Theo ông Lê Truyền, tình trạng “mua quan bán chức” có mức độ lan tỏa rộng, nguy hiểm đến con người, đến xã hội và đến một công việc quan trọng là công tác tổ chức cán bộ của cả hệ thống.

“Mua quan bán chức” làm hỏng hết thế hệ này đến thế hệ khác

15/09/2015, 12:14

Theo ông Lê Truyền, tình trạng “mua quan bán chức” có mức độ lan tỏa rộng, nguy hiểm đến con người, đến xã hội và đến một công việc quan trọng là công tác tổ chức cán bộ của cả hệ thống.

Đóng góp ý kiến dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), ông Lê Truyền, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này phải đặc biệt chú ý đến các tội phạm tham nhũng.
Trong Luật Phòng chống tham nhũng có liệt kê 12 hành vi tham nhũng, gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Tuy nhiên trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này chỉ quy định 7 loại tội phạm được đưa vào, còn 5 loại nữa không được đặt ra. Theo ông Lê Truyền, Công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng có nội dung khuyến khích hình sự hóa các tội phạm tham nhũng. Vì thế trong bối cảnh hiện nay, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi cũng cần quan tâm đến vấn đề này.

“Tôi rất quan tâm đến cụm từ hình sự hóa. Tình trạng tham nhũng ở nước ta còn rất nhiều và nặng nề. Việc xử lý nhiều nơi chưa nghiêm, gây bức xúc trong nhân dân. Vì thế người dân rất mong muốn xử lý nghiêm loại tội phạm này. Cá nhân tôi cũng đề nghị xem xét những vấn đề có liên quan đến tội tham nhũng để quy định trong Luật Hình sự lần này một cách chính xác và đầy đủ, thể hiện sự nghiêm minh luật pháp”- ông Lê Truyền nói.

Ông Lê Truyền dẫn ra quy định nêu trong dự thảo Bộ luật Hình sự về tội phạm hình sự là tội phạm gây nguy hiểm cho xã hội về tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội… “Nếu nguy hiểm cho xã hội, bây giờ việc “mua quan bán chức” có nguy hiểm đến xã hội hay không? Việc “mua quan bán chức” bây giờ giống như một hoạt động ngầm. Chúng ta khui ra ít hơn rất nhiều so với trên thực tế. Việc này hiện nay khá phổ biến và đang có hướng ngày càng phát triển. Sự nguy hiểm của loại tội phạm này là nó có mức độ lan tỏa rộng, nguy hiểm đến con người, đến xã hội và đến một công việc quan trọng là công tác tổ chức cán bộ của cả hệ thống. Nếu nói việc “mua quan bán chức” là một đầu tư thì người ta phải thu hồi vốn, sớm có lời. Như thế thì hỏng hết thế hệ này đến thế hệ khác nếu bập vào con đường này. Theo tôi đó là một loại tội rất mới trong thực tiễn mà chúng ta cần phải xử lý triệt để”- ông Truyền nói.

Ông Truyền cho rằng trong tội mua bán chức vụ, cũng cần quy định tội môi giới mua bán chức vụ. Hiện nay trong bối cảnh mới, lực lượng môi giới này đang gây ra nhiễu loạn cho xã hội, điều hành người có quyền gắn với người có tiền để tạo ra một lực lượng gây nhũng loạn trong xã hội. Đó là một tội mới nên đặt nó trong tội hình sự.

“Nếu không quan tâm đến vấn đề này thì sẽ dẫn đến việc lạm dụng quyền lực. Quyền lực sẽ trở thành một thứ để đem ra mua bán, trao đổi. Trong khi đó hiện nay quyền lực và kiểm soát quyền lực là một vấn đề rất lớn, nếu để hiện tượng này tiếp tục xảy ra thì không thể giám sát được quyền lực”- ông Truyền trăn trở.

Ông Lê Truyền cũng cho rằng liên quan đến vấn đề làm giàu, chúng ta khuyến khích làm giàu hợp pháp, còn làm giàu bất chính cũng cần phải coi đó có là tội hay không?. “Nội hàm của làm giàu bất chính cũng gắn với tham nhũng, nếu phát hiện ra anh làm giàu bất chính, anh phải giải trình được những những tài sản và thu nhập đó. Còn không giải trình được thì coi như anh bị tội. Làm giàu bất chính cũng liên quan đến một nội dung trong phòng chống tham nhũng, đó là việc kê khai tài sản và thu nhập cá nhân. Một con số rất buồn cười là khi kiểm tra giám sát hơn 1 triệu người thì chỉ có 4 người không trung thực trong kê khai tài sản, trong khi trên thực tế việc không trung thực còn rất nhiều. Vì thế đưa việc làm giàu bất chính và kê khai tài sản thu nhập không trung thực khi cơ quan trách nhiệm yêu cầu người có chức vụ phải kê khai thì cũng là mắc tội hình sự” – ông Truyền đề xuất.
Theo VOV
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Mua quan bán chức” làm hỏng hết thế hệ này đến thế hệ khác