Bộ Tư pháp Mỹ mới đây cáo buộc 8 người làm việc cho Bắc Kinh, "do thám, đe dọa và quấy rối" để ép một gia đình Trung Quốc về nước trong chiến dịch Săn cáo.

Mỹ truy tố 8 người liên quan "chiến dịch Săn cáo" của Trung Quốc

Hoàng Vũ | 29/10/2020, 10:03

Bộ Tư pháp Mỹ mới đây cáo buộc 8 người làm việc cho Bắc Kinh, "do thám, đe dọa và quấy rối" để ép một gia đình Trung Quốc về nước trong chiến dịch Săn cáo.

Trong cuộc họp báo tại thủ đô Washington, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers ngày 28.10 thông báo truy tố 8 người có liên quan tới "chiến dịch thực thi pháp luật phi pháp của Trung Quốc có tên gọi “Săn cáo” (Fox Hunt)” với cáo buộc "âm mưu hoạt động tại Mỹ với tư cách là đặc vụ bất hợp pháp của Trung Quốc".

Theo Reuters, 5 trong số những người bị cáo buộc, gồm Zhu Yong, Hongru Jin, Rong Jing, Zheng Congying và cựu cảnh sát điều tra Mỹ Michael McMahon, bị bắt ngày 28.10 lần lượt ở New Jersey, New York và California. Ba người còn lại Zhu Feng, Hu Ji, và Li Minjun được cho là ở Trung Quốc.

Các cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, nhóm 8 người này nhắm vào một cựu nhân viên chính phủ Trung Quốc cùng vợ và con gái đã sống ở New Jersey từ năm 2010. Nhóm được cho là đã dùng kính nhìn ban đêm để do thám gia đình và gửi thư đe dọa có nội dung: "Nếu ông sẵn sàng quay trở lại đại lục và ngồi tù 10 năm, vợ và con ông sẽ không sao cả. Vấn đề được khép lại". Gia đình trên cũng nhận được những lời dọa nạt trên mạng xã hội cùng với các video đe dọa với nội dung tương tự.

Còn theo các báo cáo do chính quyền Bắc Kinh gửi tới Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế) vào năm 2012 và 2014, Trung Quốc đã liệt người đàn ông ở New Jersey vào danh sách những kẻ đào tẩu bị truy nã vì tội tham ô, lạm quyền và nhận hối lộ.

Mỹ hiện không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc. Theo quy định của pháp luật, bất kỳ ai đang hành động thay mặt cho quốc gia nước ngoài đều phải đăng ký và thông báo cho văn phòng Tổng chưởng lý.

Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers khẳng định chiến dịch “Săn cáo” đã “vi phạm rõ ràng luật pháp và chuẩn mực quốc tế”. Ông Demers cho biết các đặc vụ "săn cáo” của Trung Quốc đã tới Mỹ để “xác định vị trí của những đối tượng bỏ trốn, sau đó hăm dọa và sử dụng các chiến thuật khác để buộc các đối tượng này quay về Trung Quốc - nơi họ sẽ phải đối mặt với việc bị bỏ tù hoặc các vụ xét xử phi pháp tồi tệ hơn”.

tro-ly-bo-tu-phap-my-reuters.jpg
Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers trong cuộc họp báo hôm 28.10 - Ảnh: Reuters

Thông tin trên được Bộ Tư pháp Mỹ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang trong nhiều lĩnh vực như địa chính trị, thương mại, công nghệ, đồng thời căng thẳng vì nhiều vấn đề như COVID-19, Đài Loan, Hồng Kông hay Biển Đông.

Bắc Kinh hiện chưa đưa ra phản ứng về động thái mới nhất của Washington. Trung Quốc trước đó đã từng mô tả "Săn cáo" là chiến dịch chống tham nhũng quốc tế, tìm cách xác định nơi ẩn náu của những nghi phạm bỏ trốn ra nước ngoài, áp giải họ về Trung Quốc để truy tố hình sự.

Bình luận về vụ việc trên, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho rằng đây là “nỗ lực trắng trợn của Trung Quốc nhằm theo dõi, đe dọa và quấy rối công dân cũng như các thường trú nhân hợp pháp tại Mỹ, ngay trên đất Mỹ và coi chiến dịch "Săn cáo" là một phần trong các nỗ lực đánh cắp và gây ảnh hưởng xấu của Bắc Kinh tại Mỹ và trên toàn thế giới.





Bài liên quan
Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua năng lượng xanh với giá lắp đặt tua-bin gió bằng 1/5 so với Mỹ
Điện gió đang phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc với giá lắp đặt tua-bin gió giảm gần 45% nhờ những tiến bộ công nghệ và lợi thế về quy mô, theo các tài liệu đấu thầu của chính phủ nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ truy tố 8 người liên quan "chiến dịch Săn cáo" của Trung Quốc