“Thay vì quy định quyền độc quyền sử dụng các thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị thì chỉ cần quy định nguyên tắc sử dụng các thiết bị, phần mềm này”, luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM nói với báo điện tử Một Thế Giới.

‘Không thể độc quyền sử dụng thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị’

Trí Lâm | 10/04/2017, 06:12

“Thay vì quy định quyền độc quyền sử dụng các thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị thì chỉ cần quy định nguyên tắc sử dụng các thiết bị, phần mềm này”, luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM nói với báo điện tử Một Thế Giới.

Nhiều quy định không hợp lý

Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị mà Bộ Công an vừa công bố đang gây ra nhiều phản ứng trong dư luận. Dưới góc nhìn của một người hành nghề luật, luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc độc quyền sử dụng những thiết bị này là không hợp lý.

Thưa ông, Bộ Công an vừa công bố Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị để lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan chức năng. Trong đó dự thảo quy định chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. Ông nhìn nhận điều này như thế nào? Quy định này có vi phạm pháp luật hay không và việc này sẽ gây khó khăn gì cho hoạt động của người dân, báo chí, luật sư…?

Luật sưKiều Anh Vũ: Tôi cho rằng Dự thảo Nghị định quy định về quyền “độc quyền sử dụng” thiết bị, phần mềm ngụy trangđể ghi âm, ghi hình, định vị của các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là chưa hợp lý.

Các cơ quan này được quyền sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị hoặc thậm chí là các công cụ, phương tiện khác vì mục đích an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và vì nhiệm vụ quốc phòng, nhưng không thể vì vậy mà hạn chế quyền sử dụng hợp pháp, chính đáng của các chủ thể khác.

Phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng là nhiệm vụ của toàn dân, người dân cũng có quyền sử dụng thiết bị, phần mềm này vì những mục đích này và mục đích hợp pháp, chính đáng của họ. Ví dụ người dân đặt thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình tại nhà để chống trộm; cài đặt phần mềm ngụy trang định vị trong điện thoại của chính mình để đề phòng nếu bị mất, mất trộm, cướp giật có thể lần theo phần mềm định vị để tìm lại…

Đặc biệt là đối với các phóng viên, thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình có thể là những công cụ không thể thiếu để tác nghiệp và nhiều vụ việc tiêu cực được phản ánh, phanh phui cũng là nhờ vào việc ghi âm, ghi hình qua những thiết bị như vậy…

Đối với luật sư, việc sử dụng các thiết bị, phần mềm ghi âm, ghi hình cũng rất cần thiết trong hoạt động hành nghề.

Chỉ cần quy định nguyên tắc sử dụng

Việc Bộ Công an cho rằng việc kinh doanh những thiết bị, phần mềm này ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, ông nghĩ thế nào? Liệu có giải pháp nào hài hòa lợi ích giữa việc đảm bảo an ninh quốc phòng và quyền lợi của công dân hay không?

Đúng là việc sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị có mục đích bất chính có khả năng ảnh hưởng đếnan ninh, quốc phòng, chẳng hạn nếu các phương tiện, phần mềm này được sử dụng trên một diện rộng, một phần lớn người dân bị theo dõi chẳng hạn…

Tuy vậy, tôi tin rằng với các biện pháp nghiệp vụ, năng lực các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, các âm mưu lợi dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị để xâm hại an ninh, trật tự, quốc phòng sẽ bị ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh.

Theo đó, đánh giá nguy cơ để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý chứ không hẳn là hạn chế quyền sử dụng chính đáng, hợp pháp của người dân, trong khi nhu cầu về quyền sử dụng hợp pháp, chính đáng là cái đang hiện hữu, còn nguy cơ chỉ là điều dự đoán.

Các thiết bị, phần mềm là sản phẩm sáng tạo, là trí tuệ của con người; không có nguy cơ và thậm chí là được phát minh với mục đích tốt; chỉ có hành vi, mục đích sử dụng của từng đối tượng cụ thể mới tạo nên nguy cơ thật sự.

Tôi cho rằng thay vì quy định quyền độc quyền sử dụng của các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội thì chỉ cần quy định nguyên tắc sử dụng các thiết bị, phần mềm này. Nguyên tắc sử dụng ở đây là phải sử dụng hợp pháp, chính đáng; không được lợi dụng các thiết bị, phần mềm này để xâm phạm bí mật đời tư, quyền riêng tư, bí mật của cá nhân, tổ chức khác; không được gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng…

Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM

Thể hiện sự phân biệt đối xử

Dự thảo quy định chỉ các cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng phục vụ cho lực lượng quân đội nhân dân mới được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Đối với các cơ sở kinh doanh không thuộc hai trường hợp trên thì phải được Bộ Công an có văn bản chấp thuận. Ngoài ra, trừ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng phục vụ cho lực lượng quân đội nhân dân, các cơ sở kinh doanh khác phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Ông đánh giá gì về quy định này?Quy định này có ảnh hưởng gì tới quyền tự do kinh doanh của người dân hay không, trong bối cảnh Chính phủ đang dần bãi bỏcác điều kiện kinh doanh?

Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị vừa được đưa vào danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (có hiệu lực từ ngày 1.7.2017) theo Luật số 03/2016/QH14 ngày sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Chính vì vậy mà hiện nay có Dự thảo này với điều kiện kinh doanh là phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Tuy vậy, việc phân định các nhóm đối tượng cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng với nhóm cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (tạm gọi “nhóm cơ sở kinh doanh dân sự”) và nhóm cơ sở kinh doanh dân sự có điều kiện kinh doanh khó khăn hơn (phải được Bộ Công an có văn bản chấp thuận) là không công bằng, tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh.

Đã gọi là kinh doanh thì phải cạnh tranh công bằng, pháp luật quy định các điều kiện kinh doanh chung cho các chủ thể kinh doanh và tất cả các cơ sở kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện đó.

Khoản 4 Điều 5 Luật Đầu tư quy định “nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư”; khoản 1 Điều 5 Luật Doanh nghiệp cũng quy định Nhà nước “bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế”.

Việc quy định các cơ sở kinh doanh “dân sự” phải có thêm văn bản chấp thuận là biểu hiện của sự phân biệt đối xử, không phù hợp với các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư vừa nêu, thêm thủ tục hành chính, thêm giấy phép con và không đúng với tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang chủ trương và quyết tâm thực hiện hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Hoài Phong (thực hiện)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Không thể độc quyền sử dụng thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị’