Terry Gou (Quách Đài Minh), nhà sáng lập Foxconn, phủ nhận việc Trung Quốc có thể gây áp lực với ông thông qua các hoạt động mở rộng của tập đoàn Đài Loan ở nước này, gồm cả phần lớn chuỗi cung ứng của Apple.
Đó là một trong những bình luận được Quách Đài Minh đưa ra khi ông tuyên bố sẽ tranh cử vị trí lãnh đạo Đài Loan hôm 28.8, theo hãng tin AFP.
Quách Đài Minh nói tại buổi phát động chiến dịch tranh cử của mình ở Đài Bắc rằng nếu Trung Quốc tịch thu tài sản của Foxconn, điều đó sẽ gây tổn hại đến lợi ích của các quỹ hưu trí lớn trên toàn cầu và “sẽ không có công ty nước ngoài nào dám đầu tư vào Trung Quốc nữa”.
Nhiều quỹ hưu trí đầu tư vào các công ty lớn như Foxconn để tạo lợi nhuận cho các hội viên tham gia quỹ. Nếu có biến động tiêu cực với Foxconn, giá trị đầu tư của các quỹ hưu trí có thể bị ảnh hưởng.
Ông Quách Đài Minh cũng đề cập đến các khách hàng quan trọng của Foxconn bao gồm Apple, Tesla, Amazon và Nvidia, nói rằng bất kỳ việc ngừng sản xuất nào do áp lực chính trị sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, điều mà Trung Quốc cần phải giải thích cho thế giới.
“Tôi sẽ không cúi đầu trước những lời đe dọa của Trung Quốc”, Quách Đài Minh nói, đồng thời cho biết ông không có tài sản cá nhân ở Trung Quốc và không nhận chỉ thị từ Bắc Kinh. Nhà sáng lập Foxconn cũng mô tả nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng “khủng khiếp”.
Sau phát biểu của ông Quách Đài Minh, Foxconn cho biết công ty có hơn 800.000 cổ đông và thuộc sở hữu chung của các nhà đầu tư ở Đài Loan lẫn bên ngoài.
“Với tư cách là người sáng lập, ông Quách Đài Minh đã bàn giao quyền lãnh đạo công ty từ 4 năm trước và không còn tham gia vào việc quản lý công ty hàng ngày nữa. Có thể nói đây là một ví dụ rất điển hình về sự kế thừa của một công ty toàn cầu. Trong tương lai, Foxconn sẽ xây dựng trên nền tảng do người sáng lập tạo ra để đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới”, Foxconn thông báo.
Cổ phiếu của Foxconn không thay đổi lúc chốt phiên ngày 28.8 tại Đài Bắc. Cổ phiếu của tập đoàn Đài Loan đã tăng 8,1% từ đầu năm đến nay.
Khi tranh cử vị trí lãnh đạo Đài Loan, Quách Đài Minh đã lập luận rằng ông có thể cải thiện mối quan hệ rạn nứt giữa Đài Loan và Trung Quốc, đồng thời "mang lại hòa bình 50 năm”. Hoạt động rộng khắp của Foxconn ở Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh có thể gây áp lực với ông thông qua hoạt động kinh doanh.
Foxconn là nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc và sở hữu nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam của nước này. Không những thế, Foxconn là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính iPhone của Apple.
Gần đây, Foxconn đã bắt đầu lắp ráp dòng iPhone 15 tại bang Tamil Nadu (Ấn Độ) trong nỗ lực thu hẹp hơn nữa khoảng cách với cơ sở sản xuất chính ở Trung Quốc.
Một nhà máy của Foxconn ở thị trấn Sriperumbudur (bang Tamil Nadu, Ấn Độ) sẽ giao các mẫu iPhone 15, chỉ vài tuần sau khi chúng được vận chuyển đi từ các nhà máy ở Trung Quốc. Động thái này diễn ra khi Foxconn tìm cách tăng sản lượng iPhone mới tại Ấn Độ, những người quen thuộc với vấn đề tiết lộ với trang Bloomberg.
Có trụ sở tại thành phố Cupertino (bang California, Mỹ), Apple đang thực hiện dự án kéo dài nhiều năm nhằm đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc, loại bỏ rủi ro chuỗi cung ứng cho các sản phẩm quan trọng nhất của họ khi căng thẳng giữa Mỹ - Trung khiến thương mại trở nên khó dự đoán hơn. Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ và biến mình thành một trung tâm sản xuất.
Trước đời iPhone 14, Apple chỉ có một phần nhỏ dây chuyền lắp ráp iPhone tại Ấn Độ, với sản lượng thấp hơn Trung Quốc từ 6 đến 9 tháng. Sự thua kém đó giảm đáng kể vào năm ngoái và Apple đã sản xuất 7% số iPhone của mình tại Ấn Độ tính đến cuối tháng 3.
Mục tiêu trong năm nay là tiến gần hơn đến sự cân bằng về thời gian giao dòng iPhone 15 giữa Ấn Độ và Trung Quốc, tuy nhiên các nhà cung cấp vẫn chưa chắc sẽ đạt được điều này, theo Bloomberg.
Quy mô sản xuất iPhone 15 ở Ấn Độ sẽ phụ thuộc vào sự sẵn có của các linh kiện, phần lớn được nhập khẩu, quá trình tăng tốc suôn sẻ các dây chuyền sản xuất tại nhà máy Foxconn ở ngoại ô thành phố Chennai.
Tham vọng trở thành lãnh đạo Đài Loan
Ông Quách Đài Minh là người thứ tư tham gia cuộc đua tranh cử vị trí lãnh đạo Đài Loan tiếp theo thay bà Thái Anh Văn. Đài Loan sẽ tổ chức bầu cử vị lãnh đạo mới vào tháng 1.2024.
Từ lâu, ông Quách Đài Minh đã có tham vọng trở thành lãnh đạo Đài Loan và tìm kiếm sự đề cử từ Quốc dân đảng, đảng đối lập chính tại Đài Loan, trong năm nay. Quốc dân Đảng cũng ủng hộ mối quan hệ tốt hơn giữa Đài Loan với Bắc Kinh.
Thế nhưng, Quốc dân đảng đã chọn ông Hou Yu-ih (Hầu Hữu Nghi), cựu cảnh sát trưởng hiện là thị trưởng thành phố Tân Bắc. Tuy nhiên, ông Hầu Hữu Nghi có kết quả bỏ phiếu kém trong những tuần gần đây.
Nhà sáng lập Foxconn cần thu thập 290.000 chữ ký để đủ điều kiện trở thành ứng cử viên độc lập. Những tháng gần đây, ông đã tổ chức các sự kiện mang tính chiến dịch khắp Đài Loan.
Theo tờ SCMP, ông Quách Đài Minh đã hoạt động tích cực trong 2 tháng qua, thăm nhiều nơi tại Đài Loan, tham gia các cuộc vận động của giới chính trị gia địa phương, có nhiều bài phát biểu và tuyên bố về tầm nhìn tương lai của đảo này.
Năm 2019, ông Quách Đài Minh từ chức Chủ tịch Foxconn để tranh cử vị trí lãnh đạo Đài Loan nhưng sau đó rút lui khi không giành được tư cách ứng cử viên của Quốc dân đảng. Theo Forbes, ông Quách Đài Minh hiện là tỷ phú giàu thứ 330 thế giới với tài sản ròng 7,3 tỉ USD.
Việc ông Quách Đài Minh tham gia tranh cử được dự báo có thể gây tổn hại cho nỗ lực của Quốc dân đảng. Có 3 ứng cử viên khác tham gia cuộc đua trở thành lãnh đạo Đài Loan gồm ông Lai Ching-te (Lại Thanh Đức - hiện là phó lãnh đạo Đài Loan), ông Hầu Hữu Nghi và ông Kha Văn Triết - cựu thị trưởng thành phố Đài Bắc.
Các cuộc khảo sát cho thấy ông Lại Thanh Đức, thành viên đảng Dân chủ tiến bộ của bà Thái Anh Văn, đang dẫn đầu với khoảng 33-36% người ủng hộ. Tiếp theo là ông Kha Văn Triết với 28-30% và ông Hầu Hữu Nghi chỉ được 21-24%.
Hồi tháng 7, Quốc dân đảng tuyên bố sẽ không thay đổi quyết định trong việc đề cử ông Hầu Hữu Nghi làm ứng viên lãnh đạo Đài Loan dù tỷ lệ ủng hộ ông tương đối thấp trong các cuộc khảo sát.
Trịnh Phùng Thời, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc lập Đông Hoa (Đài Loan), nhận xét: "Nếu ông Quách Đài Minh tham gia, cuộc bầu cử vào tháng 1 sẽ là đường đua với 4 người nên có thể chia nhỏ số phiếu của phe đối lập và có lợi cho ông Lại Thanh Đức".