Trả lời câu hỏi đại biểu liên quan đến phân bổ vốn tín dụng chênh lệch cho các ngành bất động sản, BOT, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng vào BOT, bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản, BOT

16/11/2017, 17:29

Trả lời câu hỏi đại biểu liên quan đến phân bổ vốn tín dụng chênh lệch cho các ngành bất động sản, BOT, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng vào BOT, bất động sản.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời trước Quốc hội - Ảnh VGP

Chiều 16.11, Quốc hội tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng. Nội dung chính là điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý; Hoạt động của các ngân hàng yếu kém và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Trả lời đại biểu, ông Lê Minh Hưng cho biết Nghị quyết 42 là khuôn khổ pháp lý quan trọng, có ích trong việc hỗ trợ đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, được các ngân hàng rất tin tưởng. Nghị quyết mới có hiệu lực từ ngày 15.8, NHNN có những giải pháp triển khai rất cụ thể và Thủ tướng đã có những chỉ đạo rà soát quyết liệt, hoàn thiện vướng mắc pháp lý.

Về tài sản kê biên, ông Hưng cho biết có một số vụ việc liên quan đến các vụ án mà công an đang điều tra. Do đó, NHNN đang đề nghị các tổ chức tín dụng, VAMC làm việc với cơ quan chức năng để tháo gỡ. Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà các tổ chức tín dụng phải thực hiện.

Bên cạnh đó, một số khoản nợ xấu có hồ sơ pháp lý không đầy đủ, chủ yếu liên quan đến tài sản là bất động sản. Thời gian tới, việc hoàn thiện giấy tờ pháp lý cho các tài sản bất động sản là vấn đề ưu tiên.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc tăng trưởng tín dụng sẽ góp phần tăng trưởng GDP như thế nào, Thống đốc cho biết căn cứ vào Nghị quyết phát triển KT-XH của Quốc hội, kịch bản điều hành cho năm 2017 là tăng trưởng tín dụng 18% và có điều chỉnh linh hoạt. Đến cuối tháng 10.2017 thì tăng trưởng tín dụng là 13,6%. Tốc độ này cũng không có gì là đột biến.

“Quan điểm của NHNN là tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với chất lượng tín dụng, tín dụng phải đi vào sản xuất kinh doanh. Nhìn vào cơ cấu tín dụng trong 10 tháng đầu năm 2017, tín dụng đã tập trung vào những lĩnh vực động lực cho tăng trưởng. Chúng tôi đảm bảo tăng trưởng tín dụng tăng phù hợp với sự hấp thụ của nền kinh tế, không gây bất ổn vĩ mô, lạm phát”, ông Hưng nêu.

Trước phản ánh của đại biểu về việc cho vay nông nghiệp sạch và doanh nghiệp khó tiếp cận, Thống đốc Hưng cho biết quá trình triển khai chính sách này khoảng 6 tháng. Đến nay, dư nợ đạt 36.000 tỉ đồng trong gói 100.000 tỉ, kỳ hạn dài chiếm gần 60%. Con số như vậy là khá cao. Trong tổng dư nợ có khoảng hơn 6.400 khách hàng tiếp cận.

Ông Hưng cũng nói thị trường tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quyết định để các ngân hàng cho doanh nghiệp vay đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch. Ngoài ra, tài sản trên đất để thế chấp ngân hàng cũng là một rào cản. Đây là nội dung mà Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt để tháo gỡ. NHNN đã làm việc với Bộ Nông nghiệp-PTNT để tháo gỡ vấn đề này.

Ông Hưng cho biết để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, thời gian tới sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, pháp quy là giải pháp then chốt; tăng cường năng lực quản lý, điều hành của các tổ chưc tín dụng và kiểm tra, kiểm soát nội bộ; đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu; tăng mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và phòng ngừa rủi ro trong quá trình hoạt động.

Trả lời câu hỏi đại biểu liên quan đến phân bổ vốn tín dụng chênh lệch cho các ngành bất động sản, BOT, ông Hưng cho biết thời gian qua NHNN kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng vào BOT, bất động sản.

Với BOT, tốc độ tăng tín dụng thấp hơn năm trước, tỷ trọng cho vay BOT chỉ chiếm 1,5% trong tổng dư nợ, nợ xấu kiểm soát. 10 tháng đầu năm, cho vay bất động sản khoảng 7,1% so với trên 10% năm ngoái. Việc cho vay bất động sản cũng được kiểm soát bằng tỷ lệ, ví dụ giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Nói về việc huy động vàng trong dân, Thống đốc Hưng cho rằng huy động nguồn lực cho phát triển là một trong những nội dung Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, qua quá trình điều hành, giải pháp căn cơ, bền vững và khả thi nhất là Chính phủ và các bộ ngành phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô thì mới có lòng tin với người dân. Khi người dân có lòng tin thì họ sẽ đưa tiền vào sản xuất, không tích trữ vàng và ngoại tệ.

“Trước kia phải tốn rất nhiều ngoại tệ để nhập khẩu vàng thì thì hiện nay, thị trường vàng đã tự điều tiết. Chúng ta không mất ngoại tệ mua vàng để phục vụ nhu cầu mua bán vàng miếng”, ông Hưng nói.

Nói về bảo hiểm tiền gửi, ông Hưng cho biết trong bất cứ trường hợp nào khi xử lý các tổ chức tín dụng thì đều phải đảm bảo an ninh kinh tế, an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.

Về bitcoin, Thống đốc Hưng nói đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Có nước cấm tuyệt đối bitcoin, có nước không thừa nhận bitcoin nhưng họ khuyến cáo những rủi ro, hoặc thừa nhận như Nhật Bản.

Theo quy định hiện hành thì bitcoim không phải là đồng tiền pháp định, dùng bitcoin thanh toán là không đúng quy định của Việt Nam. Còn nhìn nhận bitcoin dưới giác độ tài sản, hàng hóa thì còn ý kiến khác nhau. Cơ quan chức năng đang xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý. “Đại học FPT cũng chưa có đề xuất chi tiết về sử dụng bitcoin, nếu có đề xuất thì NHNN sẽ có hướng dẫn cụ thể”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu vấn đề tới đây sẽ bấm nút thông qua dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam, phải huy động 63.000 tỉ đồng và vay hệ thống ngân hàng trên 50.000 tỉ, đề nghị Thống đốc giải đáp những vấn đề này.

Ông Lê Minh Hưng giải thích không phải hê thống ngân hàng không cho vay BOT giao thông mà là phải tăng cường thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư, tính khả thi của các dự án. Trong quá trình thực hiện phải giám sát rất chặt để không gây rủi cho cho hệ thống ngân hàng. “Các tuyến đường đó đảm bảo khả thi về tài chính thì ngân hàng vẫn cho vay”, ông Hưng khẳng định.

Hoài Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản, BOT