Theo chuyên gia, luật kiểm soát xuất khẩu mới vừa có hiệu lực từ hôm nay mang lại cho Trung Quốc sức mạnh trừng phạt kinh tế ngang bằng Mỹ.

‘Luật kiểm soát xuất khẩu giúp Trung Quốc có sức mạnh trừng phạt kinh tế ngang Mỹ’

Nhân Hoàng | 01/12/2020, 14:10

Theo chuyên gia, luật kiểm soát xuất khẩu mới vừa có hiệu lực từ hôm nay mang lại cho Trung Quốc sức mạnh trừng phạt kinh tế ngang bằng Mỹ.

Có hiệu lực hôm 1.12.2020, luật kiểm soát xuất khẩu mới của Trung Quốc sẽ củng cố các cơ chế hiện có để bảo vệ lợi ích quốc gia trước áp lực ngoại thương.

Luật sẽ tăng cường việc kiểm soát của Trung Quốc với dòng chảy hàng hóa, công nghệ và dịch vụ. Theo lời giải thích rộng rãi về an ninh quốc gia, luật làm dấy lên lo ngại về các rào cản thương mại bổ sung ngay cả khi Trung Quốc tìm kiếm các thỏa thuận thương mại với các nước khác.

Do Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc thông qua vào ngày 17.10, luật này được đưa ra 1 năm sau khi Mỹ thông qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và ByteDance (chủ sở hữu TikTok).

Các sản phẩm quân sự, vật liệu hạt nhân, mặt hàng có công dụng kép trong các lĩnh vực dân sự và quốc phòng nằm trong số các danh mục được kiểm soát theo luật, liên quan đến bộ máy quan liêu rộng khắp các cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện hoặc nội các Trung Quốc và Quân ủy Trung ương.

Phạm vi của luật này rất rộng rãi vì liên quan đến các nhà xuất khẩu, nhà cung cấp dịch vụ trung gian như giao nhận hàng hóa cũng như những người mua hàng hóa đó ở nước ngoài.

Người dùng cuối phải tuân theo luật pháp cũng như bất kỳ giao dịch tái xuất bất kỳ mặt hàng nào được kiểm soát. Hàng tái xuất có thể bị đưa vào danh sách đen và bị phạt gấp 20 lần số tiền hợp đồng bất hợp pháp hoặc 5 triệu nhân dân tệ (757.000 USD).

Giao dịch tái xuất là xuất khẩu trở ra nước ngoài những hàng hóa trước đây đã nhập khẩu, chưa qua chế biến ở nước tái xuất. Giao dịch tái xuất bao gồm nhập khẩu và xuất khẩu với mục đích thu về một lượng ngoại tệ lớn hơn vốn bỏ ra ban đầu.

Trong khi Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa công bố danh sách các mặt hàng được kiểm soát, doanh nghiệp dự kiến ​​sẽ cần thêm nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu mới.

Các nhà phân tích tại Mondaq, công ty tư vấn của Vương quốc Anh, cho biết: “Hiện tại luật kiểm soát xuất khẩu còn rất mơ hồ và thiếu độ chính xác cần thiết để có thể thực thi ngoài khuôn khổ cơ bản đã vạch ra”.

Dù vậy, luật đã khuấy động thị trường ngay cả trước khi được thực thi.

Giá kim loại đất hiếm, nguyên liệu thô được sử dụng để sản xuất các thiết bị điện tử bao gồm cả smartphone, đã tăng vọt vào tháng 11 với dự đoán chúng được đưa vào các mặt hàng bị kiểm soát.

Trung Quốc chiếm 1/3 trữ lượng đất hiếm của thế giới, nhưng nắm giữ tới 80% sản lượng xuất khẩu khoáng sản này đến Mỹ. Theo Thời báo Hoàn Cầu (ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc), giá đất hiếm tăng mạnh trong tháng 11, với neodymium oxit tăng 11,56% lên 511.500 nhân dân tệ (77.900 USD)/tấn và praseodymium oxit tăng 8,08% lên 441.500 nhân dân tệ/tấn. Các vật liệu khác cũng tăng ở mức độ khác nhau.

Ít nhất một giám đốc công ty đã bị bắt vì bị cáo buộc vi phạm luật xuất nhập khẩu. Zhang Fangliang, người sáng lập và Chủ tịch của GenScript Biotech, công ty công nghệ sinh học được niêm yết tại Hồng Kông cung cấp tế bào kháng thể cho các nhà sản xuất dược phẩm toàn cầu, đã bị bắt giữ ngày 20.11 cùng hai nhân viên phụ trách các hoạt động xuất nhập khẩu.

Dù chưa có cáo buộc chính thức nào chống lại ông chủ công ty có trụ sở tại thành phố Nam Kinh (Trung Quốc) nhưng một số tờ báo địa phương, gồm cả The Paper, đưa tin rằng vụ việc liên quan đến mẫu máu và gen bị cấm theo luật kiểm soát xuất khẩu.

luat-kiem-soat-xuat-khau-hieu-luc-trung-quoc-co-suc-manh-trung-phat-kinh-te-ngang-my.jpg
Luật kiểm soát xuất khẩu mới giúp Trung Quốc tăng sức mạnh và biện pháp trừng phạt kinh tế để có thể đáp trả Mỹ

Nathan Bush, đối tác của công ty luật DLA Piper ở Singapore, nói với trang Nikkei rằng, dù có bản chất toàn diện nhưng luật kiểm soát xuất khẩu không phải là đầu tiên ở Trung Quốc vì nước này từ lâu đã có các biện pháp hạn chế xuất khẩu các sản phẩm nhạy cảm.

Bắc Kinh đã can thiệp vào việc bán TikTok ở Mỹ vài tháng trước, dán nhãn công nghệ cung cấp nền tảng truyền thông xã hội là mặt hàng bị hạn chế.

Một trong những bước phát triển quan trọng trong luật kiểm soát xuất khẩu mới là câu trả lời của Bắc Kinh đối với danh sách thực thể của Washington'', ông Nathan Bush nói và đề cập đến các biện pháp của Mỹ trừng phạt các công ty công nghệ Trung Quốc nhân danh an ninh quốc gia.

Với ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20.1.2021, Nathan Bush hy vọng việc sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu như hình thức trừng phạt kinh tế sẽ vẫn là "động lực chính" của quan hệ Trung - Mỹ trong tương lai gần.

Không chỉ Mỹ mà Trung Quốc cũng có thể hạn chế xuất khẩu cho bất kỳ bên nước ngoài nào mà họ cho là hành động trái với lợi ích quốc gia của mình, Nathan Bush nói thêm.

Điều này dường như gửi những tín hiệu trái chiều tới các đối tác thương mại, đặc biệt là các bên ký vừa ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà Trung Quốc là thành viên.

Do luật yêu cầu các doanh nghiệp phải xin giấy phép cho các mặt hàng không được niêm yết có thể nhạy cảm với an ninh quốc gia nên có thể tạo thêm đòn bẩy cho Trung Quốc trong các lĩnh vực như chuyển giao công nghệ.

Nathan Bush nhận định: “Nguy cơ bị đưa vào danh sách đen theo luật có thể ngăn cản các công ty nước ngoài tham gia các hoạt động thương mại hoặc các vị trí quan hệ công chúng không phù hợp với các chính sách của Chính phủ Trung Quốc”.

Theo Nathan Bush, với việc Trung Quốc hiện ngang hàng với Mỹ về các biện pháp trừng phạt, công ty không thuộc Mỹ có thể thấy mình bị ràng buộc. Những nhóm như vậy "có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt nặng nếu tiếp tục kinh doanh với các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen, hoặc nguy cơ khiến Bắc Kinh phẫn nộ bằng cách cắt đứt với họ".

Bài liên quan
Trung Quốc thông qua luật kiểm soát xuất khẩu, trả đũa Mỹ vì trừng phạt SMIC và Huawei
Trung Quốc đã thông qua luật hạn chế xuất khẩu các mặt hàng bị kiểm soát. Mục đích là cho phép chính phủ hành động chống lại các quốc gia lạm dụng kiểm soát xuất khẩu theo cách làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Luật kiểm soát xuất khẩu giúp Trung Quốc có sức mạnh trừng phạt kinh tế ngang Mỹ’