Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, TP.HCM sẽ hình thành nhiều kênh để hỗ trợ cho doanh nghiệp. TP sẽ không để doanh nghiệp xem cơ quan Nhà nước là nỗi ám ảnh khi thực hiện các thủ tục.

Không để cơ quan Nhà nước là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp

Phan Diệu | 12/04/2017, 12:55

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, TP.HCM sẽ hình thành nhiều kênh để hỗ trợ cho doanh nghiệp. TP sẽ không để doanh nghiệp xem cơ quan Nhà nước là nỗi ám ảnh khi thực hiện các thủ tục.

Ngày 11.4, UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với các sở ngành TP về kế hoạch triển khai nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM.

Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Nguyễn Hoàng Minh, báo cáo PCI năm 2016 của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy TP.HCM đã giảm từ hạng 6 năm 2015 xuống hạng 8 năm 2016 nhưng điểm số tăng từ 61,36 thành 61,72 điểm.

Mười chỉ số thành phần của PCI TP.HCM năm 2016 cũng có sự thay đổi so với năm 2015. Trong số này, có 5 chỉ số thành phần có điểm số tăng nhưng không cao gồm: chỉ số gia nhập thị trường (tăng từ 7,57 thành 7,99 điểm), chỉ số tiếp cận đất đai (tăng từ 5,18 thành 5,45 điểm), chỉ số chi phí thời gian (tăng từ 6,11 thành 6,24 điểm), chỉ số chi phí không chính thức (tăng từ 4,37 thành 4,74 điểm), chỉ số đào tạo lao động (tăng từ 6,89 thành 7,12 điểm).

Đáng chú ý, có 5 chỉ số thành phần có điểm số giảm gồm: chỉ số tính minh bạch (giảm từ 6,51 xuống 6,50 điểm), chỉ số cạnh tranh bình đẳng (giảm từ 4,28 xuống 4,13 điểm), chỉ số tính năng động của chính quyền địa phương (giảm từ 4,19 xuống 4,17 điểm), chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (giảm từ 7,00 xuống 6,82 điểm) và chỉ số thiết chế pháp lý (giảm từ 5,04 xuống 4,25 điểm).

Ông Nguyễn Hoàng Minh nói rằng xét về tính minh bạch, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm tìm hiểu đầu tư vào TP nhưng đâu đó cán bộ vẫn chưa tận tình hỗ trợ doanh nghiệp.

“TP phải quyết liệt cải thiện 5 chỉ số này trong năm 2017 và phải trao đổi thẳng thắn những việc gì làm được, những việc gì khó khăn để giám sát, tháo gỡ”, ông Minh nói.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng một trong 5 chỉ số tuy có cải thiện nhưng vẫn bị người dân, doanh nghiệp than phiền nhiều nhất là chỉ số tiếp cận đất đai.

“TP vẫn còn tình trạng người dân xin, thậm chí chạy các chỉ tiêu về quy hoạch đất đai”, ông Tuyến nhận định. Do đó, lãnh đạo TP đã đề nghị sắp tới các sở ngành cần được công khai quy hoạch đất đai cho tất cả người dân biết.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu các sở ngành trên tinh thần cái gì chưa tốt thì phải hết sức cầu thị để đẩy mạnh các giải pháp cải thiện PCI. Thủ trưởng các đơn vị tiếp xúc nhiều với doanh nghiệp cần tăng cường đối thoại để nắm bắt thông tin về cách giải quyết công việc của cán bộ cấp dưới. Việc này nhằm hạn chế sự nhũng nhiễu và những chi phí không chính thức cho doanh nghiệp trong quá trình giải quyết hồ sơ công việc. Nếu doanh nghiệp, người dân có khó khăn, vướng mắc thì nên liên hệ trực tiếp cơ quan chức năng để được giải quyết.

Đồng thời, ông Tuyến cũng chỉ đạo các sở ngành, quận huyện đẩy nhanh các dịch vụ công trực tuyến nhằm giảm sự tiếp xúc giữa cán bộ và doanh nghiệp để hạn chế sự nhũng nhiễu, giảm sự đi lại của doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Tuyến, sắp tới TP sẽ xây dựng Trung tâm khởi nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp về các thủ tục đầu tư và hướng dẫn doanh nghiệp về cách thức làm ăn. Không chỉ vậy, TP còn liên kết hợp tác với tổ chức nước ngoài để thành lập Trung tâm tư vấn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Việc này nhằm giúp nhà đầu tư không phải chạy vạy, xin xỏ thủ tục đầu tư ở nhiều nơi.

“TP.HCM sẽ hình thành nhiều kênh và là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp xem cơ quan chính quyền là nỗi ám ảnh khi thực hiện các thủ tục”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để cơ quan Nhà nước là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp