Theo thư bị rò rỉ, AstraZeneca nói với Thái Lan rằng họ có thể cung cấp khoảng 6 triệu liều vắc xin COVID-19 mỗi tháng, trái ngược với khẳng định của các quan chức xứ chùa vàng rằng con số là 10 triệu liều mỗi tháng.

Kế hoạch hạn chế xuất khẩu vắc xin của Thái ảnh hưởng nguồn cung 30 triệu liều AstraZeneca cho Việt Nam

Nhân Hoàng | 20/07/2021, 10:16

Theo thư bị rò rỉ, AstraZeneca nói với Thái Lan rằng họ có thể cung cấp khoảng 6 triệu liều vắc xin COVID-19 mỗi tháng, trái ngược với khẳng định của các quan chức xứ chùa vàng rằng con số là 10 triệu liều mỗi tháng.

Việc Thái Lan thúc đẩy có 10 triệu liều AstraZeneca hàng tháng được đưa ra khi nước này xem xét áp đặt hạn chế xuất khẩu vắc xin do họ sản xuất để tăng nguồn cung trong nước. Đây là động thái có thể tạo ra vấn đề cho các quốc gia láng giềng, trong đó một số nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng COVID-19 tương tự Thái Lan hoặc nghiêm trọng hơn.

Một lá thư ngày 25.6 của AstraZeneca gửi Bộ trưởng Y tế Thái Lan cho thấy rằng nhà sản xuất thuốc Anh - Thụy Điển đã đề nghị cung cấp chỉ 5-6 triệu liều mỗi tháng cho Thái Lan từ một nhà máy địa phương, hoặc 1/3 số lượng do đối tác Siam Bioscience của họ sản xuất, vốn thuộc sở hữu của vua Thái Lan.

"Tôi hy vọng bạn sẽ hài lòng vì con số này gần gấp đôi số lượng mà chúng tôi đã thảo luận trong cuộc họp", Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề doanh nghiệp toàn cầu của AstraZeneca, Sjoerd Hubben, cho biết trong bức thư đề cập đến cuộc họp vào tháng 9.2020 với các quan chức Thái Lan.

Tại cuộc họp đó, các quan chức chính phủ Thái Lan ước tính nước này cần khoảng 3 triệu liều vắc xin mỗi tháng, Sjoerd Hubben viết.

Bức thư lần đầu tiên được hãng thông tấn Isara công bố.

Ý tưởng về việc Thái Lan hạn chế xuất khẩu vắc xin được sản xuất trong nước lần đầu tiên xuất hiện vào tuần trước khi quốc gia Đông Nam Á phải hứng chịu làn sóng COVID-19 mới với số ca bệnh kỷ lục trong vài ngày liên tiếp.

Hiện Thái Lan ghi nhận tổng cộng 426.475 ca mắc COVID-19 với 3.502 người chết. Trong 24 giờ qua có thêm 11.305 ca COVID-19 và 80 người chết do căn bệnh này ở Thái Lan.

Đến nay, Thái Lan chỉ mới tiêm vắc xin cho 5,2% dân số trong hơn 66 triệu người.

tranh-chap-voi-astrazeneca-va-ke-hoach-han-che-xuat-khau-vac-xin-cua-thai-lam-giam-nguon-cung-cho-viet-nam.jpg
Thái Lan muốn 10 triệu liều vắc xin mỗi tháng, còn AstraZeneca chỉ cam kết chuyển 6 triệu liều mỗi tháng

Thứ trưởng Bộ Y tế Thái Lan - Sathit Pitutacha tuần trước cho biết AstraZeneca đã yêu cầu hoãn lại 61 triệu liều mà ông nói rằng hãng này đã hứa với Thái Lan vào cuối năm 2021. Cam kết đó sẽ cho phép Thái Lan sử dụng trung bình 10 triệu liều vắc xin mỗi tháng trong năm 2021, theo ông Sathit Pitutacha.

Sathit Pitutacha nói: “Chúng tôi muốn 10 triệu liều vì kế hoạch ban đầu là 10 triệu liều”.

Một nguồn tin am hiểu về thỏa thuận AstraZeneca cho biết 61 triệu liều, khoảng 1/3 sản lượng đã thỏa thuận với nhà máy địa phương, sẽ được giao cho Thái Lan, nhưng không có cam kết về sản lượng hàng tháng nào được đồng ý.

Tổng giám đốc Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan - Opas Karnkawinpong hôm 18.7 xác nhận rằng bức thư ngày 25.6 là có thực.

Ông Opas Karnkawinpong nói với các phóng viên rằng con số 3 triệu chỉ là một ước tính sơ bộ và Thái Lan đã chính thức yêu cầu AstraZeneca vào tháng 4.2021 cung cấp 10 triệu liều hàng tháng.

Opas Karnkawinpong không cho biết liệu AstraZeneca có đồng ý với điều đó không và nói rằng người ta hiểu rằng sự sẵn có của vắc xin phụ thuộc vào sản lượng và số lượng có thể cần được thống nhất hàng tháng.

AstraZeneca không bình luận gì về bức thư bị rò rỉ.

Bức thư cũng nêu chi tiết các cam kết cung cấp gần 114 triệu liều của AstraZeneca ở các nơi khác ở châu Á - một chuỗi cung ứng đã trở nên không chắc chắn do các hạn chế xuất khẩu vắc xin tiềm năng của chính phủ Thái Lan.

Bức thư cho thấy AstraZeneca có kế hoạch cung cấp 50 triệu liều cho Indonesia, 30 triệu liều cho Việt Nam, 16,5 triệu cho Philippines, 10 triệu cho Đài Loan và 6,4 triệu cho Malaysia.

Nhà lập pháp đối lập Wiroj Lakkhanaadisorn nói các nhà chức trách Thái Lan đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung vắc xin toàn cầu cũng như tác động nghiêm trọng của các biến thể đáng lo ngại.

"Chính phủ đã quá tự tin về tình hình khi đưa ra những kế hoạch này. Họ rất chậm chạp và bất cẩn", ông nói với Reuters hôm 19.7.

600 nhân viên y tế nhận 2 liều vắc xin Sinovac mắc COVID-19, Thái Lan tiêm tăng cường AstraZeneca

Hôm 12.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan - Anutin Charnvirakul cho biết chiến lược tiêm chủng hàng loạt chống lại COVID-19 của nước này hiện sẽ bao gồm việc tiêm vắc xin công nghệ vectơ vi rút của AstraZeneca sau một liều vắc xin Sinovac.
Ông Anutin Charnvirakul nói với các phóng viên rằng động thái này nhằm tăng cường khả năng bảo vệ chống lại các biến thể có khả năng lây truyền cao.

Việc trên diễn ra sau khi hàng trăm nhân viên y tế Thái Lan vẫn mắc COVID-19 dù đã tiêm 2 liều vắc xin Sinovac (Trung Quốc).

Bộ Y tế Thái Lan hôm 11.7 cho biết hơn 600 nhân viên y tế được tiêm hai liều vắc xin Sinovac đã mắc COVID-19, khi các nhà chức trách cân nhắc việc tiêm thêm liều nhắc lại để nâng cao khả năng miễn dịch.

Trong số 677.348 nhân viên y tế Thái Lan được tiêm hai liều vắc xin Sinovac, 618 người đã mắc COVID-19, theo dữ liệu của Bộ Y tế nước này từ tháng 4 đến tháng 7. Ngoài ra, một y tá đã chết và một nhân viên y tế khác đang trong tình trạng nguy kịch.

Hội đồng chuyên gia khuyến nghị tiêm liều thứ ba để kích hoạt khả năng miễn dịch cho các nhân viên y tế có nguy cơ mắc COVID-19, quan chức y tế cấp cao Sopon Iamsirithawon nói trong một cuộc họp báo hôm 10.7

Ông cho hay: “Đây sẽ là một loại vắc xin khác (liều thứ 3 – PV), vectơ vi rút AstraZeneca hoặc vắc xin mRNA, mà Thái Lan sẽ nhận được trong thời gian tới” và cho biết thêm rằng khuyến nghị sẽ được xem xét vào 12.7.

Bài liên quan
Vì sao Đức khuyến nghị tiêm vắc xin BioNTech hay Moderna sau liều AstraZeneca đầu tiên?
Đức khuyến nghị rằng tất cả những người tiêm liều AstraZeneca đầu tiên nên chuyển sang một loại vắc xin khác cho mũi thứ hai. Mục đích là để tăng tốc độ và hiệu quả của việc tiêm chủng khi biến thể Delta dễ lây lan hơn đang hoành hành.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kế hoạch hạn chế xuất khẩu vắc xin của Thái ảnh hưởng nguồn cung 30 triệu liều AstraZeneca cho Việt Nam