Trong báo cáo mới, tổ chức nghiên cứu nổi tiếng Silverado Policy Accelerator cho biết Mỹ và các đồng minh nên đi xa hơn là cấm Trung Quốc tiếp cận thiết bị sản xuất chip tiên tiến, đồng thời hạn chế các công nghệ chip cũ hơn.

‘Mỹ nên đi xa hơn thay vì chỉ cấm Trung Quốc tiếp cận thiết bị sản xuất chip tiên tiến’

Sơn Vân | 26/10/2023, 18:20

Trong báo cáo mới, tổ chức nghiên cứu nổi tiếng Silverado Policy Accelerator cho biết Mỹ và các đồng minh nên đi xa hơn là cấm Trung Quốc tiếp cận thiết bị sản xuất chip tiên tiến, đồng thời hạn chế các công nghệ chip cũ hơn.

Theo tổ chức Silverado Policy Accelerator có trụ sở tại Washington (Mỹ), Trung Quốc đang xây dựng năng lực sản xuất khổng lồ cho chip nền tảng, vốn là những linh kiện ít phức tạp hơn được sử dụng trong mọi thứ, từ ô tô đến smartphone. Silverado Policy Accelerator cảnh báo rằng quốc gia châu Á đang có dấu hiệu giảm giá so với các đối thủ phương Tây tại thị trường này.

Dmitri Alperovitch, Chủ tịch Silverado Policy Accelerator, cho biết điều này làm dấy lên lo ngại các nhà sản xuất chip Trung Quốc có thể loại bỏ các đối thủ nước ngoài, gây ra mối đe dọa lớn với an ninh quốc gia Mỹ.

Dù không phải là loại tiên tiến nhất nhưng chip nền tảng này (còn được gọi là chip truyền thống) vẫn được sử dụng rộng rãi trong các smartphone, trung tâm dữ liệu và công nghệ quân sự tiên tiến nhất.

Dmitri Alperovitch, người có nhóm tự mô tả mình là tổ chức lưỡng đảng tập trung vào thương mại, kinh tế và không gian mạng, cho biết: “Phần lớn các chip đi vào hệ thống vũ khí đều là những chip nền tảng. Vì vậy, nếu bạn lo ngại về sự phụ thuộc vào những chip nền tảng từ Trung Quốc trong các hệ thống vũ khí nhạy cảm nhất của chúng ta, tôi nghĩ đó chính là vấn đề an ninh quốc gia”.

Dù Mỹ năm ngoái đã cấm mua một số loại chip của Trung Quốc cho mục đích sử dụng của chính phủ hoặc quân đội, lệnh cấm này sẽ không có hiệu lực cho đến năm 2027.

Theo Dmitri Alperovitch, khi Trung Quốc đã xây dựng được năng lực chip nền tảng, các công ty có thể sử dụng kiến thức đó để sản xuất các mẫu chip tiên tiến hơn. Điều này bao gồm cả các loại công nghệ mà Mỹ đang cố gắng ngăn chúng rơi vào tay Trung Quốc. Ông lấy ví dụ về TSMC, công ty Đài Loan đã bắt đầu hoạt động từ nhiều thập kỷ trước với các chất bán dẫn cũ hơn và hiện sản xuất 90% chip tiên tiến nhất thế giới. TSMC hiện là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.

Dmitri Alperovitch cho biết trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu chip nền tảng đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất ô tô và những gã khổng lồ công nghệ như Apple, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của chất bán dẫn này.

Theo báo cáo của Silverado Policy Accelerator, một số chip nền tảng của Trung Quốc đã có giá rẻ hơn từ 20% đến 30% so với các sản phẩm từ các đối thủ nước ngoài.

Tại một thời điểm trong năm 2022, nhà sản xuất chip GigaDevice Semiconductor (Trung Quốc) chỉ tính giá bằng khoảng 1/4 mức STMicroelectronics NV (Thụy Sĩ) yêu cầu cho các sản phẩm tương đương ở Trung Quốc, theo biểu đồ trong báo cáo của hãng Minsheng Securities.

Mỹ và các đồng minh châu Âu lo ngại rằng Trung Quốc cuối cùng có thể bán những chip rẻ hơn này ra thị trường toàn cầu hoặc sử dụng chúng làm đòn bẩy chính trị. Song cho đến nay, chính quyền Biden chỉ tập trung nỗ lực chính sách vào các chip và thiết bị tiên tiến nhất – công nghệ mà Mỹ lo ngại sẽ mang lại lợi thế quân sự cho Trung Quốc.

Để chống lại việc cạnh tranh giá trước khi quá muộn, Mỹ nên sử dụng các công cụ đánh giá đầu tư và điều tra thương mại cũng như thu thập dữ liệu sản phẩm và đưa ra giá cả tốt hơn để bảo vệ các nhà sản xuất chip ở Mỹ cùng các quốc gia đồng minh, theo Silverado Policy Accelerator.

Silverado Policy Accelerator cũng đề xuất rằng Mỹ nên sử dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip không chỉ với các loại chip tiên tiến mà còn cả chip cũ hơn.

my-nen-di-xa-hon-thay-vi-chi-cam-trung-quoc-tiep-can-thiet-bi-san-xuat-chip-tien-tien.jpg
Silverado Policy Accelerator cho biết Mỹ và các đồng minh nên đi xa hơn là cấm Trung Quốc tiếp cận thiết bị sản xuất chip tiên tiến, đồng thời hạn chế các công nghệ chip cũ hơn - Ảnh: Internet

Dù các thành phần này thường được gọi là chip cũ nhưng đó có thể là một cách gọi sai. Chất bán dẫn này được chế tạo trên các máy sử dụng công nghệ sản xuất cũ nhưng thiết kế của chúng thường hoàn toàn mới. Chúng được sử dụng với số lượng lớn hơn nhiều so với những chip tiên tiến nhất vì đã được tích hợp vào nhiều loại sản phẩm trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ.

Gina Raimondo - Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã nói rằng nước này sẽ sử dụng “tất cả các công cụ có sẵn” để giải quyết việc bán phá giá hoặc các vấn đề kinh tế khác liên quan đến chip ít phức tạp hơn. Tuy nhiên, bà nói rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu không được áp dụng với những sản phẩm đó.

Nếu các công ty Trung Quốc được chính phủ trợ cấp quá nhiều cho các loại chip truyền thống và tràn ngập thị trường với những loại chip định giá thấp, điều đó sẽ làm biến dạng thị trường. Đây là những gì bạn đã thấy Trung Quốc làm với thép và nhôm”, Gina Raimondo nói trong chuyến đi tới Trung Quốc vào tháng 8 và đã bày tỏ những lo lắng đó trong các cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc.

Tôi đã nói rất rõ ràng rằng kiểu bóp méo thị trường đó không phải là một sân chơi bình đẳng”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ nhấn mạnh.

Alan Estevez, Thứ trưởng Thương mại Công nghiệp và An ninh Mỹ, cũng chỉ ra rằng thuế quan có thể là công cụ tốt hơn các biện pháp kiểm soát xuất khẩu trong việc giải quyết các vấn đề về chip truyền thống của Trung Quốc. Ông nói: “Có những công cụ khác để xử lý việc bán phá giá”.

Theo các biện pháp mở rộng được công bố hôm 17.10, Mỹ hiện đã hạn chế một lượng lớn chip tiên tiến và công cụ sản xuất chip với nhiều quốc gia hơn chứ không riêng Trung Quốc, gồm cả Iran và Nga, đồng thời đưa các nhà thiết kế chip Trung Quốc như Moore Threads và Biren vào danh sách đen thương mại.

Chính quyền Biden có kế hoạch tạm dừng vận chuyển các chip AI tiên tiến hơn do Nvidia và các công ty khác thiết kế đến Trung Quốc, nhằm tìm cách ngăn cường quốc châu Á tiếp nhận các công nghệ tiên tiến của Mỹ để tăng cường quân đội.

Gina Raimondo nói với các phóng viên rằng các biện pháp mới này sẽ lấp đầy những lỗ hổng trong các quy định được ban hành vào tháng 10.2022 và có thể sẽ được cập nhật “ít nhất là hàng năm”.

Bà nói mục tiêu là hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với “các chất bán dẫn tiên tiến có thể tạo ra những đột phá về AI và các máy tính phức tạp vốn rất quan trọng với các ứng dụng quân sự (Trung Quốc)”, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền Biden không tìm cách làm tổn thương Trung Quốc về mặt kinh tế.

Gina Raimondo cho biết Trung Quốc vẫn sẽ nhập khẩu chất bán dẫn trị giá hàng trăm tỉ USD của Mỹ.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết nước này “kiên quyết phản đối” các hạn chế mới, đồng thời nói thêm rằng: “Việc tự ý đặt ra các biện pháp kiềm chế hoặc buộc phải tìm cách tách rời để phục vụ chương trình nghị sự chính trị là vi phạm các nguyên tắc của kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng, làm suy yếu trật tự kinh tế và thương mại quốc tế”.

Các biện pháp mới chứng tỏ chính quyền Biden đang nỗ lực làm chậm dòng chip và công cụ sản xuất chip vào Trung Quốc, khi ngày càng có nhiều lo ngại về vai trò của công nghệ Mỹ trong việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Vào tháng 6, Reuters đưa tin những chip AI bị cấm theo các quy định trước đó có thể được mua từ các nhà cung cấp ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc.

Trong một báo cáo tháng 6.2022, Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown (Mỹ) cho biết trong số 97 chip AI riêng lẻ được mua thông qua các cuộc đấu thầu của quân đội Trung Quốc trong khoảng thời gian 8 tháng vào năm 2020, gần như tất cả chúng đều được thiết kế bởi các công ty Mỹ là Nvidia, Xilinx, Intel và Microsemi.

Theo các quy định được công bố hôm 17.10, khả năng AI, được hỗ trợ bởi siêu máy tính và chip tiên tiến, sẽ cải thiện tốc độ và độ chính xác của việc ra quyết định, lập kế hoạch và hậu cần quân sự.

Nvidia (hãng chip có giá trị nhất thế giới) cho biết các hạn chế xuất khẩu mới từ Mỹ nhằm ngăn chặn việc bán chip AI cao cấp của họ sang Trung Quốc đã có hiệu lực từ ngày 23.10 thay vì 17.11 khi các cơ quan quản lý đẩy nhanh thời gian.

Bài liên quan
Lãnh đạo quỹ đầu tư công nghệ Trung Quốc: Lệnh cấm xuất khẩu chip của Mỹ là 'tin tuyệt vời'
Lãnh đạo một quỹ đầu tư bán dẫn Trung Quốc đã hoan nghênh việc Mỹ cấm xuất khẩu một số loại chip tiên tiến sang quốc gia châu Á này, mô tả động thái này là “tin tuyệt vời” có thể kích thích hệ sinh thái trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Mỹ nên đi xa hơn thay vì chỉ cấm Trung Quốc tiếp cận thiết bị sản xuất chip tiên tiến’