Khi các nhà lãnh đạo NATO chuẩn bị tập hợp tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) vào tuần tới cho hội nghị thượng đỉnh thường niên của mình, các nhà quan sát cho rằng liên minh quốc phòng lớn nhất thế giới có khả năng đưa ra lập trường cứng rắn với Trung Quốc hơn quan điểm về Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

NATO sẽ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc khi ông Tập tuyên bố ủng hộ Nga

Sơn Vân | 25/06/2022, 22:49

Khi các nhà lãnh đạo NATO chuẩn bị tập hợp tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) vào tuần tới cho hội nghị thượng đỉnh thường niên của mình, các nhà quan sát cho rằng liên minh quốc phòng lớn nhất thế giới có khả năng đưa ra lập trường cứng rắn với Trung Quốc hơn quan điểm về Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

nato-se-dua-ra-lap-truong-cung-ran-voi-trung-quoc-vi-ong-tap-tuyen-bo-ung-ho-nga.jpg
Cuộc khảo sát gần đây trên tất cả 30 quốc gia thành viên NATO cho thấy Trung Quốc bị 52% số người được hỏi coi là mối đe dọa an ninh, tăng 11 điểm % so với năm 2021 - Ảnh: Handout

Trung Quốc dự kiến ​​sẽ được xác định lần đầu tiên trong khái niệm chiến lược mới của NATO, theo tài liệu quan trọng thể hiện lộ trình an ninh trong tương lai và sự phát triển quân sự của khối 30 thành viên sẽ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Một cuộc khảo sát gần đây của NATO trên tất cả các quốc gia thành viên cho thấy Trung Quốc được coi là một mối đe dọa an ninh bởi 52% số người được hỏi, tăng 11 điểm % so với năm 2021.

Trung Quốc đang công khai chống lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, Tổng thư ký NATO - Jens Stoltenberg nói trong một sự kiện do hãng truyền thông Politico tổ chức ở Brussels (Bỉ) tuần này, khác hẳn với giọng điệu của ông 1 năm trước.

Ông Jens Stoltenberg cho biết các khoản đầu tư của Trung Quốc vào thiết bị quân sự hiện đại mới và mong muốn kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng ở châu Âu khiến NATO cần phát triển lập trường vững chắc hơn.

Luận điệu cứng rắn trái ngược với bình luận của Jens Stoltenberg tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels năm ngoái, nơi ông nói rằng trong khi việc xây dựng quân đội, ảnh hưởng ngày càng tăng và hành vi ép buộc của Trung Quốc đặt ra một số thách thức với an ninh của liên minh, thì vẫn còn cơ hội để bắt tay với Bắc Kinh, đặc biệt về “các vấn đề như biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ khí”.

Các thành viên NATO khác năm ngoái cũng đã có cách tiếp cận ôn hòa hơn, gạt bỏ sự cần thiết phải tập trung vào Trung Quốc.

NATO là tổ chức liên quan đến Bắc Đại Tây Dương, Trung Quốc không liên quan rất nhiều đến Bắc Đại Tây Dương. Vì vậy, điều rất quan trọng là chúng tôi không phân tán bản thân và không thành kiến mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc”, Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron đã nói sau hội nghị thượng đỉnh.

Những quan điểm đó đã được lặp lại trong năm nay bởi các nhà ngoại giao từ Litva và Bồ Đào Nha, vốn vẫn còn e ngại về việc tập trung vào Trung Quốc vì NATO không có chung biên giới nào với nước này, không giống như với Nga.

"Trung Quốc không phải là đối thủ của NATO và không nên được coi là một đối thủ. Trung Quốc không đặt ra thách thức nào và đã mang lại cơ hội kinh tế cho thế giới, bao gồm cả các thành viên NATO", ông Vương Lỗ Đồng, Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Âu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khẳng định trước hội nghị thượng đỉnh.

Ramon Pacheco Pardo, giáo sư quan hệ quốc tế và đặc phái viên khu vực Đông Á và Đông Nam Á tại Đại học Nhà vua London (Anh), cho biết việc Trung Quốc không lên án Nga là mối đe dọa chính với các quốc gia NATO.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) trực tuyến hôm 23.6, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình một lần nữa nhắc lại sự ủng hộ với Nga và đả kích các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga.

Tôi nghĩ rằng cũng có nhận định rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ Nga nếu cần thiết khi nói đến lĩnh vực mạng, và nước này cũng sẽ hỗ trợ Nga trong việc chuyển giao vũ khí. Vì vậy, các thành viên NATO cảm thấy bị đe dọa", Ramon Pacheco Pardo lưu ý.

Sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc và nhu cầu giải quyết những thách thức an ninh do nước này gây ra lần đầu tiên được NATO công nhận trong một tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh ở London năm 2019.

Jim Townsend, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về châu Âu và NATO dưới thời Tổng thống Barack Obama, dự báo các thành viên NATO sẽ có cách tiếp cận thực tế hơn với Trung Quốc so với cách họ làm một hoặc hai năm trước.

Trong một thời gian dài, các quốc gia châu Âu không nhất thiết phải nhìn Trung Quốc và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo cách giống như Mỹ. Song giờ đây đã có một bước ngoặt rất khác, đặc biệt là việc Trung Quốc ủng hộ Nga theo cách hiện tại và do các hoạt động của nước này ở Hồng Kông cùng các khu vực khác của châu Á. Điều này đã khiến châu Âu nhận ra rằng những gì xảy ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với Trung Quốc cũng tác động đến họ.

Thế nhưng, những gì NATO sẽ làm với tư cách là một liên minh và những gì các quốc gia làm riêng với Trung Quốc và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vẫn chưa được xác định và có thể được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh”, Jim Townsend chỉ ra.

nato-se-dua-ra-lap-truong-cung-ran-voi-trung-quoc-vi-ong-tap-tuyen-bo-ung-ho-nga1.jpg
Tổng thư ký NATO - Jens Stoltenberg tại Brussels - Ảnh: EPA-EFE

Joris Teer, nhà phân tích Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược La Hay, cũng có quan điểm tương tự và lưu ý rằng sự phụ thuộc vào quân đội Mỹ và dè chừng trước sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Nga cũng sẽ khiến các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) cởi mở hơn với các đề xuất chính sách từ Mỹ với Trung Quốc và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

21 trong số 30 quốc gia NATO cũng là thành viên của 27 nước EU. Ngoài Trung Quốc, các cuộc thảo luận về an ninh châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, trong đó Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc tham dự với tư cách là các quốc gia “đối tác”.

Đặc biệt, Hàn Quốc “muốn sử dụng hội nghị thượng đỉnh này để thảo luận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên”, cố vấn an ninh quốc gia Kim Sung-han cho biết vào đầu tháng này.

Ramon Pacheco Pardo nhận định: “Điều đó quan trọng với Hàn Quốc bởi nó có thể cho thấy rằng có những quốc gia khác ở châu Âu và Mỹ cũng coi Triều Tiên là một mối đe dọa. Điều này có thể dẫn đến hợp tác thiết thực, đặc biệt là về an ninh mạng và chia sẻ thông tin, giữa NATO và châu Á - Thái Bình Dương”.

Jim Townsend tin rằng sự hiện diện của 4 quốc gia đối tác chủ yếu sẽ giúp NATO hỗ trợ tốt hơn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các quốc gia này có những lo ngại và NATO muốn biết về những lo ngại đó. Vì vậy, tôi nghĩ bạn sẽ thấy NATO nói về Trung Quốc và các mối đe dọa khác ở khu vực này của thế giới với các nước đó, điều cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho an ninh toàn cầu”, ông chia sẻ.

Ông Tập Cận Bình tuyên bố tiếp tục ủng hộ Nga

Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Tổng thống Vladimir Putin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ Nga về vấn đề chủ quyền và an ninh.

"Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục ủng hộ Nga về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm chính như chủ quyền và an ninh", CCTV (đài truyền hình nhà nước Trung Quốc) hôm 15.6 dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin.

Ông Tập Cận Bình ca ngợi đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Nga - Trung kể từ đầu năm, trước "những bất ổn và thay đổi toàn cầu".

"Trung Quốc sẵn sàng tăng cường liên lạc và phối hợp với Nga trong các tổ chức quốc tế cũng như thúc đẩy trật tự quốc tế và lãnh đạo toàn cầu theo hướng phát triển công bằng, hợp lý hơn", ông Tập Cận Bình nói.

Phía Nga ra thông báo cho biết Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.

"Hai nước nhất trí mở rộng hợp tác về năng lượng, tài chính, công nghiệp, giao thông và các lĩnh vực khác, có tính đến tình hình nền kinh tế toàn cầu đang trở nên phức tạp hơn do chính sách trừng phạt bất hợp pháp của phương Tây", Điện Kremlin ra tuyên bố.

Cuộc điện đàm ngày 15.6 rơi vào sinh nhật 69 tuổi của ông Tập Cận Bình và là cuộc gọi đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ cuối tháng 2.2022. Trước đó, ông Tập Cận Bình và Putin đã điện đàm hôm 25.2, một ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Mỹ và EU nhiều lần cảnh báo Trung Quốc sẽ nhận hậu quả nếu hậu thuẫn Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, hay giúp Nga né các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trung Quốc cùng Ấn Độ là hai nền kinh tế lớn không áp trừng phạt Nga vì tấn công Ukraine. Trung Quốc kêu gọi các bên tổ chức đàm phán hòa bình nhưng tránh chỉ trích Nga.

Nga và Trung Quốc thời gian qua đã xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, quân sự và khẳng định mối quan hệ song phương "không có giới hạn".

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với lượng giao dịch năm 2021 đạt 147 tỉ USD, tăng hơn 30% so với 2019.

Bài liên quan
Lãnh đạo NATO: Cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm, chúng ta không được ngừng hỗ trợ Ukraine
Người đứng đầu NATO cho biết cuộc chiến ở Ukraine có thể kéo dài trong nhiều năm, vào thời điểm Nga tăng cường các cuộc tấn công sau khi Liên minh châu Âu (EU) khuyến nghị trao cho Ukraine tư cách ứng viên thành viên EU.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NATO sẽ có lập trường cứng rắn với Trung Quốc khi ông Tập tuyên bố ủng hộ Nga