Trong một tuần, Phoe Thar (sinh viên 21 tuổi) đã ra ngoài từ rạng sáng mang theo bình oxy từ nhà của những người mắc COVID-19 ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, để đi nạp giúp họ.
Anh và các tình nguyện viên xếp hàng bên ngoài các tổ chức từ thiện để đổ đầy bình và trở về, cố gắng cứu sống nhiều người ở một quốc gia có hệ thống y tế phần lớn đã sụp đổ kể từ cuộc đảo chính ngày 1.2 và đang đối mặt với sự gia tăng các mắc COVID-19 tồi tệ nhất.
Được tài trợ bởi các mạnh thường quân trên mạng xã hội, Phoe Thar và nhóm của anh là một phần của nỗ lực cấp cơ sở ngày càng phát triển nhằm qua mặt các nhà chức trách và lặp lại cách người dân Myanmar phản ứng với các cuộc khủng hoảng trong những thập kỷ mà quân đội cai trị trước đây.
Phoe Thar nói với Reuters qua điện thoại từ Mandalay: “Vì số lượng người cần bình dưỡng khí rất lớn, đó là một thách thức rất lớn với chúng tôi”.
Số liệu của Bộ Y tế cho thấy số ca tử vong do COVID-19 đạt kỷ lục 233 người ở Myanmar hôm 17.7, nhưng các bác sĩ và dịch vụ tang lễ cho biết con số thực tế cao hơn nhiều và các lò hỏa táng đang quá tải.
Tổng số người chết do COVID-19 chính thức đã tăng hơn 40% trong tháng này, lên 4.769, với sự lây lan của biến thể Delta cũng đã tăng lên ở những nơi khác của Đông Nam Á.
Reuters đã không thể liên lạc với Bộ Y tế Myanmar hoặc một phát ngôn viên của quân đội để bình luận về sự bùng phát COVID-19 cùng phản ứng của công chúng.
Một phát ngôn viên của quân đội Myanmar cho biết tuần trước đã có những người bị bắt giữ trong cuộc chiến chống lại sự bùng phát COVID-19 và kêu gọi mọi người hợp tác với chính phủ.
Tờ Global New Light of Myanmar do quân đội Myanmar điều hành cho biết Bộ trưởng Y tế Thet Khaing Win đã tổ chức một cuộc họp hôm 17.7 để "đẩy nhanh động lực" trong việc giải quyết COVID-19, bao gồm cả việc gia tăng nguồn cung cấp oxy.
Các nhà phê bình quân đội Myanmar cho rằng các sinh mạng đã bị mất đi vì những hạn chế mà họ đã áp dụng với một số nhà cung cấp oxy tư nhân với danh nghĩa ngừng tích trữ.
Một hệ thống y tế vốn đã yếu kém nhất khu vực sau cuộc đảo chính khi nhiều nhân viên y tế tham gia phong trào bất bình dân dân sự để phản đối chính quyền. Các biện pháp tiêm chủng, xét nghiệm và phòng ngừa COVID-19 đều bị đình trệ.
'Bệnh viện không thể làm được bất cứ điều gì'
Một bác sĩ gần đây đã tình nguyện giúp đỡ trên mạng xã hội cho biết ông đang ngập trong hàng trăm yêu cầu. Khi nhận cuộc gọi và đến nhà, ông nhận thấy hầu hết những người bệnh đều có các triệu chứng do COVID-19 và nồng độ oxy thấp.
"Tình hình rất nghiêm trọng. Các bệnh viện không thể làm gì cho họ... Tôi không thể chỉ ngồi nhìn bệnh nhân ngày càng bất lực", bác sĩ làm việc dưới tên Pa Gyi thổ lộ.
Pa Gyi đã đối chiếu tình hình với hai đợt dịch COVID-19 trước đó, phần lớn được đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ của nhà lãnh đạo được bầu là bà Aung San Suu Kyi, người hiện bị phế truất và xét xử với một loạt tội danh.
Chính phủ của bà Suu Kyi có lợi thế về các tình nguyện viên đã điều khiển các trung tâm kiểm dịch và xét nghiệm COVID-19, đồng thời giúp đỡ phần nào sức nặng tại các bệnh viện công. Tuy nhiên có rất ít người ủng hộ việc giúp đỡ một chính phủ quân sự vẫn đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối việc nắm quyền sau khi bị cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử với chiến thắng thuộc về đảng của bà Suu Kyi vào năm ngoái.
Phoe Thar cho biết hầu hết các tình nguyện viên ở Mandalay từ đợt dịch COVID-19 đầu tiên và thứ hai đều đã biến mất.
Thay vào đó, các nhóm như của anh đang tự tổ chức, giống như cách người dân Myanmar thường giúp đỡ nhau trong các thảm họa trong quá khứ - đặc biệt là sau phản ứng hạn chế của chính quyền trước đó với cơn bão Nargis tàn phá nước này năm 2008.
Các nhóm bạn ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, nói với Reuters rằng họ đang nhóm lại với nhau để cố gắng nhập khẩu bình oxy từ nước láng giềng Thái Lan.
Cư dân thị trấn Kawlin ở miền Tây Sagaing đang cố gắng huy động ít nhất 30.000 USD để nhập khẩu máy tạo oxy từ Trung Quốc.
"Hiện chúng tôi đang hứng chịu đợt COVID-19 thứ ba. Chúng tôi không biết sẽ còn bao nhiêu đợt nữa. Bây giờ chúng ta phải hành động như thể chúng ta không có bất kỳ chính phủ nào", một trong những người đứng đầu nhóm nói với Reuters qua điện thoại, đồng thời từ chối nêu tên vì sợ bị trả thù.
Đến nay Myanmar ghi nhận tổng cộng 229.521 ca mắc COVID-19 với 5.000 người chết và 161.859 khỏi bệnh. Số ca COVID-19 mới trong 24 giờ qua là 5.285.