Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc đã tăng cường chi tiêu để thay thế công nghệ do phương Tây sản xuất bằng sản phẩm trong nước, khi Mỹ thắt chặt hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang quốc gia châu Á này.

Trung Quốc gặp khó để thay thế công nghệ phương Tây khi bị Mỹ trừng phạt nặng nề

Sơn Vân | 26/10/2023, 11:05

Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc đã tăng cường chi tiêu để thay thế công nghệ do phương Tây sản xuất bằng sản phẩm trong nước, khi Mỹ thắt chặt hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang quốc gia châu Á này.

Hai người quen thuộc với ngành công nghiệp này cho biết Trung Quốc đã chi mạnh tay vào việc thay thế thiết bị máy tính, còn lĩnh vực viễn thông và tài chính có thể là mục tiêu tiếp theo. Các nhà nghiên cứu được nhà nước hậu thuẫn cũng xác định những khoản thanh toán kỹ thuật số đặc biệt dễ bị hack bởi các vụ tấn công mạng của phương Tây, có thể thúc đẩy việc bản địa hóa công nghệ như vậy.

Theo cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc mà Reuters xem được, số lượng đấu thầu từ các doanh nghiệp nhà nước (SOE), chính phủ và quân đội để quốc hữu hóa thiết bị đã tăng gấp đôi lên 235 từ 119 trong 1 năm kể từ tháng 9.2022. Trong cùng thời gian, giá trị của các dự án được phê duyệt có trên cơ sở dữ liệu đạt tổng cộng 156,9 triệu nhân dân tệ, gấp hơn ba lần so với năm trước.

Theo công ty nghiên cứu CNTT First New Voice, Trung Quốc đã chi 1.400 tỉ nhân dân tệ (191 tỉ USD) để thay thế phần cứng và phần mềm nước ngoài vào năm 2022, đánh dấu mức tăng 16,2% so với cùng kỳ 2021.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết việc Trung Quốc thiếu khả năng sản xuất chip tiên tiến đã ngăn cản nước này thay thế hoàn toàn các sản phẩm bằng lựa chọn được sản xuất trong nước.

Theo Kendra Schaefer, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách công nghệ tại hãng tư vấn Trivium có trụ sở tại Bắc Kinh, những nỗ lực thay thế bằng công nghệ trong nước trước đây đã bị đình trệ vì Trung Quốc không có “kỹ thuật đủ để thực hiện quá trình cách mạng hóa cho đến nay”.

trung-quoc-gap-kho-de-thay-the-cong-nghe-phuong-tay-khi-bi-my-trung-phat.jpg
Trung Quốc đã tăng cường chi tiêu để thay thế công nghệ do phương Tây sản xuất bằng sản phẩm trong nước khi bị Mỹ thắt chặt hạn chế xuất khẩu công nghệ cao - Ảnh: Reuters

Sợ phụ thuộc

Năm ngoái, các doanh nghiệp nhà nước đã được hướng dẫn thay thế hệ thống phần mềm văn phòng bằng các sản phẩm nội địa vào 2027. Đây là lần đầu tiên thời hạn cụ thể như vậy được áp dụng. Các dự án thay thế trong nước năm nay đã nhắm tới cơ sở hạ tầng nhạy cảm rõ rệt.

Các đơn vị của quân đội Trung Quốc ở thành phố Cáp Nhĩ Tân và Hạ Môn vào tháng 12.2022 đã tung ra các gói thầu thay thế máy tính do nước ngoài sản xuất.

Các nhà nghiên cứu công nghệ như Mo Jianlei thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, tổ chức nghiên cứu nhà nước lớn nhất nước này, cho biết chính phủ ngày càng lo ngại về việc thiết bị của phương Tây bị các thế lực nước ngoài tấn công mạng.

Năm qua, các nhà nghiên cứu liên kết với nhà nước cũng kêu gọi Trung Quốc tăng cường phòng thủ chống hacker trong cơ sở hạ tầng tài chính do những lo ngại về địa chính trị.

Một bài nghiên cứu vào tháng 3 đã nhấn mạnh sự phụ thuộc của hệ thống thẻ tín dụng UnionPay (Trung Quốc) vào công ty phần mềm BMC (Mỹ) trong việc thanh toán.

Các nhà nghiên cứu viết: “Hãy cẩn thận với các lỗ hổng bảo mật trong phần cứng và phần mềm do phía Mỹ đặt ra… Hãy xây dựng một ‘tường lửa’ bảo mật tài chính”.

Một bài báo đăng trên tạp chí An ninh không gian mạng năm nay của các nhà nghiên cứu từ China Telecommunications Corporation kết luận rằng nước này quá phụ thuộc vào chip do gã khổng lồ Qualcomm (Mỹ) sản xuất để quản lý back-end, cũng như trên iOS và hệ thống Android. Back-end là những chức năng hỗ trợ hoạt động của trang web hoặc ứng dụng mà người dùng không nhìn thấy được.

Các nhà nghiên cứu viết: “Chúng đều được kiểm soát chặt chẽ bởi các công ty Mỹ”.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, do Trung Quốc chưa ký các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về quản lý mua sắm công nên nỗ lực thay thế dường như không vi phạm các hiệp định quốc tế. Mỹ đã thực hiện các quy định tương tự nhằm cấm các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu khu vực công.

Qualcomm, Google và Apple không trả lời câu hỏi của Reuters về chuyện này.

Ngươi thắng và kẻ thua

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng một hệ thống máy tính độc lập ít nhất bắt nguồn từ kế hoạch 5 năm phát triển khoa học và công nghệ 2006, trong đó liệt kê các lĩnh vực hệ thống bán dẫn và phần mềm là ưu tiên quốc gia.

Nỗ lực này giúp các công ty nhà nước ngày càng giành được nhiều hợp đồng lớn. Hai cái tên được thắng thầu tại Cáp Nhĩ Tân là công ty con của China Electronics Corporation và China Electronics Technology Group Corporation - cả hai đều bị Mỹ trừng phạt.

Theo nhân viên của một công ty phát triển phần mềm xử lý văn phòng trong nước có trụ sở tại Bắc Kinh, lệnh năm 2022 của cơ quan quản lý đã đẩy các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi các công ty Mỹ như Microsoft và Adobe. Ví dụ, China Tobacco vào tháng 7 đã bắt đầu chuyển đổi một số công ty con dùng hệ điều hành Windows sang EulerOS của Huawei.

Trong nhiều năm, các hãng công nghệ phương Tây đã chia sẻ mã nguồn của họ và hợp tác với các công ty trong nước để giải quyết những lo ngại của Trung Quốc. Thế nhưng, nhà khoa học máy tính nổi tiếng Ni Guangnan thuộc Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho rằng những biện pháp như vậy là không đủ với nhu cầu an ninh của Trung Quốc.

China Tobacco, Microsoft và Adobe không trả lời khi được đề nghị bình luận.

Vào tháng 9, Reuters và các hãng tin khác cho biết một số nhân viên của các cơ quan chính phủ Trung Quốc đã bị cấm sử dụng iPhone tại nơi làm việc.

Trả lời câu hỏi của Reuters, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Bắc Kinh cho biết: “Trong một số lĩnh vực nhất định, khách hàng đang lựa chọn các nhà cung cấp trong nước, khi các nhà cung cấp nước ngoài thường xuyên phải đối mặt với các rào cản không chính thức”.

Trong báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) năm 2023 tại Thượng Hải, 89% thành viên kinh doanh công nghệ của tổ chức này coi các hoạt động mua sắm có lợi cho các đối thủ cạnh tranh trong nước Trung Quốc là trở ngại pháp lý. Đó là tỷ lệ cao nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Eric Zheng, Chủ tịch AmCham Thượng Hải, thừa nhận mối lo ngại về an ninh quốc gia của Trung Quốc nhưng cho biết ông hy vọng "các thủ tục mua sắm thông thường sẽ không bị chính trị hóa để các công ty Mỹ có thể cạnh tranh công bằng và theo đuổi các cơ hội thương mại nhằm mang lại lợi ích cho cả hai nước".

Huawei là ngôi sao sáng

Huawei đã nổi lên như một công ty hàng đầu trong chu kỳ thay thế này, theo ba người quen thuộc với ngành công nghệ Trung Quốc. Năm 2022, hoạt động kinh doanh doanh nghiệp của Huawei, bao gồm cả các hoạt động phần mềm và điện toán đám mây, báo cáo doanh thu 133 tỉ nhân dân tệ, tăng 30% so với năm trước.

Theo nguồn tin của Reuters, Huawei (thuộc sở hữu tư nhân) được coi là nhanh nhẹn hơn các tập đoàn nhà nước trong việc tung ra sản phẩm và thực hiện dự án. Bộ sản phẩm đa dạng của Huawei, từ chip đến phần mềm, là lợi thế.

Theo nhân viên của nhà cung cấp công nghệ cho China Tobacco, khách hàng cũng đánh giá cao Huawei vì khả năng xử lý dữ liệu trên máy chủ nội bộ của công ty và mạng đám mây bên ngoài, cũng như việc cung cấp rộng rãi các sản phẩm an ninh mạng.

Nỗ lực thay thế bằng công nghệ trong nước đã định hình lại toàn bộ các phân ngành của ngành công nghiệp phần mềm. Theo hãng nghiên cứu IDC, thị phần kết hợp tại Trung Quốc do 5 nhà sản xuất hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu lớn của nước ngoài nắm giữ, phần lớn trong số đó là Mỹ, đã giảm từ 57,3% năm 2018 xuống 27,3% vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, dù Trung Quốc chi mạnh cho việc thay thế bằng sản phẩm trong nước, các công ty nước ngoài vẫn là nhà cung cấp chiếm ưu thế trong quản lý cơ sở dữ liệu ngân hàng và viễn thông. Theo hãng tư vấn công nghệ EqualOcean, các công ty không phải của Trung Quốc nắm giữ 90% thị phần hệ thống cơ sở dữ liệu ngân hàng vào cuối năm 2022.

Theo một trong những nguồn tin trong ngành, các tổ chức tài chính thường do dự chuyển đổi hệ thống cơ sở dữ liệu bất chấp áp lực của chính phủ Trung Quốc. Các tổ chức tài chính có yêu cầu về độ ổn định cao hơn nhiều lĩnh vực khác và những công ty Trung Quốc vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của họ.

Ngay cả với máy tính cá nhân, các ngân hàng chuyển từ thương hiệu quốc tế sang Lenovo (nhà cung cấp thống trị Trung Quốc) vẫn sẽ phụ thuộc vào các thành phần chip quan trọng do những công ty phương Tây cung cấp.

Bài liên quan
Huawei thúc đẩy ra mắt mạng 5.5G, tốc độ nhanh hơn 5G gấp 10 lần
Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) đang thúc đẩy việc ra mắt mạng 5.5G với các nhà khai thác từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Trung Đông, hứa sẽ hỗ trợ tốt hơn các công nghệ mới như thực tế ảo (VR) và ô tô thông minh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc gặp khó để thay thế công nghệ phương Tây khi bị Mỹ trừng phạt nặng nề