Người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, Trung Quốc và các cường quốc khác cần giúp thế giới đối phó với nạn đói “thảm khốc” có thể xảy ra trong năm nay.

Liên Hợp Quốc kêu gọi Trung Quốc hành động chống lại nạn đói toàn cầu

Hoàng Vũ (theo Politico) | 13/04/2023, 14:00

Người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, Trung Quốc và các cường quốc khác cần giúp thế giới đối phó với nạn đói “thảm khốc” có thể xảy ra trong năm nay.

Trao đổi với Politico, Giám đốc WFP, bà Cindy McCain nói rằng EU và Mỹ nên coi nạn đói trên thế giới là một vấn đề an ninh quốc gia vì tác động của nó đối với vấn đề di cư. Bà cũng chỉ trích việc Nga cản trở xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ảnh hưởng tới an ninh lương thực trên toàn thế giới.

Theo số liệu của WFP, ít nhất 345 triệu người ở 82 quốc gia đang đối mặt với bất ổn an ninh lương thực. WFP chỉ ra rằng tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng trên các thị trường lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu cũng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực.

nan-doi.jpg
Nạn đói đang đe dọa nhiều quốc gia - Ảnh: LHQ

“Năm nay có thể còn tồi tệ hơn với việc khu vực Sừng châu Phi trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua. Haiti đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng mạnh, cùng nhiều yếu tố khác. 2023 sẽ là một năm thảm họa nếu chúng ta không bắt tay vào làm việc và huy động số tiền mà chúng ta cần. Chúng ta cần nhiều hơn rất nhiều so với trước đây”, bà McCain cảnh báo.

Lãnh đạo cơ quan lương thực của LHQ cũng yêu cầu các quốc gia vốn đóng góp ít cho WFP như Trung Quốc và các nước Ả Rập cần phải tăng cường hỗ trợ để đáp ứng sự thiếu hụt. Năm ngoái, Trung Quốc chỉ đóng góp 11 triệu USD cho quỹ WFP so với 7,2 tỉ USD từ Mỹ.

“Có một số quốc gia về cơ bản không tham gia hoặc tham gia rất ít. Tôi muốn khuyến khích những quốc gia Trung Đông và cả Trung Quốc cùng tham gia đóng góp. Mọi khu vực, mọi quốc gia cần tăng cường tài trợ”, bà McCain nói.

Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến lời kêu gọi của bà McCain khó được đáp ứng. Kể từ năm 1992, 6 giám đốc điều hành gần đây nhất của WFP đều là người Mỹ. Do đó, Bắc Kinh có lý do để phân phối viện trợ thông qua các kênh riêng của mình. Mùa hè năm ngoái, Trung Quốc đã vận chuyển viện trợ lương thực trực tiếp đến Sừng châu Phi sau một đợt hạn hán ở đó.

An ninh quốc gia

“An ninh lương thực là vấn đề an ninh quốc gia. Không người tị nạn nào muốn rời bỏ quê hương, nhưng họ buộc phải rời bỏ quê hương vì không có đủ thức ăn và không thể nuôi sống gia đình. Vì vậy, điều quan trọng là nếu muốn một thế giới ổn định, thì thực phẩm là nhân tố chính trong việc này”, bà McCain nói.

Dù đã thu về con số kỷ lục 14,2 tỉ USD viện trợ vào năm ngoái - nhiều hơn gấp đôi so với số tiền huy động được trong năm 2017, WFP cho biết tình trạng thiếu hụt kinh phí đã buộc tổ chức này phải cắt giảm khẩu phần lương thực cho những người tị nạn đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo ở nhiều nơi trên thế giới.

Vấn đề càng phức tạp hơn kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine khiến giá lương thực vốn đã cao lại càng cao hơn. Xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu qua các cảng Biển Đen của Ukraine giảm từ hơn 5 triệu tấn một tháng xuống còn 0%.

Một thỏa thuận do LHQ làm trung gian cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đi qua các vùng phong tỏa của Nga ở Biển Đen đã mang lại dấu hiệu tích cực, nhưng việc Moscow nhiều lần đe dọa rút khỏi thỏa thuận đã khiến giá cả không ổn định.

Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov một lần nữa đe dọa sẽ ngừng tham gia thỏa thuận trừ khi những trở ngại đối với việc xuất khẩu phân bón và thực phẩm của chính Moscow được giải quyết.

Moscow chỉ trích rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm gián đoạn hoạt động của các doanh nghiệp phân bón nước này, trong khi việc loại các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT quốc tế làm cản trở hoạt động xuất khẩu thực phẩm của Nga và gây ra nạn đói ở Nam bán cầu.

Tuy nhiên, giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới, bà McCain khẳng định không có bất cứ biện pháp trừng phạt nào nhằm vào ngành phân bón của Nga. 

Bài liên quan
Trung Quốc bị ảnh hưởng vì Tesla, Amazon, Intel và Ericsson tiếp tục sa thải nhiều nhân viên
Việc cắt giảm lực lượng lao động quy mô lớn tại các hãng công nghệ nổi tiếng trên toàn cầu như Tesla, Amazon, Intel và Ericsson gây ra sự lo lắng ở Trung Quốc, nơi các công ty lớn cũng tiến hành sa thải nhân viên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên Hợp Quốc kêu gọi Trung Quốc hành động chống lại nạn đói toàn cầu