Trước khi có vườn hồng 100 cây nở rực rỡ khắp ban công, sân thượng, chị Bảo Linh từng gặp nhiều gian nan khi hoa chết hàng loạt do thời tiết khắc nghiệt, mua nhầm cây yếu.
Làm biên tập viên thời sự ở đài truyền hình nên chị Bảo Linh khá bận rộn với công việc hàng ngày. Tuy nhiên, chị vẫn dành thời gian cho niềm đam mê với những cây hoa hồng. Chị dành 30 m2 trên sân thượng và ban công ở các tầng để đặt 58 chậu trồng khoảng 100 gốc hoa hồng, có lưới thưa bao quanh.
Năm 2013, một người bạn biết chị thích hoa hồng nên đã tặng một chậu nhiều hoa, bông nào cũng to, đẹp. Từ đó, chị Linh bắt đầu nhen nhóm ý tưởng có một khu vườn nhỏ dành cho loài hoa có cả hương lẫn sắc.
Những ngày đầu, cứ tới dịp cuối tuần, chị lại lang thang các khu chợ để mua cây nhưng nhiều cây chỉ được một tháng lại lụi nên chị rất nản. Sau đó, chị tham gia các hội cây, hoa trên Facebook và tìm hiểu được, nhiều người bán cây bón chất kích thích cho hoa nở nhiều nhưng sau đó, cây rất khó sống do thiếu dưỡng chất."Đó là thời điểm tôi thấy mình chơi hoa theo kiểu ngô nghê nhất", chị Linh nhớ lại.
Từ đó, chị chỉ mua hoa ở các địa chỉ uy tín ở Hà Nội và Văn Giang (Hưng Yên) dù chi phí có thể đắt hơn. Ngoài hồng nội, chị cũng bắt đầu phải lòng với các loại hồng ngoại dáng đẹp, hương thơm và sai hoa.
Bài học thương đau thứ 2 của chị Linh chính là cây chết hàng loạt vì thiếu kinh nghiệm trị sâu bệnh. Mùa nồm năm 2014, cùng lúc 15 cây, trong đó có 8 cây hồng ruốc tím, bị chết vì nấm và thối rễ. Bệnh lây lan khiến chị muốn bỏ trồng vì thấy chăm khó, tốn thuốc, tốn phân mà vẫn không đối phó được với mùa ẩm, sâu bệnh nhiều.
Hồng ngoại còn khiến chị đau đầu hơn khi có những đợt mua phải cây bị bệnh nhện đỏ lây ra cả vườn khiến cây èo uột, hoa nhỏ xấu... Chị lại lên mạng hỏi cách trị bệnh, ngâm tỏi, ớt, gừng với rượu hoặc mua các chế phẩm sinh học bán sẵn ngoài hàng để phun cho cây.
Vườn lúc đầu có khoảng 70 chậu cây nhưng chị Linh nhận ra rằng để mật độ quá dày thì sâu bệnh (nhất là nhện đỏ) sẽ lây lan nhanh, khó chữa. Một năm nay, chị chỉ duy trì 58 chậu và quyết tâm không mua thêm dù lòng luôn tiếc nuối khi nhìn thấy những giống hồng mới trên mạng.
Năm đầu, chị trộn đất theo tỷ lệ 1:3 (một phần phân NPK hoặc phân vi sinh với 3 phần đất), dưới đáy chậu để xỉ than cho dễ thoát nước. Để đất tơi xốp, chị trộn thêm xơ dừa băm nhỏ hoặc vỏ trấu. Sau khi trồng cây vào chậu, chị bón thuốc kích rễ để cây nhanh ổn định. Chị mua cả vảy cá, vỏ tôm, cua bón thêm cho gốc hồng, tưới nước luộc trứng, nước vo gạo nên cây bật mầm và ra hoa nhiều.
Sau 3 năm trồng hoa, chị Linh không biết đã chi hết bao nhiêu tiền. Trong vườn chủ yếu là hồng ngoại, đủ cả hồng bụi, hồng leo, hồng cắt cành. Cây nhập giá đắt, thường từ 1,5 năm tuổi trở lên, có giá 700.000-2 triệu đồng một cây, cây tree rose mua ở Văn Giang giá lên tới 5 triệu đồng.
Từ khi có vườn cây, chị Linh bắt đầu ngày mới bằng việc ra ban công, sân thượng tưới nước, ngắm hoa. Việc bón phân, phun thuốc hay cắt tỉa được làm vào cuối tuần. Nếu phải đi công tác dài ngày, chủ vườn cũng không quên gọi điện thoại nhờ người nhà tưới cây, bón tỉa giúp.
Những bông hoa đẹp thuần khiết làm cho chị Linh thấy nhẹ nhõm tinh thần mỗi lúc căng thẳng. Chị có thêm những niềm vui nho nhỏ khi mỗi ngày được ngắm hoa, cắm vài bông xinh xinh đặt trên bàn trà...
Niềm vui lớn hơn với chị là truyền được tình yêu hoa hồng cho nhiều bạn đồng nghiệp. Ban Thời sự của chị Linh hiện đã có một hội trồng hoa. Các chị em hay hỏi chị Linh chỗ mua cây, cách trộn đất hoặc trị sâu bệnh.
Theo Hồng Liên/ Vnexpress/ Ảnh: Bảo Minh