Mỹ cảnh báo Trung Quốc rằng một cuộc tấn công vào các lực lượng của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung giữa Washington và Manila.
Theo Reuters, lời cảnh báo trên được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra trong bản tuyên bố nhân kỷ niệm 5 năm ngày Tòa trọng tài bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Mỹ tái khẳng định tuyên bố ngày 13.7.2020 liên quan đến các tuyên bố chủ quyền hàng hải ở Biển Đông”, ông Blinken cho biết hôm 12.7, đồng thời viện dẫn việc chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông.
Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ năm ngoái đã đưa ra tuyên bố nhấn mạnh rằng Washington hiện coi hầu như tất cả các yêu sách hàng hải của Trung Quốc bên ngoài vùng biển được quốc tế công nhận là bất hợp pháp.
“Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế trên biển của mình. Washington sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong bảo vệ chủ quyền của họ với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo luật quốc tế”, theo tuyên bố về “lập trường của Mỹ với các yêu sách hàng hải ở Biển Đông” được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 13.7.2020.
“Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để đơn phương áp đặt ý chí của họ với khu vực. Bắc Kinh không đưa ra được cơ sở pháp lý hợp lý nào cho yêu sách đường 9 đoạn ở Biển Đông kể từ khi đưa ra tuyên bố này vào năm 2009”, Bộ Ngoại gia Mỹ cho hay và nhấn mạnh phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa Trọng tài đã bác bỏ yêu sách này.
Cũng trong tuyên bố ngày 12.7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ dẫn đến các cam kết phòng thủ chung từ Mỹ theo điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines năm 1951.
Điều khoản này của hiệp ước có phần nói "mỗi bên thừa nhận rằng một cuộc tấn công vũ trang ở khu vực Thái Bình Dương đối với một trong hai bên kia sẽ nguy hiểm cho hòa bình và an toàn của chính mình và tuyên bố rằng mình sẽ hành động để đối phó với những nguy hiểm chung phù hợp với các quy trình lập hiến".
Ngày 12.7 cách đây 5 năm, Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (hay còn được gọi vắn tắt là Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông) đã ra phán quyết trong vụ việc liên quan Biển Đông do Philippines đệ trình.
Theo đó, phán quyết của tòa đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm cả “đường 9 đoạn” do nước này tự vẽ và cái gọi là chủ quyền lịch sử là không có cơ sở pháp lý. Về phần mình, Bắc Kinh hôm 9.7 nhắc lại rằng không chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài.
Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã chuyển từ đối đầu vì vấn đề Biển Đông sang “nồng ấm” về kinh tế dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte. Hai nước đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận về việc khai thác dầu khí chung trên Biển Đông. Tuy nhiên, Manila dường như đã thay đổi thái độ với Bắc Kinh sau khi dịch COVID-19 bùng phát và chứng kiến các động thái hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian qua.