Huawei cho biết sẽ cung cấp các giải pháp đám mây, 5G và trí tuệ nhân tạo (AI) cho Hailiang Group, công ty Trung Quốc dẫn đầu thị trường ống đồng toàn cầu.
Thế giới số

Huawei cung cấp công nghệ đám mây, 5G, AI cho hãng dẫn đầu thị trường ống đồng toàn cầu

Huawei cho biết sẽ cung cấp các giải pháp đám mây, 5G và trí tuệ nhân tạo (AI) cho Hailiang Group, công ty Trung Quốc dẫn đầu thị trường ống đồng toàn cầu.

Động thái này diễn ra khi gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa nguồn doanh thu thông qua các thỏa thuận với các ngành công nghiệp truyền thống sau khi bị Mỹ trừng phạt.

Theo quan hệ đối tác chiến lược được ký kết hôm 28.11, hai công ty sẽ hợp tác nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp quản lý kỹ thuật số, sản xuất tiên tiến, giáo dục thông minh và năng lượng xanh, cùng các lĩnh vực khác.

Là nhà sản xuất ống đồng hàng đầu thế giới với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khai thác mỏ, giáo dục, nông nghiệp và bất động sản, Hailiang Group đã hợp tác cùng Huawei từ năm 2022 về chiến lược quản lý kỹ thuật số và di chuyển sang đám mây.

Hailiang Group vận hành các cơ sở sản xuất ống và ống đồng tại Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.

Hailiang Group được coi là một trong những hãng tiên phong trong chiến lược "tiến ra nước ngoài" của Bắc Kinh để thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc ra thị trường quốc tế.

Hailiang Group có nhà máy ở thành phố Sealy (bang Texas, Mỹ). Vào tháng 6, công ty Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất tấm đồng ở Indonesia với công suất dự kiến hàng năm là 100.000 tấn.

Zhang Pingan, Giám đốc điều hành bộ phận đám mây của Huawei, cho biết sự hợp tác với Huawei sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Hailiang Group.

Theo tuyên bố, Huawei sẽ cung cấp các công nghệ về điện toán đám mây, dữ liệu lớn, mô hình nền tảng AI và 5G để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Hailiang Group.

Thỏa thuận mới nhất được đưa ra trong bối cảnh Huawei đang nỗ lực tăng cường mối quan hệ sâu sắc hơn với các ngành và tập đoàn truyền thống nhằm đa dạng hóa nguồn doanh thu, sau khi bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ vào năm 2019.

Để hợp tác chặt chẽ hơn với các khách hàng doanh nghiệp của mình, Huawei đã thành lập “quân đoàn” (gọi là juntuan trong tiếng Trung) vào tháng 10.2021 để kết nối với nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Các nhóm liên ngành này tập trung vào sản phẩm và dịch vụ chuyển đổi số cho khai thác mỏ thông minh, hải quan và cảng biển, công nghệ giảm tiêu thụ năng lượng tại trung tâm dữ liệu, hệ thống thông minh cho đường cao tốc và quang điện.

huawei-cung-cap-cong-nghe-dam-may-ai-cho-hang-xuat-khau-ong-dong-hang-dau-toan-cau.jpg

Mảng kinh doanh doanh nghiệp là phân khúc phát triển nhanh nhất trong số ba đơn vị cốt lõi của Huawei, có doanh thu tăng 30% so với năm 2022 lên 133 tỉ nhân dân tệ (18,7 tỉ USD). Trong khi đó, lĩnh vực người tiêu dùng của Huawei giảm 12% và dịch vụ di động tăng 0,9%.

Doanh số smartphone của Huawei tại Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 3/2023, tăng 37% khi nhiều người mua dòng Mate 60. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khiến thế giới bất ngờ khi cuối tháng 8 giới thiệu smartphone Mate 60 Pro dùng chip tiên tiến Kirin 9000s hỗ trợ 5G do SMIC (hãng chip số 1 Trung Quốc) sản xuất.

Kirin 9000s cũng được tích hợp trong smartphone gập Huawei Mate X5 cải tiến.

Vào tháng 7, Huawei đã công bố phiên bản 3.0 của mô hình ngôn ngữ lớn Pangu AI, tham gia cuộc đua khốc liệt giữa các công ty Trung Quốc về generative AI, nhưng tập trung vào ứng dụng công nghiệp trong các lĩnh vực gồm mỏ than, tài chính và chính phủ.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Ngoài việc hỗ trợ các ngành công nghiệp truyền thống, Huawei còn có bước đột phá vào lĩnh vực ô tô điện, với việc ra mắt xe Aito, một thương hiệu chung với nhà sản xuất ô tô điện Seres (Trung Quốc). Huawei cũng cung cấp các linh kiện ô tô thông minh cho ngành công nghiệp ô tô.

Yu Chengdong, người đứng đầu bộ phận ô tô của Huawei, cho biết M9 của Aito, mẫu xe điện thể thao đa dụng sang trọng cỡ lớn, sẽ có mặt tại thị trường Trung Quốc vào tháng 12.

Hôm 26.11, Huawei đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác với Changan Automobile (có trụ sở tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc), nhà sản xuất ô tô lớn do chính phủ hậu thuẫn, để liên doanh về hệ thống ô tô thông minh.

Luxeed, thương hiệu được phát triển bởi Huawei và Chery Automobile thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, đã ra mắt mẫu ô tô điện đầu tiên có tên S7 đầu tháng 11 có giá khởi điểm 258.000 nhân dân tệ.

Luxeed S7, mẫu ô tô điện kiểu coupe, sẽ dựa trên nền tảng E0X của Chery Automobile, theo thông tin trên trang web của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc. Nền tảng E0X đã được thiết kế cho các mẫu ô tô điện có hệ thống dẫn động cầu sau cùng hai động cơ.

Yu Chengdong tuyên bố Luxeed S7 vượt trội hơn Model S của Tesla ở nhiều khía cạnh.

Các nhà phân tích cho biết S7 sẽ cạnh tranh với một loạt ô tô điện thuần túy cao cấp đã được người tiêu dùng trung lưu Trung Quốc đón nhận nhờ các công nghệ kỹ thuật số như lái xe tự động, tự đỗ xe và điều khiển kích hoạt bằng giọng nói

Gao Shen, nhà phân tích độc lập ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), bình luận: “Chery Automobile là một khối uy lực trong ngành công nghiệp ô tô và là đối tác mạnh nhất của Huawei trong việc phát triển ô tô thông minh cho đến nay. Hi vọng lớn đã đổ dồn vào Luxeed vì sự kết hợp giữa sức mạnh công nghệ của Huawei và sức mạnh sản xuất từ Chery Automobile”.

Có trụ sở tại tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc, Chery Automobile chuyển đổi sang ô tô điện trong bối cảnh chúng được áp dụng nhanh chóng ở Trung Quốc và nước ngoài. Năm 2018, Chery Automobile thành lập Jetour, công ty con để khai thác thị trường này. Jetour đã giao hơn 180.000 ô tô điện vào năm 2022, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hồi tháng 4.2021, Huawei thâm nhập vào lĩnh vực ô tô điện sau khi công bố giải pháp ô tô thông minh Huawei HI. Hệ thống Huawei HI bao gồm một hệ thống điện toán, radar hình ảnh 4D, nền tảng lái xe tự động và quản lý nhiệt thông minh.

Huawei đã và đang cung cấp cho các hãng như Arcfox và Avatar Technology chip ô tô, cảm biến lidar và các công nghệ cho phép ô tô kết nối internet và với nhau.

Theo dự báo của ngân hàng UBS, Trung Quốc (thị trường ô tô và xe điện lớn nhất thế giới) dự kiến sẽ chứng kiến doanh số bán ô tô điện sạc pin tăng trưởng 55% trong năm nay, dự kiến đạt 8,8 triệu chiếc. Tuy nhiên, thị trường ô tô điện Trung Quốc có đến 200 công ty tham gia và mối lo ngại ngày càng gia tăng về tình trạng dư thừa sản lượng nghiêm trọng.

Bài liên quan
Baidu đặt mua 1.600 chip AI Ascend 910B từ Huawei để thay cho A100 của Nvidia
Hai nguồn tin của Reuters cho biết Baidu đã đặt mua chip trí tuệ nhân tạo (AI) từ Huawei trong năm nay. Đây là dấu hiệu cho thấy áp lực của Mỹ đang khiến gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc chấp nhận các sản phẩm của Huawei như giải pháp thay thế cho Nvidia.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huawei cung cấp công nghệ đám mây, 5G, AI cho hãng dẫn đầu thị trường ống đồng toàn cầu