Chủ tịch hai ủy ban của Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa kêu gọi chính quyền Biden tập hợp hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc để đánh bại "sự đe dọa kinh tế" của Trung Quốc sau lệnh cấm với Micron Technology.
Michael McCaul (Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện) và Mike Gallagher (Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung của Hạ viện) đã gửi thư cho Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo kêu gọi chính quyền Biden hành động sau khi Trung Quốc nhắm mục tiêu vào Micron Technology (nhà sản xuất chip nhớ số 1 Mỹ).
Ngày 21.5, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết Micron Technology không vượt qua được đánh giá an ninh mạng của họ và sẽ cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng ở nước này mua hàng từ công ty Mỹ. CAC không cung cấp chi tiết về những rủi ro đã phát hiện hoặc những sản phẩm nào của Micron Technology sẽ bị ảnh hưởng.
"Đánh giá cho thấy các sản phẩm của Micron Technology có rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng, gây rủi ro bảo mật đáng kể cho chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia", CAC nêu trong một tuyên bố.
Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ chip. Động thái đó diễn ra một ngày sau khi lãnh đạo các nước G7 (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada) đồng ý với những sáng kiến mới nhằm đẩy lùi sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc.
Sau đó, Micron Technology dự báo tổng doanh thu của mình sẽ bị thiệt hại ở mức một con số do lệnh cấm. Micron Technology nhận được khoảng 11% doanh thu từ các công ty có trụ sở tại Trung Quốc. Công ty Mỹ ước tính tổng doanh số bán hàng sang Trung Quốc (kết hợp bán hàng trực tiếp cộng với bán hàng gián tiếp thông qua các nhà phân phối) chiếm khoảng 25% doanh thu.
Ông Michael McCaul và Mike Gallagher kêu gọi bà Gina Raimondo hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc để đảm bảo rằng các công ty từ hai quốc gia đó "không chiếm thị phần bị mất do lệnh cấm và gây thiệt hại cho Micron Technology".
Hai nhà làm luật hàng đầu Mỹ nói thêm rằng: “Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm vận kinh tế tùy tiện với một công ty Mỹ. Bây giờ, Mỹ phải đảm bảo rằng sự đe dọa kinh tế này sẽ thất bại".
Cả hai người nói rằng Bộ Thương mại phải tập hợp các đối tác và đồng minh của Mỹ. “Chúng ta phải nhanh chóng làm việc với Nhật Bản và Hàn Quốc để đảm bảo các công ty hai nước này không gây thiệt hại cho Micron bằng cách lấy đi doanh số bán hàng bị mất do sự tẩy chay vô cớ của Trung Quốc”, họ nói thêm.
Hôm 3.6, bà Gina Raimondo cho biết Mỹ sẽ không dung thứ cho hành động của Trung Quốc và đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để đối phó với "sức ép kinh tế" như vậy.
Michael McCaul và Mike Gallagher cho biết “nên tăng cường các hành động kiểm soát xuất khẩu với các công ty Trung Quốc có thể đe dọa an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ", như nhà sản xuất chip nhớ Changxin Memory Technologies (CXMT). CXMT là công ty sản xuất chip DRAM hàng đầu Trung Quốc, có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ lệnh cấm Micron Technology.
Michael McCaul và Mike Gallagher nói thêm: “Nếu không trừng phạt Trung Quốc vì hành vi có hại của họ, điều đó chỉ sẽ khuyến khích hành vi tương tự tiếp tục xảy ra”.
Trước đó, Reuters đưa tin Mike Gallagher thúc giục Gina Raimondo đưa ra các biện pháp kiềm chế thương mại với CXMT sau các hành động của Trung Quốc chống lại Micron Technology.
Mike Gallagher nói: “Mỹ phải thể hiện rõ với Trung Quốc rằng chúng ta không dung thứ cho hành vi chèn ép kinh tế với doanh nghiệp hay đồng minh của Mỹ. Bộ Thương mại nên lập tức đưa CXMT vào danh sách thực thể chịu hạn chế và đảm bảo công nghệ Mỹ không lọt vào tay CXMT, YMTC hay bất cứ đơn vị Trung Quốc trong ngành bán dẫn nào khác”.
YMTC là hãng sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc, đã bị Mỹ đưa vào danh sách thực thể (danh sách đen thương mại) từ tháng 12.2022.
Theo Mike Gallagher, Bộ Thương mại Mỹ cũng phải không cấp giấy phép xuất khẩu cho đơn vị chip nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc, được Trung Quốc tìm đến như nguồn cung thay thế sản phẩm Micron Technology. Ông đặc biệt khuyến cáo các công ty Hàn Quốc.
Samsung Electronics và SK Hynix, 2 nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới của Hàn Quốc, đều có nhà máy chip tại Trung Quốc. Hai công ty hiện được miễn trừ khỏi quy định hạn chế xuất khẩu mà Mỹ ban hành tháng 10.2022, nhưng quyền miễn trừ có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào. Giới phân tích nhận định chip CXMT lạc hậu đến 2 - 3 thế hệ so với chip Micron Technology, Samsung Electronics và SK Hynix.
"Hàn Quốc không khuyến khích Samsung, SK Hynix giành thị phần ở Trung Quốc khi Micron bị cấm"
Theo nguồn tin của Bloomberg, Hàn Quốc sẽ tránh lợi dụng lệnh cấm của Trung Quốc với Micron Technology, coi động thái từ Bắc Kinh là nỗ lực nhằm chia rẽ Seoul và Washington.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ không khuyến khích các công ty của họ giành thị phần ở Trung Quốc bị mất bởi Micron Technology, theo nguồn tin từ Bloomberg yêu cầu không tiết lộ danh tính vì vấn đề này nhạy cảm về mặt chính trị.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Samsung Electronics, SK Hynix và cũng là nơi họ đặt một số nhà máy. Việc tiếp tục hoạt động của Samsung Electronics, SK Hynix tại Trung Quốc phụ thuộc vào các giấy phép được cấp bởi Mỹ, tạo ra một số ảnh hưởng với quyết định của Hàn Quốc về cách cân nhắc quan hệ kinh tế với cả hai quốc gia.
Theo nguồn tin trên, Hàn Quốc cảnh giác với việc tận dụng tình hình của Micron Technology, vì nước này coi Mỹ là đối tác chính trong dài hạn cho ngành công nghiệp chip và không muốn làm gián đoạn mối quan hệ đó.
Việc Trung Quốc cấm Micron Technology đã lôi kéo Hàn Quốc vào cuộc chiến Mỹ - Trung về tiếp cận công nghệ và an ninh quốc gia. Trong khi Mỹ là đối tác an ninh hàng đầu của Hàn Quốc, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất với Hàn Quốc.
Cùng với Nhật Bản và Hà Lan, Mỹ đã áp đặt hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip và công nghệ sang Trung Quốc khi hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới cạnh tranh gay gắt về thương mại, công nghệ.
Troy Stangarone, Giám đốc cấp cao của Viện Kinh tế Hàn Quốc, nhận xét: “Một lệnh cấm rộng rãi hơn với chất bán dẫn Micron từ Trung Quốc đặt Hàn Quốc vào tình thế khó khăn nhất. Nếu các công ty Hàn Quốc không giúp lấp đầy khoảng trống do Micron để lại, Trung Quốc có thể trừng phạt họ như cách đã làm với quyết định trước đây từ Hàn Quốc về việc triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ, được gọi là Thaad, trên lãnh thổ nước này”.
Vào đầu tháng 5, tờ Financial Times đưa tin Hàn Quốc đã báo hiệu rằng sẽ cho phép các công ty của mình lấp đầy khoảng trống do lệnh cấm Micron Technology của Trung Quốc để lại. Thế nhưng, chính phủ Hàn Quốc phủ nhận điều đó, nói rằng họ vẫn chưa công bố bất kỳ quan điểm chính thức nào.
Vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có mở rộng cuộc đàn áp với các nhà sản xuất chip Mỹ, hay Mỹ sẽ phản ứng thế nào trước quyết định của Bắc Kinh với Micron Technology. Hai cường quốc gần đây đã cố gắng giảm căng thẳng và khôi phục các cuộc đàm phán cấp cao, bao gồm cả các cuộc gặp cách đây gần hai tuần giữa các quan chức thương mại hàng đầu ở Washington.
Trong cuộc họp ngắn hôm 27.5, bà Gina Raimondo cho biết Mỹ đã nói chuyện với các đồng minh về hành động của Trung Quốc với Micron Technology.
Bà Gina Raimondo tuyên bố Mỹ "kiên quyết phản đối" các hành động của Trung Quốc với Micron Technology. Bà nói: “Trên thực tế, những điều này nhắm vào một công ty đơn lẻ của Mỹ mà không có bất kỳ cơ sở nào. Chúng tôi coi đó là sự cưỡng ép kinh tế đơn giản và rõ ràng. Chúng tôi sẽ không dung thứ và cũng như không nghĩ rằng nó sẽ thành công”.
"Như đã nói tại hội nghị thượng đỉnh G7, chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác để giải quyết thách thức cụ thể này và tất cả thách thức liên quan đến các hoạt động phi thị trường của Trung Quốc", Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho hay.
Gina Raimondo cũng nêu vấn đề Micron Technology trong cuộc họp hôm 25.5 với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc - Vương Văn Đào.
Ngoài ra, Gina Raimondo cũng cho biết thỏa thuận IPEF (Khuôn khổ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng) về chuỗi cung ứng và các cột mốc khác trong cuộc đàm phán sẽ tương thích với các khoản đầu tư của Mỹ vào Đạo luật CHIPS trị giá 52,7 tỉ USD để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ.
"Các khoản đầu tư vào Đạo luật CHIPS là để tăng cường và thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước của chúng tôi. Như đã nói, chúng tôi hoan nghênh sự tham gia của các công ty ở các quốc gia IPEF. Vì vậy, chúng tôi mong rằng các công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,… sẽ tham gia tài trợ cho Đạo luật CHIPS", Gina Raimondo nói.
Trong một tuyên bố sau cuộc đàm phán với Hàn Quốc tại khuôn khổ diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ở thành phố Detroit (bang Michigan, Mỹ), Bộ thương mại Trung Quốc cho biết rằng hai bên đã đồng ý tăng cường hợp tác về chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Một tuyên bố riêng từ Bộ Thương mại Hàn Quốc không đề cập đến chip và thay vào đó cho biết họ đã thảo luận về việc hợp tác để ổn định các mặt hàng cùng linh kiện quan trọng.
Bộ thương mại Mỹ hôm 22.5 cho biết lệnh cấm Micron Technology và việc chính quyền Trung Quốc gần đây đột kích vào hãng thẩm định doanh nghiệp Mintz Group cùng công ty tư vấn quản lý Bain của Mỹ mâu thuẫn với cam kết từ quốc gia châu Á với một thị trường mở và khuôn khổ pháp lý minh bạch.
Ngày 24.5, Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng cuộc điều tra của nước này về Micron Technology được tiến hành theo luật pháp và quyết định mới nhất dựa trên sự thật. Bà nói thêm: “Việc đánh giá không nhắm mục tiêu vào bất kỳ quốc gia hoặc khu vực cụ thể nào. Trung Quốc cũng không tìm cách loại trừ các công nghệ hoặc sản phẩm từ bất kỳ quốc gia cụ thể nào”.