Theo đài CNN, nỗi lo từ những hành động gây hấn Nga đã và đang thực hiện đã khiến nhiều nước châu Âu chấp nhận bỏ ra hàng tỉ USD để mua vũ khí của Mỹ. Phía chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng xem việc cung cấp vũ khí là một phần trong nỗ lực đối đầu với Moscow ở khu vực.
Ngày 21.2, Washington cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã phê chuẩn kế hoạch bán hệ thống tên lửa Patriot, với 100 quả, cho Thụy Điển. Patriot là vũ khí có khả năng đánh chặn các tên lửa tầm ngắn đến trung, cũng như máy bay không người lái.
Theo Bộ Ngoại giao: “Thương vụ bán hệ thống Patriot sẽ giúp cải thiện sức mạnh phòng thủ tên lửa của Thụy Điển. Nước này sẽ dùng Patriot để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy ổn định ở khu vực, cũng như tăng khả năng phối hợp giữa quân đội Thụy Điển với quân đội Mỹ”.
Thụy Điển không phải là quốc gia châu Âu duy nhất mua vũ khí của Mỹ trong thời gian gần đây. Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 11.2017 cũng đã phê chuẩn bán Patriot cho Ba Lan với giá 10 tỉUSD.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak hồi cuối tháng 1 vừa quacho biết nước này đã thương lượng để mua được hệ thống Patriot với giá thấp và thời gian bàn giao sẽ được đẩy nhanh. Cũng theo Bộ trưởng, Ba Lan hy vọng sẽ kýđược hợp đồng cuối cùng vào quý 1 năm 2018.
Trong tháng 1, tập đoàn vũ khí Raytheon cũng thông báo đã chính thức kýkết một thỏa thuận bán Patriot cho Romania.
Phần Lan cũng vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn cung cấp một số vũ khí hải quân trị giá hàng trăm triệu USD, trong đó có Harpoon và Sea Sparrow, những tên lửa được mệnh danh “sát thủ diệt hạm”do Mỹ sản xuất.
Trong số các quốc gia trên, có Ba Lan và Romania là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), còn Thụy Điển và Phần Lan không phải, nhưng các quốc gia đều có cùng động cơ để mua vũ khí từ Washington. Đó là mối lo ngại khi Nga đang có nhiều hoạt động quân sự hóa ở vùng Baltic.
Không ít quan chức Mỹ và châu Âu rất lo lắng khi Moscow triển khai hệ thống tên lửa Iskander đến vùng Kaliningrad, khu vực nằm trên bờ biển Baltic giữa Ba Lan và Lithuania.
CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ làm việc tại châu Âu đánh giá: “Họ luôn có tên lửa đạn đạo ở đó, nhưng loại này (tên lửa Iskander) có tầm bắn dài hơn đáng kể những loại trước đó”.
Theo quan chức này, tên lửa Iskander mang được đầu đạn hạt nhân có khả năng đe dọalãnh thổ Ba Lan, Estonia, Latvia, Lithuania, Đức và Thụy Điển.
Ông Magnus Nordenman, giám đốc Nhóm sáng kiến về an ninh xuyên Đại Tây Dương, cho biết: “Những thương vụ bán vũ khí này không chỉ là phản ứng (của các nước châu Âu) với hoạt động quân sự ngày càng tăng của Nga, mà còn phản ánhsự thật rằng Moscow đang hiện đại hóa không quân và khả năng tấn công tầm xa”.
“Nga có thể không có nhiều máy bay và tên lửa tầm xa như Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, nhưng khả năng của hệ thống vũ khí Nga hiệnnay vượt trội hơn nhiều”, theo ông Nordenman.
Ngoài mục đích phòng vệ trước Nga, những thương vụ trên cũng giúp những nước không phải thành viên NATO tăng cường quan hệ hơn với khối quân sự này lẫn với Washington. Theo ông Nordenman: “Những vụ mua thiết bị lớn là cách tuyệt vời để đầu tư vào quan hệ quân sự. Bạn không chỉ mua một món đồ, bạn còn đầu tư công tác huấn luyện, tập trận, và mối liên kết với Mỹ này sẽ kéo dài trong hàng thập niên”.
Cẩm Bình (theo CNN)