Giám đốc của Viện Mỹ tại Đài Loan (cơ quan ngoại giao Mỹ tại Đài Loan), ông Brent Christensen hôm 23.8 đã cùng lãnh đạo Thái Anh Văn tham gia lễ kỷ niệm 62 năm trận pháo chiến với Trung Quốc tại đảo Kim Môn, một động thái có thể khiến Bắc Kinh nổi giận.

Mỹ chọc giận Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan nhân kỷ niệm ‘Pháo chiến Kim Môn’

23/08/2020, 16:41

Giám đốc của Viện Mỹ tại Đài Loan (cơ quan ngoại giao Mỹ tại Đài Loan), ông Brent Christensen hôm 23.8 đã cùng lãnh đạo Thái Anh Văn tham gia lễ kỷ niệm 62 năm trận pháo chiến với Trung Quốc tại đảo Kim Môn, một động thái có thể khiến Bắc Kinh nổi giận.

Ông Brent Christensen nói chuyện với các binh sĩ Đài Loan tại lễ kỷ niệm trên đảo Kim Môn hôm 23.8 - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, lễ kỷ niệm diễn ra trong một nghĩa trang tưởng niệm trên đảo Kim Môn. Bà Thái đã đặt vòng hoa, cúi đầu cũng như thắp hương để tưởng nhớ những binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc chiến với chính quyền Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, ông Brent Christensen, người đứng đầu Viện Mỹ tại Đài Loan - đại diện ngoại giao cấp cao của Washington, cũng bày tỏ sự tôn trọng của mình, đi cùng nhà lãnh đạo đài Đài Loan trong suốt sự kiện, thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với hòn đảo.

Được biết, quần đảo Kim Môn cách đại lục Trung Quốc chỗ gần nhất chừng 2km, đảo chính Kim Môn rộng 132 km2, cách đảo Đài Loan 210km nhưng cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc chỉ khoảng 10km. Một cuộc xung đột lớn đã xảy ra giữa quân đội Trung Quốc và quân Quốc Dân Đảng Đài Loan vào năm 1958. Do pháo binh là lực lượng chủ yếu và đấu pháo là chiến thuật chính được sử dụng trong cuộc đối đầu này nên các tài liệu, sách báo gọi đây là “Pháo chiến Kim Môn”. Trận chiến kéo dài tới 21 năm và chỉ kết thúc sau khi Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao với Mỹ vào năm 1979.

Kể từ đó, Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết. Bất chấp đại dịch COVID-19 đang hoành hành, Trung Quốc nhiều lần triển khai máy bay chiến đấu bay vòng quanh Đài Loan hoặc thực hiện các cuộc tập trận gần hòn đảo nhằm đe dọa chính quyền Đài Bắc rằng sẽ phải "trả giá" nếu theo đuổi chủ nghĩa ly khai. Thậm chí, một số tướng lĩnh quân đội Trung Quốc nghỉ hưu gần đây cho rằng Bắc Kinh đang có thời cơ tiến đánh Đài Loan.

Giống như nhiều nước khác, Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng Washington vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính và là nước ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ nhất trong các vấn đề quốc tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 3 đã ký một luật mới nhằm tăng cường hỗ trợ Đài Loan đóng vai trò quốc tế.

Động thái trên diễn ra sau khi Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar vừa có chuyến thăm chính thức tới Đài Loan hồi đầu tháng. Chuyến thăm của ông Azar đánh dấu lần đầu tiên một thành viên nội các của chính quyền Mỹ đến thăm Đài Loan trong 6 năm qua và là chuyến thăm chính thức "cấp cao nhất" của một quan chức chính phủ Mỹ kể từ năm 1979. Động thái này đã làm xấu thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về các vấn đề như thương mại, dịch COVID-19, Hồng Kông và Biển Đông.

Đáng chú ý, Hải quân Mỹ hôm 18.8 đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Mustin đi qua eo biển Đài Loan. Việc triển khai tàu USS Mustin đi qua eo biển Đài Loan là động thái mới nhất của hải quân Mỹ liên quan tới các chuyến đi qua eo biển Đài Loan, vốn được xem có thể chọc giận Trung Quốc.

Hoàng Vũ (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo
43 giây trước Khoa học - công nghệ
Ngày 21.4 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Sáng tạo và đổi mới sáng tạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ chọc giận Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan nhân kỷ niệm ‘Pháo chiến Kim Môn’