Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đợt năm 2017.

'Lạm phát’ giáo sư: Yêu cầu Bộ trưởng, Giáo sư Phùng Xuân Nhạ rút kinh nghiệm

Trí Lâm | 05/03/2018, 19:10

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đợt năm 2017.

Xét Báo cáo số 42/BGDĐT-VP ngày 28.2.2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc rà soát việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 và ý kiến của các Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp ngày 2.3.2018 tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã thống nhất kết luận như sau:

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước và Hội đồng chức danh cần nghiêm túc rút kinh nghiệm một cách sâu sắc vì để tình trạng còn nhiều hồ sơ ứng viên chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn, cần phải xác minh thêm trong đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đợt năm 2017 (như Báo cáo số 42/BGDĐT-VP nêu trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước xem xét và quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với những ứng viên đã bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định và chịu trách nhiệm về các hồ sơ này.

Đối với các trường hợp mà hồ sơ chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định, cần xác minh thêm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo rà soát lại kỹ lưỡng, bảo đảm đúng theo quy định. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận và rà soát lại.

Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định thay thế Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31.12.2008 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng ngay từ đợt xét công nhận tới.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 vào chiều 1.3, trả lời báo chí về những lùm xùm trong việc xét chức danh GS, PGS vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biếtviệc phong GS, PGS là công việc thường niên mà Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước và làm theo quy định của Chính phủ.

Theo ông Hùng, lý do số lượng ứng viên đủ tiêu chuẩn năm nay tăng cao hơn so với các năm trước là do thời gian kết thúc nộp hồ sơ công nhận kéo dài thêm 6 tháng so với năm 2016. Trong 6 tháng đó thì có nhiều ứng viên tích lũy đủ điều kiện tăng lên.

Cùng với đó, do các năm gần đây Chính phủ có các đề án đào tạo cán bộ giảng dạy, cho đi học nước ngoài. Trong các năm đó, ứng viên đã tích lũy được điều kiện về bài báo khoa học, hướng dẫn nghiên cứu sinh…Nhiều ứng viên có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế tăng gấp 2,1 lần so với năm 2016.

Theo kết quả xét của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, tổng số ứng viên đạt tiêu chuẩn là 1.226 người, đạt tỷ lệ 79,76%. Tỷ lệ này không có gì đột biến so với các năm trước.

Đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ GD-ĐT đã có báo cáo Thủ tướng về việc xét GS, PGSvà phát hiện có 94 ứng viên chưa đủ tiêu chuẩn phong GS, PGS về đề tài, bài báo, nghiên cứu khoa học, giờ giảng…

“Tinh thần của Thủ tướng là làm việc nghiêm túc. Ngay cả việc ứng viên bảo đủ giờ giảng thì phải nêu rõ giảng ở đâu, giờ nào, hợp đồng thế nào, có tiền hay không có tiền, khả năng ngoại ngữ thế nào….”, Bộ trưởng Dũng nói.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
FPT, Vinaconex 'đau đầu' về giải phóng mặt bằng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đại diện Vinaconex, FPT cho biết còn nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Lạm phát’ giáo sư: Yêu cầu Bộ trưởng, Giáo sư Phùng Xuân Nhạ rút kinh nghiệm