Bà Mạnh Vãn Chu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, cho biết gã khổng lồ viễn thông này sẽ thực hiện chiến lược “toàn bộ trí tuệ” để biến mình thành nhà cung cấp sức mạnh tính toán chính nhằm hỗ trợ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc.
Mạnh Vãn Chu là con gái ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei.
Không nói về các sản phẩm cụ thể trong bài phát biểu của mình tại hội nghị thượng đỉnh Huawei Connect ở thành phố Thượng Hải hôm 20.9, Mạnh Vãn Chu nhấn mạnh rằng mục tiêu của họ là đóng góp vào sự tiến bộ công nghệ Trung Quốc như một nhà cung cấp cơ sở hạ tầng chính để thúc đẩy quá trình "biến đổi thông minh" của hàng ngàn ngành công nghiệp truyền thống.
"Huawei sẽ đưa ra một sự lựa chọn thay thế cho thế giới”, Mạnh Vãn Chu tuyên bố mà không nói thêm chi tiết.
Việc nâng cấp chiến lược của Huawei diễn ra một thập kỷ một lần, sau sự phát triển từ chiến lược “tất cả đám mây” được công bố vào năm 2013 và chiến lược “tất cả IP” từ năm 2003, mà truyền thông địa phương từng đưa tin rộng rãi.
Chứa chip tiên tiến Kirin 9000s có khả năng 5G bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ, smartphone Mate 60 Pro của Huawei đã thổi bùng tinh thần chủ nghĩa dân tộc và giúp gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến thu hút sự chú ý nhiều hơn.
Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại hồi tháng 5.2019 và thắt chặt hạn chế xuất khẩu vào năm 2020, gồm cả các chất bán dẫn được phát triển hoặc sản xuất ở bất kỳ nơi nào sử dụng công nghệ Mỹ. Những hạn chế đó đã khiến hoạt động kinh doanh smartphone sinh lợi một thời của Huawei sụt giảm và buộc công ty phải tìm các nguồn doanh thu mới, gồm cả điện toán đám mây và các hoạt động kinh doanh khác dành cho doanh nghiệp.
Huawei cũng tăng cường tập trung vào các khách hàng công nghiệp. Sự kiện Huawei Connect kéo dài ba ngày giới thiệu các ứng dụng công nghệ của công ty trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ sản xuất đến chăm sóc sức khỏe và tài chính.
Mạnh Vãn Chu cho biết Huawei sẽ xây dựng cơ sở sức mạnh điện toán để đáp ứng nhu cầu AI đa dạng của các ngành công nghiệp khác nhau, theo tờ Securities Times. Bà cũng cho biết Huawei hỗ trợ các tổ chức và ngành công nghiệp sử dụng dữ liệu và kiến thức chuyên ngành của họ để phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn.
Bài phát biểu mới nhất của Mạnh Vãn Chu diễn ra sau khi bà đảm nhận nhiệm kỳ 6 tháng với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Huawei vào tháng 4, cho thấy công ty tư nhân này quyết tâm mở rộng sự hiện diện tại thị trường quê nhà.
Mạnh Vãn Chu trở về Trung Quốc vào năm 2021 sau gần 3 năm đấu tranh tại tòa án và bị quản thúc tại gia ở Canada. Chuyến trở về quê hương của người thừa kế Huawei được truyền thông nhà nước Trung Quốc truyền hình trực tiếp, trong đó ca ngợi vai trò của “đất nước hùng mạnh” để đảm bảo bà được trả tự do.
Sự kiện ra mắt sản phẩm lớn kỷ niệm Mạnh Vãn Chu trở lại
Huawei dự kiến sẽ tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm lớn vào ngày 25.9, đánh dấu kỷ niệm hai năm ngày Mạnh Vãn Chu trở lại, làm dấy lên hy vọng rằng hãng sẽ chia sẻ thêm thông tin chi tiết về Mate 60 Pro và chip bí ẩn bên trong.
Đối thủ nặng ký nhất của Huawei trên thị trường smartphone ở Trung Quốc chính là Apple. Cả Mate 60 Pro và dòng iPhone 15 Pro đều đang "cháy hàng" ở Trung Quốc.
Mới đây, Nhậm Chính Phi khẳng định rằng ông là “một người hâm mộ” của Apple dù các mẫu máy 5G của Huawei và gã khổng lồ công nghệ Mỹ đối đầu trên thị trường smartphone nhất thế giới.
Nhậm Chính Phi cho biết ông phản đối “bài ngoại” với bất kỳ thương hiệu nước ngoài nào và coi Apple như “một người thầy có giá trị”. Doanh nhân công nghệ 78 tuổi người Trung Quốc nói điều này với các sinh viên đại học và học giả tham gia Cuộc thi lập trình đại học quốc tế do Huawei tài trợ.
“Chúng tôi thường khám phá lý do tại sao các sản phẩm của Apple lại tốt đến vậy và cũng có thể thấy được khoảng cách giữa Huawei với Apple. Tôi rất vui khi có một giáo viên cho chúng tôi cơ hội học hỏi và so sánh thành tích của chúng tôi. Trong tầm nhìn đó, sẽ không quá lời khi gọi tôi là fan của Apple”, Nhậm Chính Phi nói, theo bài phát biểu của ông được công bố trên trang web của Cuộc thi lập trình đại học quốc tế.
Nhậm Chính Phi chỉ ra rằng con gái ông đã sử dụng các sản phẩm Apple khi cô đang học ở Mỹ, ám chỉ đến cô con gái út Annabel Yao, sinh viên Đại học Harvard từ năm 2016 đến 2020.
Ông từng bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với Apple trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5.2019, khi mô tả công ty có trụ sở tại thành phố Cupertino, bang California, Mỹ là “một ví dụ mà chúng tôi noi theo về mặt bảo vệ quyền riêng tư”. Đầu năm đó, Nhậm Chính Phi nói rằng Huawei nên học hỏi Apple về chiến lược giá cả để “các đối thủ cạnh tranh có thể tồn tại”.
Những bình luận mới nhất của Nhậm Chính Phi phản ánh trọng tâm nội bộ mà ông muốn Huawei theo đuổi. Đó là duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ của Huawei trong các lĩnh vực cụ thể và tập trung phát triển tài năng nội bộ.
Nhận xét của ông cũng được đưa ra trong bối cảnh lòng yêu nước nhiệt thành được lấy cảm hứng từ việc Huawei ra mắt smartphone Mate 60 Pro và Mate 60 Pro+ 5G gần đây sở hữu bộ vi xử lý tiên tiến Kirin 9000s, được sản xuất tại Trung Quốc. Các smartphone Huawei mới đã trở thành biểu tượng cho sự thách thức của Trung Quốc trước các biện pháp trừng phạt công nghệ từ Mỹ.
Đơn vị thiết kế chip HiSilicon của Huawei cũng bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại vào tháng 5.2019. Huawei đã cố gắng điều chỉnh hoạt động sản xuất smartphone và thiết bị mạng viễn thông trong bối cảnh Mỹ thắt chặt các hạn chế thương mại áp đặt vào năm 2020, gồm cả quyền tiếp cận chất bán dẫn được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ Mỹ từ bất cứ đâu.
Với sự phổ biến ngày càng tăng của smartphone Mate 60 Pro và 60 Pro+, Huawei đã nhìn thấy cơ hội khôi phục hoạt động kinh doanh ĐTDĐ của mình để trở lại vị trí dẫn đầu Trung Quốc - thị trường smartphone nhất thế giới.
Trong quý 2/2023, Huawei trở lại bảng xếp hạng 5 nhà cung cấp smartphone hàng đầu Trung Quốc. Theo báo cáo của tờ Securities Daily (Trung Quốc), công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến đã nâng mục tiêu xuất xưởng smartphone của mình trong nửa cuối năm 2023 lên 20%.
“Các lệnh trừng phạt của Mỹ chắc chắn đã gây áp lực lên Huawei, nhưng áp lực cũng là động lực”, Nhậm Chính Phi nói với các sinh viên trong buổi trò chuyện.
Ông cho biết thêm: “Sau cuộc đàn áp của Mỹ, chúng tôi buộc phải chuyển sang một nền tảng cơ sở hạ tầng khác, điều này thật khó khăn. Hiện nay, chúng tôi đã thiết lập nền tảng riêng của mình, có thể không chạy trên cơ sở hạ tầng giống với nền tảng Mỹ, nhưng chắc chắn chúng sẽ kết nối với nhau”.
Cách đây vài ngày, Eric Xu Zhijun, Phó chủ tịch kiêm vai trò Chủ tịch luân phiên của Huawei, kêu gọi chính phủ và người dân Trung Quốc hỗ trợ nhiều hơn cho các chip được sản xuất trong nước dù chúng tụt hậu so với các chip được sản xuất bằng công nghệ nước ngoài.