Huawei cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ đã thúc đẩy việc mua sắm trong hoảng loạn.

Huawei nói Mỹ gây khủng hoảng chip toàn cầu, khó thoát danh sách đen, đầu tư vào ngành ô tô

Nhân Hoàng | 12/04/2021, 20:14

Huawei cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ đã thúc đẩy việc mua sắm trong hoảng loạn.

Huawei đang đặt khả năng phục hồi kinh doanh là ưu tiên hàng đầu với nỗ lực phát triển khả năng phần mềm khi tìm cách vượt qua các hạn chế từ Mỹ đã tàn phá hoạt động kinh doanh smartphone của họ. Lệnh cấm từ chính quyền Trump khiến hoạt động kinh doanh thiết bị cầm tay của Huawei chịu áp lực rất lớn.

Hôm 12.4, Chủ tịch luân phiên Huawei - Eric Xu nói không mong đợi thoát khỏi danh sách thực thể dưới sự quản lý của Tổng thống Joe Biden và đang tìm cách phát triển các ngành kinh doanh khác sau khi trải qua năm ngoái ở chế độ tồn tại.

Chúng tôi không thể phát triển chiến lược của mình dựa trên một giả định không có căn cứ hoặc dựa trên những hy vọng không thực tế, vì nếu chúng tôi làm điều đó và không thể được xóa khỏi danh sách thực thể thì sẽ cực kỳ khó khăn cho công ty”, Eric Xu nói trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà phân tích Huawei lần thứ 18 của công ty.

Huawei đã đổ lỗi cho Mỹ về vụ khủng hoảng thiếu chip làm rung chuyển ngành công nghệ toàn cầu, nói rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ với các công ty Trung Quốc đã thúc đẩy việc mua chất bán dẫn và các nguồn cung cấp khác của Mỹ.

"Do lệnh trừng phạt của Mỹ với Huawei, chúng tôi đã chứng kiến ​​sự hoảng loạn dự trữ trong số các công ty toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc. Trước đây, các công ty hầu như không dự trữ, nhưng giờ họ đang tích trữ lượng hàng tồn kho trị giá 3 hoặc 6 tháng... Điều đó đã làm gián đoạn toàn bộ hệ thống", ông Eric Xu cho biết.

Mỹ đã đưa Huawei và các công ty Trung Quốc khác vào danh sách đen thương mại hạn chế quyền tiếp cận công nghệ của Mỹ với lý do rủi ro an ninh quốc gia.

"Rõ ràng là các lệnh trừng phạt không chính đáng của Mỹ với Huawei và các công ty Trung Quốc khác đang tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung trong toàn ngành và điều này thậm chí có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới", ông Eric Xu nói thêm.

Nhận xét của Eric Xu được đưa ra vài giờ trước khi Nhà Trắng có kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh nhằm giải quyết tình trạng thiếu chip, trong đó nhấn mạnh đến tác động của nó với ngành công nghiệp ô tô. 19 giám đốc điều hành từ các công ty công nghệ và nhà sản xuất ô tô của Mỹ, châu Á và châu Âu, trong đó có General Motors, Ford, Google, Intel, TSMC, Samsung Electronics và NXP, dự kiến ​​sẽ tham dự sự kiện này. Các quan chức Nhà Trắng đã thừa nhận rằng tình trạng thiếu chip khó giải quyết trong ngắn hạn.

Ông Eric Xu cho biết các hạn chế thương mại của Mỹ với Huawei không chỉ làm suy yếu công ty này mà còn làm hỏng mối quan hệ tin cậy tồn tại trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Eric Xu nói giờ đây ngày càng nhiều quốc gia đang thúc đẩy sản xuất chip trong nước và tăng cường khả năng tự lực về công nghệ của chính họ, thay vì dựa vào chuỗi cung ứng xuyên biên giới.

Điều này sẽ đòi hỏi ít nhất 1.000 tỉ USD đầu tư trả trước, sẽ đẩy giá bán dẫn lên từ 35% đến 65% và cuối cùng dẫn đến chi phí thiết bị điện tử cao hơn cho người dùng cuối, Eric Xu nói thêm, trích dẫn một báo cáo gần đây do Nhà Trắng đệ trình Hiệp hội công nghiệp bán dẫn - liên minh công nghiệp chip hàng đầu của Mỹ.

Chủ tịch luân phiên cũng cho biết Huawei đang lên kế hoạch chiến lược với giả định rằng công ty sẽ vẫn nằm trong cái gọi là danh sách thực thể của Mỹ, vốn hạn chế quyền tiếp cận các công nghệ Mỹ, trong một thời gian dài.

Dù hàng dự trữ của Huawei cho phân khúc doanh nghiệp với doanh nghiệp của họ hiện đã đủ nhưng "sẽ không tồn tại trong một thời gian dài", Eric Xu thừa nhận.

Eric Xu nói các công ty Trung Quốc khác lo lắng sẽ gặp phải tình huống tương tự như Huawei. Ông tin rằng sẽ có những công ty sẵn sàng đầu tư vào sản xuất chip để đáp ứng nhu cầu của Huawei và các công ty Trung Quốc khác trong khi vẫn tuân thủ các quy tắc từ Mỹ.

"Nếu nó có thể được thực hiện và hàng dự trữ của chúng tôi có thể giúp Huawei tồn tại đến thời điểm đó thì đây sẽ là cách chúng tôi giải quyết các vấn đề và thách thức mà chúng tôi phải đối mặt", Eric Xu chia sẻ.

Eric Xu thừa nhận rằng hiện tại không có nhà sản xuất chip nào trên toàn cầu có thể giúp Huawei đưa các thiết kế chip của mình vào sản xuất vì các quy tắc kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, ông nói Huawei sẽ tiếp tục tài trợ cho nhóm của mình để nghiên cứu và phát triển chip, "miễn là chúng tôi có đủ khả năng chi trả".

Ngoài ra, Huawei cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào kỹ thuật phần mềm trong 5 năm tới với hy vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa khả năng phục hồi của công ty và làm cho các sản phẩm trở nên cạnh tranh hơn.

Huawei vào cuối năm 2018 từng thông qua kế hoạch chi 2 tỉ USD để phát triển năng lực phần mềm của mình.

huawei-do-loi-cho-my-ve-cuoc-khung-hoang-chip-toan-cau.jpg
Chủ tịch luân phiên Huawei - Eric Xu nói các lệnh trừng phạt của Mỹ với các công ty Trung Quốc đã thúc đẩy việc đổ xô tích trữ chip và các linh kiện khác

Công ty khổng lồ Trung Quốc cho biết bước đột phá và cơ hội lớn nhất trong thập kỷ tới sẽ là trong ngành công nghiệp ô tô. Huawei bắt đầu nghiên cứu và phát triển các hệ thống xe hơi tự động và kết nối vào năm 2012.

Eric Xu nói Huawei sẽ đầu tư 1 tỉ USD vào lĩnh vực kinh doanh ô tô vào năm 2021, với trọng tâm là xây dựng các thành phần cho xe thông minh, bao gồm cả nền tảng phần mềm tự lái.

Thay vì tự sản xuất và lắp ráp ô tô như Xiaomi công bố gần đây, Huawei sẽ cung cấp công nghệ tự lái của mình cho một số nhà sản xuất ô tô, gồm cả Gac Group và Great Wall Motor.

Huawei cũng xác nhận đã hợp tác với nhà sản xuất xe điện hạng sang Arcfox thuộc Tập đoàn Ô tô Bắc Kinh và sẽ trình diễn công nghệ lái xe tự động của mình tại Thượng Hải vào ngày 17.4.

Eric Xu cho biết công nghệ lái xe tự động của Huawei cho phép ô tô đi hơn 1.000 km, vượt qua Tesla trong lĩnh vực đó.

Vào tháng 2.2021, Reuters đưa tin rằng Huawei đã lên kế hoạch sản xuất ô tô điện dưới thương hiệu riêng của mình, điều mà công ty phủ nhận.

Bên cạnh đó, Eric Xu cũng cho biết việc triển khai mạng viễn thông 5G trên toàn cầu của Huawei đã “vượt quá mong đợi”.

Năm ngoái, công ty Trung Quốc đã chứng kiến ​​mức tăng khiêm tốn 3,2% trong lợi nhuận hàng năm khi doanh thu ở nước ngoài giảm do gián đoạn liên quan đến đại dịch COVID-19 và tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bài liên quan
Vua chip: Căng thẳng Mỹ-Trung là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt chip toàn cầu
Người đứng đầu TSMC cho biết việc các nền kinh tế lớn đổ xô sản xuất chất bán dẫn trong nước là "phi thực tế" và việc mở rộng năng lực sẽ không giúp giảm bớt tình trạng thiếu chip toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huawei nói Mỹ gây khủng hoảng chip toàn cầu, khó thoát danh sách đen, đầu tư vào ngành ô tô