Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Alibaba, Jack Ma kêu gọi toàn thể nhân viên vượt qua áp lực cạnh tranh bất chấp nhiều thách thức.
Thế giới số

Jack Ma kêu gọi nhân viên Alibaba kiên định: ‘Không công ty nào có thể luôn đứng đầu mãi mãi’

Sơn Vân 23:09 10/09/2024

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Alibaba, Jack Ma kêu gọi toàn thể nhân viên vượt qua áp lực cạnh tranh bất chấp nhiều thách thức.

Tỷ phú Jack Ma, nhà đồng sáng lập Alibaba, hôm 10.9 đã kêu gọi các nhân viên "tin vào tương lai và tin vào thị trường" khi gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên nhiều mặt trận. Alibaba là đế chế kinh doanh mà Jack Ma tạo ra tại thành phố Hàng Châu cách đây 25 năm.

Theo bức thư được công bố trên trang web nội bộ Alibaba hôm 10.9, Jack Ma cho biết nhiều đơn vị của tập đoàn đang phải đối mặt với viễn cảnh bị vượt mặt vào bối cảnh "sự trỗi dậy của công nghệ và cạnh tranh khốc liệt trong nhiều ngành công nghiệp".

"Điều này là bình thường, vì không có công ty nào có thể luôn đứng đầu trong bất kỳ lĩnh vực nào mãi mãi. Chúng ta phải liên tục được nhắc nhở không được đánh mất chính mình trong bối cảnh áp lực cạnh tranh”, theo Jack Ma - tỷ phú hầu như không xuất hiện trước công chúng những năm gần đây.

Ông cho biết Alibaba được tạo nên từ “một tinh thần lý tưởng”, có nghĩa là “chúng ta tin vào tương lai, tin vào thị trường”.

Bức thư này cho thấy nỗ lực của Jack Ma nhằm giúp tái tạo sức sống cho tập đoàn vào cùng ngày mà cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Hồng Kông tham gia chương trình Stock Connect (Trung Quốc), cho phép khoảng 200 triệu nhà đầu tư tại Trung Quốc đại lục đầu tư vào gã khổng lồ thương mại điện tử trị giá 400 tỉ USD.

Chương trình Stock Connect là cơ chế giao dịch chứng khoán được thiết lập bởi Trung Quốc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông có thể giao dịch cổ phiếu niêm yết trên thị trường của nhau. Nói một cách đơn giản, đây là cầu nối giúp kết nối hai thị trường chứng khoán lớn của Trung Quốc.

Việc công bố bức thư cũng diễn ra hơn một tuần sau khi Cục Quản lý Thị trường Nhà nước chính thức chấm dứt hơn ba năm giám sát theo quy định với Alibaba, một trong những hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc.

Đã rời khỏi mọi vai trò tại Alibaba nhưng Jack Ma vẫn là cổ đông chủ chốt và nhà lãnh đạo tinh thần của tập đoàn này.

Cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Mỹ tăng 2,6% sáng 10.9. Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Alibaba đã tăng 4,21% hôm nay.

jack-ma-keu-goi-nhan-vien-alibaba-kien-dinh-khong-co-cong-ty-nao-co-the-luon-dung-dau-mai-mai-.jpg
Jack Ma kêu gọi toàn thể nhân viên vượt qua áp lực cạnh tranh bất chấp nhiều thách thức nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Alibaba - Ảnh: SCMP

Hồi tháng 4, Jack Ma đã viết bức thư dài cho các nhân viên bày tỏ sự ủng hộ với những nỗ lực tái cơ cấu của Alibaba, một động thái hiếm hoi của tỷ phú sau khi không được chú ý trong nhiều tháng trước đó.

Bức thư được đăng trên một diễn đàn nội bộ của Alibaba, xuất hiện một năm sau khi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc công bố quyết định chia thành 6 đơn vị. Đây là cuộc thay đổi lớn nhất trong lịch sử 25 năm của Alibaba.

Sau đó, Alibaba đã có một khoảng thời gian hỗn loạn khi bổ nhiệm một giám đốc điều hành mới là Eddie Wu, thông báo rồi từ bỏ việc niêm yết đơn vị đám mây và logistics (hậu cần) của mình.

Alibaba đã mất vị thế trong lĩnh vực thương mại điện tử vào tay các đối thủ như PDD Holdings và Douyin (phiên bản TikTok Trung Quốc thuộc sở hữu của ByteDance).

Trong bức thư dài gần một trang, Jack Ma ca ngợi khả năng lãnh đạo của CEO Eddie Wu và Chủ tịch Joe Tsai, đồng thời cho biết việc chia thành 6 bộ phận giúp hợp lý hóa việc ra quyết định, khiến Alibaba trở nên linh hoạt hơn và tập trung vào khách hàng hơn.

Ông thừa nhận Alibaba đã mắc nhiều sai lầm trong quá khứ.

Jack Ma cho hay: “Chúng ta không chỉ phải có lòng dũng cảm để thừa nhận và sửa chữa kịp thời những vấn đề của ngày hôm qua mà còn phải cải cách cho tương lai. Năm nay, giữa nhiều nghi ngờ và áp lực với công ty từ bên trong và bên ngoài, tôi đã chứng kiến ​​sự ra đời của một đội ngũ Alibaba mạnh mẽ và dũng cảm”.

Đây là bài viết dài nhất 5 năm của Jack trên mạng nội bộ công ty.

Jacob Cooke, Giám đốc điều hành công ty tư vấn thương mại điện tử WPIC Marketing + Technologies, nói ông tin rằng bức thư này nhằm mục đích "khôi phục niềm tin nội bộ và bên ngoài vào ban lãnh đạo Alibaba vì giọng điệu tiêu cực dường như đã gia tăng vào năm 2024".

Vào tháng 10.2020, tại Hội nghị thượng đỉnh Tài chính Thượng Hải lần thứ 2, Jack Ma đã chỉ trích hệ thống quản lý tài chính của Trung Quốc và tuyên bố các ngân hàng nước này đang hoạt động với tư duy như "tiệm cầm đồ". Phát ngôn gây tranh cãi này từ tỷ phú sinh năm 1964 đã thúc đẩy cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp của ông, gồm cả Alibaba và Ant Group, đồng thời dẫn đến cuộc truy quét rộng rãi hơn với các hãng công nghệ ở Trung Quốc.

Ant Group là chi nhánh công nghệ tài chính của Alibaba.

Vào năm 2021, Alibaba bị phạt 2,8 tỉ USD vì vi phạm luật chống độc quyền. Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đã phải tuân thủ một loạt quy định mới xung quanh các lĩnh vực từ cạnh tranh đến quyền riêng tư dữ liệu.

Jack Ma từng không xuất hiện trước công chúng trong vài tháng, làm dấy lên tin đồn rằng ông mất tích. Cuối năm 2021, Jack Ma đi du lịch châu Âu và ở bên ngoài Trung Quốc vài tháng trong năm 2022. Ông xuất hiện ở quê nhà vào đầu năm 2022, làm dấy lên cuộc thảo luận rằng sự giám sát với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc có thể được nới lỏng.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc truy quét của Trung Quốc với lĩnh vực công nghệ trong nước đã phần nào lắng dịu nhưng tung tích Jack Ma vẫn thường là chủ đề được thảo luận.

Hồi cuối tháng 11.2023, Jack Ma kêu gọi Alibaba điều chỉnh hướng đi trong một bản ghi nhớ nội bộ bất ngờ, trong đó doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc kêu gọi thay đổi cơ bản trong toàn bộ công ty mà ông đồng sáng lập cách đây nhiều thập kỷ. Hầu như không tham gia các hoạt động hằng ngày tại Alibaba kể từ năm 2020, Jack Ma đã khiến các nhân viên bất ngờ khi trả lời một bài đăng của họ trên diễn đàn nội bộ tập đoàn.

Trong thông điệp ngắn gọn của mình, doanh nhân này ca ngợi những quyết định được thực hiện những năm gần đây của PDD Holdings nhằm giành thị phần từ Alibaba. Thế nhưng, ông tin rằng Alibaba sẽ thay đổi và “điều chỉnh hướng đi của mình”.

“Xin chúc mừng PDD Holdings vì việc ra quyết định, thực hiện và nỗ lực của họ trong những năm qua. Công ty nào cũng có những ngày vinh quang, nhưng những con người sẵn sàng cải tổ vì tương lai, các tổ chức sẵn sàng trả bất cứ giá nào và sự hy sinh mới là những người thực sự được tôn trọng. Mọi công ty vĩ đại đều trải qua giai đoạn khó khăn. Khi kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho thương mại điện tử đang diễn ra, đó là cơ hội cho tất cả mọi người nhưng cũng là thách thức”, Jack Ma viết.

Cuối năm 2023, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đồng ý rằng ứng dụng thanh toán di động Alipay của Ant Group không có người kiểm soát, chấm dứt triều đại của Jack Ma. Đây là bước đi quan trọng trong quá trình đại tu của hãng công nghệ tài chính này để đưa kế hoạch IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) được mong đợi từ lâu trở lại đúng hướng.

Việc tái cơ cấu khiến quyền biểu quyết của Jack Ma, người sáng lập Ant Group, giảm xuống chỉ còn 6,21% từ mức 53,46%. Động thái này được coi là mở đường cho Ant Group tiếp tục niêm yết cổ phiếu công khai, điều đã bị trì hoãn vào năm 2020 sau bài phát biểu gây tranh cãi của Jack Ma.

Quyền biểu quyết của Jack Ma tại Ant Group được chia cho Hangzhou Junhan Equity Investment (thuộc sở hữu của Jack Ma và 4 người khác) với 31,04% quyền biểu quyết và Hangzhou Junao Equity (công ty thuộc sở hữu của 5 cá nhân khác) với 22,42% quyền biểu quyết. Cổ phiếu có quyền biểu quyết của hai công ty này bằng với cổ phần sở hữu của họ.

Bài liên quan
Alibaba ký thỏa thuận với Campuchia thông qua sáng kiến thương mại của Jack Ma
Tập đoàn Alibaba (có trụ sở tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc) vừa ký một thỏa thuận với chính phủ Campuchia để hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số và lĩnh vực kinh doanh nhỏ của nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên họp về chủ nghĩa đa phương
7 giờ trước Sự kiện
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tham dự các phiên họp chính thức và có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp “Vì một chủ nghĩa đa phương đổi mới” của Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Jack Ma kêu gọi nhân viên Alibaba kiên định: ‘Không công ty nào có thể luôn đứng đầu mãi mãi’