Thời gian qua, hàng loạt cuộc thi sắc đẹp được tổ chức tại Việt Nam khiến nhiều người lo ngại về danh hiệu "hoa hậu".

Lạm phát thi hoa hậu

Bài, ảnh: Minh Anh | 18/07/2022, 09:30

Thời gian qua, hàng loạt cuộc thi sắc đẹp được tổ chức tại Việt Nam khiến nhiều người lo ngại về danh hiệu "hoa hậu".

"Ao làng" lên đời thành "biển lớn"

Năm 2021, Nghị định 144/2020/NÐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thay thế Nghị định 79 trước đó, chính thức tăng quyền quản lý cho các địa phương. Sau đó, tỉnh, thành phố giao hoặc ủy quyền cho sở hoặc UBND cấp quận huyện, tùy theo chương trình, hoạt động… Điều này đã dẫn đến hàng loạt cuộc thi hoa hậu trong nước liên tục diễn ra.

Sự "cởi trói" về quy định tổ chức các cuộc thi nhan sắc của Nghị định số 144/2020/NÐ-CP của Chính phủ (không quy định giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu-hoa khôi và bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ); đặc biệt các cuộc thi thay vì phải xin cấp phép từ Cục Nghệ thuật biểu diễn, nay chỉ cần thông qua UBND cấp tỉnh thành... dẫn đến việc có nhiều cuộc thi sắc đẹp được tổ chức tràn lan.

thi-hoa-hau-1657777322537888578799.jpg
Có quá nhiều cuộc thi nhan sắc trong từng năm, thậm chí từng tháng

Việc tổ chức cuộc thi được gọi là "Hoa hậu" từ trước đến nay, theo quy định chỉ Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cấp phép và mỗi năm không quá 4 cuộc, các cuộc thi hoa hậu quốc tế mỗi năm không quá 2 cuộc. Khi thí sinh tham dự các cuộc thi quốc tế phải có vị trí top 3 ở các cuộc thi trong nước. Điều đó dẫn đến nhiều cuộc thi diễn ra nhưng không có giấy phép, vẫn được gọi là "thi chui", cuộc thi "ao làng".

Tuy nhiên, khi Nghị định 144 được ban hành, các cuộc thi chuyển về để các tỉnh thành quyết định, thì việc xin giấy phép dễ dàng hơn, tỉnh thành đó chỉ cần đánh giá đơn vị đứng ra tổ chức đủ năng lực, đề án hợp lý, phát triển văn hóa du lịch tỉnh nhà thì sẽ cấp phép. Và cũng chính vì vậy mới nở rộ các cuộc thi mang "mác" hoa hậu, nhưng thực chất nếu so sánh về chất lượng thí sinh, sự đồng bộ, hay cách thức tổ chức thì vẫn chỉ là các cuộc thi "ao làng" được gắn nhãn "hoa hậu" nhằm vươn ra "biển lớn".

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã có gần 20 cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ, chưa kể đến các cuộc thi quý bà, nữ doanh nhân... Sự trở lại ồ ạt các cuộc thi nhan sắc cũng kéo theo hàng loạt những chồng chéo, khó phân biệt danh hiệu và dẫn đến tình trạng khan hiếm thí sinh. Ngoài ra, một vấn đề được các chuyên gia thẳng thắn chỉ ra, rằng các cuộc thi sắc đẹp đang bị coi là sinh hoạt giải trí, cầu may. Trong đó, không ít người tham gia để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Khi bước ra từ cuộc thi, bản thân thí sinh dường như đã tốt nghiệp một khóa học ngắn hạn về sắc đẹp, thế là cuộc đời bước sang trang mới, không ít cô sau đó gắn với những thương vụ bạc tỉ.

Việc bùng nổ các cuộc thi hoa hậu góp phần giúp làng giải trí sôi động trở lại sau dịch COVID-19. Trên mạng xã hội, các hội nhóm sắc đẹp phát triển mạnh, bàn luận sôi nổi về các cuộc thi. Vậy nhưng sự “bội thực” các cuộc thi hoa hậu dẫn đến tình trạng "ra đường gặp hoa hậu" khiến danh xưng này bị giảm uy tín. Danh xưng hoa hậu từng là niềm mơ ước của nhiều cô gái và từng được xã hội rất quan tâm. Nhưng giờ đây, khán giả thậm chí còn không nhớ hết tên các cuộc thi chứ nói gì những người đoạt vương miện. 

chung-1656298992546.jpeg
Chung kết hoa hậu Doanh nhân Việt Nam toàn cầu chỉ có 6 thí sinh tranh tài và cả 6 người này đều có giải

Sau những cuộc thi hoa hậu, dư luận đặt câu hỏi không biết những người đoạt giải và được vinh danh sẽ đóng góp gì cho cộng đồng mà lại thi nhiều đến thế? Khi có quá nhiều hoa hậu được vinh danh, lần lượt nhận vương miện, quyền trượng và hàng loạt các giải thưởng từ lớn tới nhỏ, theo các chuyên gia sắc đẹp, chỉ béo ban tổ chức. 

Hoa hậu bị biến thành một nghề

Trên thực tế thời gian qua, dù tên gọi cuộc thi là gì thì các tiêu chí, cách thức cũng na ná nhau, vẫn là cố gắng tìm ra một cô gái có gương mặt và thân hình đẹp, có trí tuệ, nhân cách tốt. Bên cạnh đấy, việc đội vương miện hay nhận được danh hiệu trong các cuộc thi nhan sắc vẫn được cho là cơ hội vàng để cho các cô gái đổi đời một cách nhanh chóng. Các quý bà, nử doanh nhân cũng thích dùng danh vị "hoa hậu" để khi đặt chân ra đường có người tôn vinh, khi dự tiệc được ngồi hàng ghế cùng các nàng hậu danh giá khác. Chiếc vương miện trở thành giấc mơ lớn. Các cuộc thi hoa hậu vì thế mọc lên như nấm khiến chất lượng tổ chức lẫn nhan sắc, trí tuệ thí sinh đều rất đáng lo ngại.

Không chỉ các cô gái trẻ, nhiều phụ nữ đã ở tuổi “mẫu hậu” cũng tìm đến những cuộc thi nhan sắc dành cho giới doanh nhân, phu nhân, quý bà, cũng với danh xưng thật kêu như hoa hậu, hoa khôi, nữ hoàng này nữ hoàng nọ. Nhiều cuộc thi được tổ chức nhếch nhác, thí sinh chỉ ít người thi với nhau, trở thành chuyện gây đàm tiếu trên mạng xã hội.

Trao đổi riêng với PV Một Thế Giới, một giám khảo của khá nhiều cuộc thi sắc đẹp cho biết, trên thực tế, người ta coi "làm hoa hậu là một nghề", thậm chí chấm thi cho các hoa hậu chính là giám khảo cũng là một nghề. Đó là một kiểu kiếm tiền, mời giám khảo cát sê thấp để bớt chi phí, mời người có danh tiếng để kêu gọi tài trợ, mời thí sinh tham gia, bán các vị trí. Không ít đơn vị đi xin cấp phép thi hoa hậu với mục đích quảng bá du lịch, quảng bá hình ảnh, sau đó bán các vị trí ngồi cạnh giám khảo danh tiếng, các hoa hậu chính danh để xin tiền tài trợ. Tiền tài trợ, bán các vị trí danh hiệu, sau khi trừ chi phí tổ chức, thừa bao nhiêu, họ đút túi riêng.

293988600_382694353933600_3815849840482953877_n.jpg
Các thí sinh trình diễn áo dài trên sân khấu

Điển hình nhất là cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022 mới khép lại đây, dù cuộc thi đã tìm được chủ nhân của chiếc vương miện danh giá nhưng khán giả vẫn chưa mấy hài lòng. Khi phần khán giả mong chờ nhất là phần thi ứng xử top 5 thì các thí sinh lại ấp úng, lúng túng trong việc thể hiện quan điểm cá nhân. Sự thiếu tự tin của các cô gái đã khiến nhiều khán giả ngán ngẩm. Trên Fanpage của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, nhiều tài khoản để lại những bình luận chê bai, chỉ trích một đêm chung kết nhạt nhòa, không như kỳ vọng của khán giả. Đây là cuộc thi tìm ra cô gái đại diện Việt Nam tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế Miss Earth 2022. 

Danh xưng hoa hậu từng là niềm mơ ước của nhiều cô gái. Nhưng giờ đây khi chất lượng của các đấu trường sắc đẹp không còn được chú trọng thì danh tiếng của các ngôi vị hoa hậu sẽ không được công chúng quan tâm, để ý. 

Tuy nhiên, trái với ý kiến lo ngại của nhiều khán giả, ông Nguyễn Quang Vinh - nguyên Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) lại cho rằng hiện tượng này là bình thường. Không chỉ vậy, các cuộc thi sẽ góp phần quảng bá du lịch, văn hóa vùng miền, quốc gia, kích cầu kinh tế một cách nhanh chóng nhất. Còn các cuộc thi không đảm bảo đủ chất lượng thì sẽ nhanh chóng bị khán giả đào thải. Ban tổ chức cuộc thi đó lần sau muốn tổ chức cũng khó có thể tìm được những thí sinh chất lượng. Ông Vinh cho rằng việc phân cấp cho địa phương quản lý các cuộc thi nhan sắc không có nghĩa là Bộ VH-TT-DL sẽ “bỏ trắng” mà sẽ thường xuyên tiến hành kiểm tra quá trình xem xét, cấp phép hồ sơ của các địa phương, nhất là khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

Đưa ra ý kiến riêng về các cuộc thi nhan sắc đang được tổ chức liên tục trong thời gian gần đây, nhà báo Dương Kỳ Anh - “cha đẻ” của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cho rằng không nên phân cấp các cuộc thi sắc đẹp có quy mô quốc gia cho các địa phương cấp phép và giám sát. Thứ nhất, các cuộc thi cấp quốc gia không tổ chức cố định ở một địa phương mà sẽ tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau. Và như vậy thì không thể mỗi lần tổ chức ở một địa phương lại phải làm thủ tục xin cấp phép. Thứ hai, nếu chỉ cần được cấp phép bởi địa phương tổ chức vòng chung kết thì việc giám sát khâu tổ chức các vòng thi: Sơ khảo, chung khảo, bán kết… ở các địa phương sẽ dễ bị lỏng lẻo.

Theo các chuyên gia, để quản lý tình trang này cần có những giải pháp mang tính tổng thể, không chỉ đến từ ngành văn hóa. Đầu tiên, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của các cuộc thi sắc đẹp, để tránh những ngộ nhận, hiểu lầm về giá trị của cuộc thi. Đồng thời, khi đã có các quy định xử phạt thì cần phải tiến hành xử phạt nghiêm khắc, mang tính chất làm gương, trở thành bài học cho các công ty tổ chức sự kiện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lạm phát thi hoa hậu