Theo dữ liệu từ TransUnion - công ty hàng đầu về quản lý thông tin tín dụng, người tiêu dùng và doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) là mục tiêu phổ biến nhất của những kẻ lừa đảo kỹ thuật số đang ngày càng tăng.
Với người tiêu dùng Hồng Kông được theo dõi bởi TransUnion, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số bị gắn cờ nghi ngờ gian lận là khoảng 18% trong nửa đầu năm 2023, cao hơn bất kỳ khu vực nào khác. Trong khi tổng khối lượng giao dịch bị nghi ngờ gian lận tăng 57% trong nửa đầu 2023 so với cùng kỳ năm ngoái.
Jerry Ying, Giám đốc sản phẩm của TransUnion khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: “Sự chấp nhận ngày càng tăng của các dịch vụ kỹ thuật số và sự phổ biến của các cuộc gọi spam đã góp phần đáng kể vào sự gia tăng tổn thất do gian lận ở Hồng Kông”.
Báo cáo của TransUnion dựa trên thông tin độc quyền từ dịch vụ giải pháp chống gian lận TruValidate và bao gồm dữ liệu từ hơn 1 tỉ người tiêu dùng cá nhân trên hơn 30 quốc gia.
Tỷ lệ nghi ngờ gian lận kỹ thuật số dựa trên các tương tác trong đó người dùng TransUnion bị từ chối giao dịch trong thời gian thực do các chỉ số gian lận, hoặc khi giao dịch bị phát hiện là gian lận sau quá trình xem xét thủ công.
TransUnion cũng công bố một cuộc khảo sát cho thấy 6% số người được hỏi ở Hồng Kông đã trở thành nạn nhân của lừa đảo tại thành phố này trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, còn 32% số người được hỏi cho biết họ từng là mục tiêu của những nỗ lực lừa đảo không thành công.
Trong số những đối tượng bị kẻ lừa đảo nhắm đến từ tháng 4 đến tháng 7, các cuộc gọi điện thoại lừa người khác tiết lộ dữ liệu là kế hoạch lừa đảo phổ biến nhất, tiếp theo là email lừa đảo, trang web và bài đăng trên mạng xã hội.
Năm ngoái, cảnh sát Hồng Kông báo cáo rằng các vụ lừa đảo được thực hiện thông qua trò chuyện trực tuyến, gọi điện thoại và tin nhắn văn bản đã lừa của người dân thành phố 4,8 tỉ đô la Hồng Kông (611,5 triệu USD), với các phương thức như gọi điện giả cảnh sát, lừa đảo làm giàu nhanh chóng và các trò lừa tình là nguyên nhân chính.
Trong các giao dịch có nguồn gốc từ Hồng Kông, tỉ lệ nghi ngờ gian lận kỹ thuật số với các giao dịch liên quan đến lĩnh vực du lịch và giải trí đạt mức cao nhất ở tất cả các ngành, chiếm khoảng 8%. Theo báo cáo của TransUnion, lĩnh vực này cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng thanh toán kỹ thuật số cao nhất kể từ năm ngoái, khi Hồng Kông hoàn toàn mở cửa trở lại để đón du lịch sau đại dịch.
Trong khi đó, các nỗ lực gian lận bị nghi ngờ liên quan đến các giao dịch ở cộng đồng trực tuyến, chẳng hạn như hẹn hò trực tuyến và diễn đàn, chiếm khoảng 5%. Hầu hết gian lận trong không gian này liên quan đến việc biểu đạt sai sự thật về hồ sơ..
Báo cáo cho biết thêm, trên toàn cầu, các giao dịch kỹ thuật số liên quan đến bán lẻ, game và viễn thông có tỉ lệ nghi ngờ gian lận kỹ thuật số cao nhất trong nửa đầu năm 2023.
Hồng Kông thường là một địa điểm dựa vào các hệ thống thanh toán truyền thống, nhưng tỉ lệ áp dụng thanh toán kỹ thuật số đã tăng lên trong thời kỳ đại dịch khi thành phố này phải tuân theo các biện pháp giãn cách xã hội và các hạn chế khác.
Theo Jerry Ying, khi thanh toán kỹ thuật số trở nên phổ biến hơn, người tiêu dùng ngày càng phụ thuộc vào các nền tảng trực tuyến để tăng cường các biện pháp bảo vệ chống gian lận và chủ động xác định các tài khoản đáng ngờ.
Ông nói thêm: “Để đáp lại, các doanh nghiệp bất kể ngành nghề của họ phải phân bổ đủ nguồn lực để tăng cường khả năng dữ liệu, phân tích và công nghệ để xác định gian lận tiềm ẩn một cách chính xác và hiệu quả hơn”.
Vì sao nhiều người Việt bị lừa đảo qua mạng?
"Phong trào chuyển đổi số rầm rộ đưa nhiều hoạt động thường nhật lên web, mua sắm trực tuyến bùng nổ, cùng với sự phổ biến của thanh toán không tiền mặt... trong khi ý thức và kiến thức bảo mật của phần đông người dùng còn hạn chế. Đó là nguyên nhân khiến tội phạm lừa đảo liên tục nhắm đến người dùng Việt Nam", theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực.
"Thiết bị di động là nơi chứa các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội mà chúng ta sử dụng. Trong khi đó, tội phạm mạng cũng đang ẩn nấp trên các nền tảng này, chờ đợi con mồi rơi vào bẫy", ông Adrian Hia, Giám đốc điều hành Kaspersky khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định.
Riêng về Việt Nam, ông Adrian Hia cho rằng: "Trong những năm qua, chính quyền và các doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam đã có những nỗ lực và tiến bộ đáng kể trong việc tạo ra một môi trường kỹ thuật số an toàn. Tuy nhiên, các mối đe dọa đối với an toàn thông tin và an ninh mạng vẫn tồn tại, đòi hỏi các doanh nghiệp cũng như người dùng cá nhân phải thường xuyên cảnh giác.
Số liệu thống kê mới nhất của chúng tôi tại các quốc gia cho thấy tội phạm mạng vẫn đang tiếp tục sáng tạo những chiêu thức lừa đảo mới, nhắm đến người dùng cá nhân cũng như doanh nghiệp. Vì thế, chúng ta cần tiếp tục cố gắng bảo vệ tài sản và dữ liệu trực tuyến của mình".
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đánh giá trong bất cứ lĩnh vực dịch vụ nào, dù hiện đại đến đâu thì kẻ gian vẫn tìm đủ mọi cách phát hiện ra kẽ hở để lợi dụng, từ đó chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Trong ứng dụng công nghệ, như chúng ta đã nói rất nhiều về lợi ích của chuyển đổi số và người dân được hưởng lợi, ngân hàng được hưởng lợi, xã hội có những thay đổi tích cực.
Song song đó, chúng ta cũng sẽ phải đối diện với một số rủi ro. Thực tế vẫn xảy ra tình trạng kẻ gian lợi dụng kẽ hở trục lợi, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Trường hợp điển hình là khách hàng vô tình cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, số thẻ, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP hay mã số thanh toán... khi tham gia mạng xã hội, sử dụng Internet, mua hàng qua mạng... cho kẻ gian.
Một trường hợp xảy ra phổ biến khác là kẻ gian sử dụng tin nhắn giả mạo, gửi các đường link/brandname chứa mã độc để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.Theo một nghiên cứu của hãng bảo mật Kaspersky, trong năm 2022, hệ thống an ninh mạng của công ty này đã ngăn chặn tổng số hơn 17,84 triệu lượt tấn công lừa đảo qua email tại Việt Nam, trong đó có gần 1,57 triệu lượt tấn công nhắm vào doanh nghiệp và gần 16,28 triệu lượt còn lại nhắm vào người tiêu dùng tại Việt Nam.
Số liệu từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho thấy trong vòng 11 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra hơn 11.200 vụ tấn công mạng tại Việt Nam. Đáng chú ý, số vụ tấn công lừa đảo chiếm tới 35%, cho thấy mức độ nghiêm trọng và phạm vi tấn công của tội phạm mạng ngày càng không ngừng được mở rộng.