Đoàn cán bộ chiến sĩ 21 người vào cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3 và gặp nạn khi đang nghỉ chân tại trạm 67, thời điểm đoàn công tác gặp nạn ở trạm này không còn cán bộ kiểm lâm nào túc trực.
“Đáng ra tối ngày hôm đó, tôi và 1 đồng nghiệp đã có mặt trong trạm 67 để thực hiện nhiệm vụ theo lịch phân công, nhưng vì lý do thời tiết chúng tôi chưa thể vào được. Lúc đoàn cứu hộ vào, trạm đang bỏ trống, không có ai trực”, Ông Hà Phước Đông, cán bộ Trạm Quản lý Bảo vệ rừng 67 cho biết.
Liên tục chỉ tay về hướng đường lên thủy điện Rào Trăng 3, ông Hà Phước Đông cùng vợ vẫn chưa hết bàng hoàn về chuyện thương tâm xảy ra ở khu vực tiểu khu 67 khiến 21 cán bộ chiến sĩ gặp nạn, trong đó 13 người đã hy sinh trên đường vào cứu hộ cứu nạn.
Trong ánh mắt đượm buồn, ông Đông từ từ kể lại rằng, từ ngày 11.10 khu vực xã Phong Xuân có mưa rất lớn, đặc biệt ở trong khu vực thượng nguồn mưa lớn hơn rất nhiều. 2 cán bộ bảo vệ rừng trước đó là anh Trần Văn Hùng và anh Trần Hùng đang trực trong trạm 67 đã đóng cửa trạm trở ra trung tâm xã, vì họ đã nhiều ngày liền chưa về nhà nếu không ra sớm, mưa lớn sẽ rất khó ra.
“Theo đúng lịch thì sáng hôm 11.10, tôi và anh Hồ Ấn vào thay ca, 4 anh em chúng tôi người đi vào, người đi ra rồi gặp nhau ở ngã ba đường 71 và đường 11B. Sau đó ngồi nói chuyện đôi ba câu xong tôi đi mua ít lương thực rồi chạy xe vào trạm 71. Nhưng đi khoảng được 5km, đến đoạn khe Cát nước lên quá cao, chảy xiết, chúng tôi không thể đi qua được nên đã quay trở ra”, ông Đông nhớ lại.
Tối hôm đó thì lãnh đạo gọi điện cho ông Đông yêu cầu tạm ở nhà, đợi thời tiết hết mưa lũ rồi vào để đảm bảo an toàn. “Có lẽ nếu trạm trưởng không yêu cầu ở nhà thì tối hôm đó chúng tôi đã có mặt ở khu vực các cán bộ gặp nạn rồi”, ông Đông lặng người.
Sáng ngày 13.10, lực lượng cứu hộ của Quân khu 4 đã đến nhà yêu cầu ông Đông hỗ trợ vào hiện trường xác định vị trí bị sạt lở vì khu vực đất đá đổ xuống rộng gần 7ha nên rất khó để xác định được cụ thể vị trí các cán bộ đang bị vùi lấp.
Sau nhiều giờ băng rừng, lội suối, ông Đông đã được lực lượng Quân đội đưa vào đến tiểu khu 67, lực lượng cứu hộ nói với ông Đông rằng nơi đây có 13 người đang gặp nạn, cần sớm xác định vị trí để ứng cứu.
“Lúc vào đó, tôi chết lặng, lạnh người khi thấy nơi mình công tác nhiều năm qua giờ không còn thấy dấu vết gì, gian nhà sau mới xây được 1 năm, gian nhà trước được 3 năm cùng hàng vạn cây giống, giờ bị vùi lấp hết cả. Phải sau 1 hồi trấn an bản thân, tôi mới bước tới tìm cách hỗ trợ lực lượng cứu hộ được”, cán bộ bảo vệ rừng này kể lại.
Từ khu vực đã được các cán bộ bảo vệ rừng đánh dấu, sau 3 ngày liên tục triển khai hàng trăm người tìm kiếm bằng máy móc và phương tiện xe cơ giới, đến tối ngày 15.10 các cán bộ chiến sĩ đã hy sinh mới được đưa về để Bệnh viện Quân y 268 (TP Huế) để làm tang lễ.