Ngày 22.5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi các lãnh đạo của chính phủ dân sự mới tại Myanmar thực hiện nhiều hơn nữa những cải cách dân chủ, như thúc đẩy thị trường tự do và tôn trọng nhân quyền.
Sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Myanmar đồng thời là Chủ tịch đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ Aung San Suu Kyi, ông Kerry cam kết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho quốc gia Đông Nam Á này. Ngoại trưởng Mỹ cũng ca ngợi những tiến bộ tại Myanmar sau khi chính quyền quân sự nước này từ bỏ quyền lực và tiến hành một cuộc bầu cử dân chủ.
Ông Kerry khẳng định: “Mỹ ủng hộ mạnh mẽ quá trình chuyển đổi dân chủ đang diễn ra tại Myanmar”. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra chưa đầy 1 tuần sau khi Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với 10 công ty và ngân hàng nhà nước của Myanmar, được thiết lập trong thời gian quốc gia này dưới sự cai trị của chính quyền quân sự.
Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận liên quan đến hoạt động đầu tư và thương mại với Myanmar vào năm 2012, sau khi nước này bắt đầu tiến hành những cải cách chính trị và kinh tế, nhưng hàng chục công ty và cá nhân vẫn nằm trong danh sách trừng phạt của Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài do phản đối cải cách. Ngoài ra, một số công ty hay cá nhân cũng đối mặt với lệnh cấm vận của Mỹ do tiến hành các hoạt động vi phạm nhân quyền, hay giao dịch thương mại với Triều Tiên.
“Chìa khóa để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt còn lại là Myanmar phải đẩy mạnh cải cách và đạt được những tiến bộ trong quá trình dân chủ hóa. Dù rất khó khăn để hoàn thành quá trình này, nhưng mọi thứ đều có thể thực hiện với thể chế hiện tại tại Myanmar,” ông Kerry nhấn mạnh trong một phát biểu sau cuộc họp với các quan chức cấp cao.
Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi sửa đổi nhiều quy định nhằm bảo đảm cho các quyền dân sự, đồng thời giảm bớt quyền lực của các nhóm chính trị khác nhau trong chính phủ. Ông Kerry cho biết sẽ thảo luận về những vấn đề tương tự với giới lãnh đạo quân sự Myanmar trước khi rời khỏi quốc gia này. Trong khi đó, bà Suu Kyi nhận định các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không tiếp tục kéo dài khi Myanmar thực hiện các cải cách chính trị theo hướng dân chủ.
“Chúng tôi không sợ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Washington sẽ sớm nhận ra Myanmar đang trong quá trình đổi mới, và không còn phù hợp nếu tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt”, lãnh đạo lực lượng đối lập cho biết.
Theo hiến pháp hiện tại của Myanmar, quân đội nước này sẽ kiểm soát Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, các cơ quan bảo vệ biên giới, cùng 25% số ghế trong quốc hội. Trong khi đó, một số tổ chức nhân quyền cho biết người Hồi giáo Rohingya và các nhóm dân tộc thiểu số tiếp tục bị đàn áp tại Myanmar, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Hàn Giang(theoNikkei Asian Review)
Ảnh: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp với bà Suu Kyi.