị rút khỏi kho ứng dụng Apple và Google, ngăn doanh nghiệp Mỹ làm ăn với Tencent – công ty mẹ của WeChat.
Sắc lệnh mới buộc WeChat phải tìm chủ sở hữu mới hoặc biến mất ở Mỹ. Một lệnh cấm nếu có hiệu lực vào 45 ngày sau, sẽ làm cho hàng triệu nhà đầu tư, đối tác kinh doanh, thành viên trong gia đình và bạn bè không thể liên lạc với nhau.
Tầm quan trọng của WeChat với người Trung Quốc
Dù không phổ biến ở Mỹ như TikTok nhưng WeChat lại rất quan trọng tại Trung Quốc. Ứng dụng không chỉ giúp người dân liên lạc hay thanh toán mà còn là công cụ để chính quyền Bắc Kinh áp đặt các biện pháp kiểm soát xã hội.
Bên ngoài biên giới Trung Quốc, WeChat đóng vai trò kênh tuyên truyền chủ chốt. Lực lượng an ninh nước này thường xuyên dùng ứng dụng này để đáp trả cũng như dập tắt tiếng nói bất đồng chính kiến.
Phó giáo sư Sheena Greitens thuộc Đại học Texas (Mỹ) đánh giá: “Sắc lệnh hành pháp mới giải quyết mối lo an ninh bằng cách thực hiện hàng loạt động thái gây khó khăn cho việc thông tin liên lạc của dân thường tại Trung Quốc. Như vậy, mâu thuẫn với mục tiêu duy trì tính cởi mở và liên kết thân thiện với người Trung Quốc”.
Do phụ thuộc vào ứng dụng Trung Quốc khác trong hệ sinh thái mạng cô lập, WeChat chưa thể bắt kịp WhatsApp của Facebook trên thị trường toàn cầu dù Tencent đã bỏ ra số tiền lớn để quảng bá. Tuy vậy, WeChat vẫn giúp liên kết người Trung Quốc ở nước ngoài với quê hương.
May Han cùng gia đình chuyển sang Mỹ sinh sống từ năm cô lên 9 tuổi. Cô đơn khi mới đến, May Han được bố mẹ khuyến khích sử dụng QQ (ứng dụng trò chuyện khác) cho mục đích liên lạc với bạn tiểu học tại Trung Quốc. Họ cũng hy vọng QQ giúp cô nhớ tiếng Trung. Cuối cùng May Han chọn WeChat và dành nhiều thời gian trò chuyện trực tuyến với 350 bạn bè, người thân.
Hiện là sinh viên Đại học California (Mỹ), May Han cho biết WeChat giống như “chất kết dính” về văn hóa góp phần gắn kết cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài.
“Nếu không thể dùng WeChat thì kết nối với Trung Quốc sẽ nhạt dần, thậm chí biến mất. Chúng tôi vốn quen sử dụng WeChat, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi. Thay đổi đối với họ chẳng hề dễ dàng vì điều này đồng nghĩa với thay đổi lối sống”, Han chia sẻ.
Cô còn chỉ trích chính quyền Mỹ: “Tổng thống Trump làm tổn hại quyền liên lạc với gia đình, bạn bè của chúng tôi. Sắc lệnh hành pháp có vẻ vi phạm Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Mỹ (đảm bảo không có lệnh cấm tự do tôn giáo, giảm bớt quyền tự do ngôn luận hay tự do báo chí - PV)”.
Cẩm Bình (theo Straits Times)