Nhà phân tích Mỹ cho biết Trung Quốc đã cung cấp ứng cử viên vắc xin COVID-19 cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
"Trung Quốc đã cung cấp cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và gia đình ông vắc xin COVID-19 thử nghiệm", một nhà phân tích Mỹ cho biết hôm 1.12, trích dẫn hai nguồn tin tình báo Nhật Bản.
Harry Kazianis, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm nghiên cứu lợi ích quốc gia ở Washington, cho biết gia đình ông Kim Jong-un và một số quan chức cấp cao của Triều Tiên đã được tiêm vắc xin COVID-19.
Không rõ công ty Trung Quốc nào đã cung cấp vắc xin cho gia đình ông Kim Jong-un và liệu nó có được chứng minh là an toàn hay không, Harry Kazianis nói thêm.
“Kim Jong-un cùng nhiều quan chức cấp cao khác trong gia đình Kim và mạng lưới lãnh đạo đã được tiêm vắc xin COVID-19 trong vòng 2 đến 3 tuần qua từ một ứng cử viên vắc xin do Chính phủ Trung Quốc cung cấp”, Harry Kazianis viết trong một bài báo trên trang trực tuyến 19FortyFive.
Nhà khoa học y tế Mỹ, Peter J. Hoteông cho biết ít nhất ba công ty Trung Quốc đang phát triển vắc xin COVID-19, bao gồm Sinovac Biotech, CanSinoBio và Sinophram Group.
Sinophram cho biết ứng cử viên vắc xin của họ đã được gần 1 triệu người ở Trung Quốc sử dụng, dù không có công ty nào được biết đã triển khai công khai các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với vắc xin COVID-19 thử nghiệm.
Dù vậy, vài chuyên gia nghi ngờ việc ông Kim Jong-un sẽ sử dụng một loại vắc xin thử nghiệm.
Choi Jung-hun, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đào tẩu từ Triều Tiên sang miền Hàn Quốc vào năm 2012, nhận định: “Ngay cả khi vắc xin Trung Quốc đã được phê duyệt, không có loại thuốc nào là hoàn hảo và ông ấy sẽ không chấp nhận rủi ro đó khi có rất nhiều nơi trú ẩn có thể đảm bảo cách ly gần như hoàn toàn”.
Mark Barry, nhà phân tích Đông Á và cộng tác viên biên tập của Tạp chí Quốc tế về Hòa bình Thế giới, cho biết ông Kim Jong-un sẽ thích vắc xin đã được kiểm chứng của châu Âu hơn loại do Bắc Kinh cung cấp. “Rủi ro quá lớn, nhưng anh ấy rất vui khi có được thiết bị bảo vệ cá nhân của Trung Quốc”, Barry viết trên Twitter.
Triều Tiên nói chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nhiễm coronavirus nào, nhưng Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết không thể loại trừ một đợt bùng phát COVID-19 do nước này có hoạt động thương mại và giao lưu giữa với người Trung Quốc (nguồn gốc của đại dịch) trước khi đóng cửa biên giới vào cuối tháng 1.
Tháng trước, Microsoft cho biết hai nhóm hacker của Triều Tiên đã cố gắng đột nhập vào mạng lưới các nhà phát triển vắc xin ở nhiều quốc gia nhưng không chỉ rõ các công ty được nhắm mục tiêu.
Tom Burt, Phó Chủ tịch Microsoft phụ trách an ninh khách hàng, nói: “Chúng tôi cho rằng những cuộc tấn công này là vô lương tâm và cần bị cả xã hội văn minh lên án. Chúng tôi đang chia sẻ thêm về các cuộc tấn công mà chúng tôi đã thấy gần đây nhất và đang thúc giục các chính phủ hành động.
Vào thời điểm thế giới thống nhất mong muốn chấm dứt đại dịch, nóng lòng chờ đợi sự phát triển của vắc xin COVID-19 an toàn và hiệu quả, điều cần thiết là các nhà lãnh đạo thế giới phải đoàn kết bảo vệ an ninh cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe của chúng ta và thực thi luật chống lại các cuộc tấn công mạng nhắm vào những người nỗ lực giúp đỡ tất cả chúng ta".
Nguồn tin của Reuters cho biết hacker Triều Tiên bị nghi cố gắng đột nhập vào hệ thống của AstraZeneca trong những tuần gần đây khi hãng dược Anh chạy đua để triển khai vắc xin ngừa COVID-19.
Các hacker đóng giả là nhà tuyển dụng trên trang mạng LinkedIn và WhatsApp để tiếp cận nhân viên AstraZeneca với lời mời làm việc giả mạo. Sau đó, chúng gửi các tài liệu mô tả công việc có chứa mã độc hại được thiết kế để truy cập vào máy tính của nạn nhân.
Các nỗ lực tấn công nhằm vào một nhóm người, bao gồm các nhân viên làm việc trong nghiên cứu COVID-19, được cho không thành công.
Một số tài khoản được sử dụng trong các cuộc tấn công vào AstraZeneca đã được đăng ký theo địa chỉ email của Nga trong nỗ lực nhằm đánh lừa các nhà điều tra, một trong những nguồn tin cho biết.
Phái bộ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc tại Geneva không bình luận về chuyện này. Bình Nhưỡng trước đó đã phủ nhận việc thực hiện các cuộc tấn công mạng.
NIS cho biết tuần trước đã ngăn chặn được các nỗ lực của hacker Triều Tiên nhằm xâm nhập vào các nhà sản xuất vắc xin COVID-19 của Hàn Quốc.