Theo ông Trần Quang Hưng, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội, các trường đại học có thể học hỏi từ cuộc thi "Khởi nghiệp cùng Kawai" của Trường đại học Ngoại thương để cùng nhau lan tỏa, nhân rộng các mô hình kinh doanh.

Khởi nghiệp cùng Kawai – bệ phóng lớn cho các startup trẻ

01/06/2020, 12:43

Theo ông Trần Quang Hưng, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội, các trường đại học có thể học hỏi từ cuộc thi "Khởi nghiệp cùng Kawai" của Trường đại học Ngoại thương để cùng nhau lan tỏa, nhân rộng các mô hình kinh doanh.

Ông Trần Quang Hưng, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội phát biểu tại cuộc thi - Ảnh: BTC

Khởi nghiệp cùng Kawai​ là cuộc thi ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp dành cho giới trẻ từ 18 đến 25 tuổi được tổ chức bởi CLB Nhà doanh nghiệp tương lai (Trường đại học Ngoại thương) và được bảo trợ bởi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

Trải qua 14 năm hình thành và phát triển, Khởi nghiệp cùng Kawai đã đạt được những con số ấn tượng như hơn 2,7 tỉ đồng tiền mặt được trao; 2,5 tỉ đồng giải thưởng phụ, gần 1.600 đề án kinh doanh, 16.000 sinh viên tham gia và hơn 50.000 người tiếp cận.

Sản phẩm của đội thi BrickOne - Ảnh: T.A

Khởi nghiệp cùng Kawai được biết đến như bệ phóng cho các startup, điển hình như Kênh 14, Color Me, Fresh Deli, Táy Máy Tò Mò, YBox, VIC Việt Nam… Sau 14 năm tổ chức, Khởi nghiệp cùng Kawai đã góp phần tạo nên phong trào khởi nghiệp trong các trường đại học trên cả nước và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ phát huy tiềm năng sáng tạo, xây dựng nên các đề án kinh doanh xuất sắc.

Tại Hội chợ kết nối khởi nghiệp – Kawai Startup Fair 2020, ông Trần Quang Hưng - Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội mong muốn Khởi nghiệp cùng Kawai đừng “đóng khung”, cố định trong khu vực phía bắc mà hãy mở rộng quy mô ra cả nước, có thêm nhiều đối tượng tham dự khác như các bạn du học sinh. Phía Thành đoàn hy vọng sẽ cùng phối hợp để có thể giúp các bạn sinh viên, các mô hình kinh doanh có thể xây dựng và tiếp cận được thị trường lớn hơn, thu hút được vốn đầu tư cao hơn trong tương lai.

Đại diện đội thi Tpay thuyết trình đề án - Ảnh: BTC

Miếng bánh thị phần có dành cho startup?

Nối tiếp thành công của năm 2019, Kawai Startup Fair – Hội chợ kết nối khởi nghiệp 2020 được tổ chức lần thứ 3, nằm trong khuôn khổ vòng 2 cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai 2020 nhằm giúp các đội thi cũng như các doanh nghiệp startup có thể trưng bày sản phẩm của mình với khách hàng và các nhà đầu tư…

Năm nay, với chủ đề “Miếng bánh thị phần liệu có dành cho startup”, Kawai Startup Fair đã mang tới góc nhìn tổng quan về lĩnh vực thương mại điện tử cũng như cơ hội phát triển trong ngành của các startup. Theo đó, các chuyên gia đánh giá thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những gã khổng lồ của thương mại điện tử đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường màu mỡ này. Liệu miếng bánh thị phần có dành cho startup?

Nằm trong top 10 Khởi nghiệp cùng Kawai 2020, Tpay là đội thi mang tới dự án kinh doanh điển hình nhất cho lĩnh vực thương mại điện tử. Được biết, Tpay là nền tảng thanh toán cho phép người tiêu dùng thực hiện mua sắm lấy ngay và trả sau trong kỳ hạn 2 tháng với 0% lãi suất.

Theo trình bày của đội thi, hiện Tpay đang tập trung phần lớn cho thị trường thời trang, trong tương lai sẽ tiếp tục mở rộng ra các lĩnh vực khác, điển hình như thanh toán khóa học. Với mục tiêu “hướng khách hàng mua sắm có trách nhiệm”, Tpay dự định từ tháng 5 đến tháng 7.2020 sẽ là khoảng thời gian hoàn thiện sản phẩm; cuối năm 2020, nhóm dự tính sẽ thu hút được khoảng 10.000 người dùng.

Đội thi SpaceShare - Ảnh: BTC

Vượt qua 132 đề án đăng ký tham gia thuộc mọi lĩnh vực (công nghệ, giáo dục, nông nghiệp, thời trang… ) tại vòng 1, SpaceShare được biết đến là nền tảng đặt không gian làm việc trực tuyến tại Việt Nam. Theo đại diện của nhóm, bên cạnh việc đặt không gian làm việc trực tuyến, SpaceShare còn có thêm dịch vụ như cho thuê thư ký ảo, người dẫn chương trình… Mục tiêu trong vòng 3 năm tới, SpaceShare sẽ dẫn đầu Đông Nam Á trong thị trường này.

Bên cạnh sự phát triển không ngừng của thương mại điện tử, những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được các đội thi hướng tới. Điển hình như việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Mika đã xây dựng phần mềm ghi chép tự động cho các cuộc hội thoại cho phép chuyển giọng nói thành văn bản, chọn lọc ngôn ngữ tự nhiên. Đối tượng chủ yếu mà Mika hướng tới là các doanh nghiệp nhằm giúp họ tiết kiệm thời gian, giảm chi phí…

Đội thi Mika - Ảnh: BTC

Ngoài ra, top 10 Cuộc thi khởi nghiệp cùng Kawai năm nay còn có sự xuất hiện của những dự án xoay quanh mảng giáo dục, môi trường. Cụ thể, BrickOne (Hệ sinh thái giáo dục STEM made in Vietnam) mang tới nhiều khóa học, thí nghiệm STEM và các sản phẩm, mô hình, đồ chơi giáo dục hoàn toàn do người Việt làm ra. Green Life – dự án Đổi rác lấy quà cũng là một trong những dự án thu hút sự quan tâm khi đã tổ chức thu gom đa dạng các loại rác và đổi lấy cây, sản phẩm thân thiện với môi trường…

Bên cạnh những cái tên kể trên, top 10 năm nay còn gọi tên FMT (Future Management Trainee) – tư vấn và xây dựng thương hiệu tuyển dụng, thu hút nguồn nhân sự cho doanh nghiệp. Gamee (Nền tảng Game Maketing dành cho thương hiệu) với chi phí thấp và thời gian tối ưu nhất; Thiết bị kiểm đếm sản phẩm và tìm sản phẩm lỗi; Dịch vụ đào tạo nhân viên ngắn hạn và Nền tảng kết nối giữa Mentee và Mentor.

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khởi nghiệp cùng Kawai – bệ phóng lớn cho các startup trẻ