Hiện nay, nhu cầu mua nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ của người dân ở TP.HCM càng tăng và cấp thiết. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư không mặn mà khiến nguồn cung của phân khúc này ngày càng “vắng bóng” trên thị trường.

Nhà ở xã hội và nhà giá rẻ ngày càng khan hiếm, xa tầm với

Phan Diệu | 11/12/2020, 13:19

Hiện nay, nhu cầu mua nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ của người dân ở TP.HCM càng tăng và cấp thiết. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư không mặn mà khiến nguồn cung của phân khúc này ngày càng “vắng bóng” trên thị trường.

Nhà ở giá rẻ mất hút trên thị trường

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tính đến tháng 9.2020, thành phố chỉ có phần thô 3 dự án nhà ở xã hội với quy mô 2.213 căn hộ được đưa ra thị trường. Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 9 năm 2020, TP.HCM có 13.186 căn hộ nhà ở xã hội.

HoREA cho biết từ tháng 3 đến tháng 7.2020, thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và làm sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Sở Xây dựng TP.HCM đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 20 dự án. Trong đó, chỉ có 163 căn nhà thuộc phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2), chiếm tỷ lệ 2,5%, giảm đến 98,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Phòng Quản lý Phát triển nhà và Thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng nhu cầu sở hữu căn hộ để ổn định cuộc sống của người dân thành phố ngày càng lớn và bức thiết. Hồ sơ xin đăng ký mua căn hộ nhà ở xã hội ngày càng nhiều, trong khi nguồn cung giảm dần.

Kết quả kiểm toán chương trình nhà ở xã hội của Kiểm toán Nhà nước cho thấy giai đoạn 2016-2019, TP.HCM chỉ mới xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 14 dự án, với tổng diện tích đất 15,8 ha, quy mô 10.255 căn hộ. Trong khi đó, nhu cầu thực tế của phân khúc này là khoảng 134.000 căn.

Theo dự báo, từ nay đến năm 2030, nhu cầu nhà ở xã hội tại TP.HCM ngày càng gia tăng, trung bình mỗi năm cần 1,7 triệu m2/năm, chiếm tỉ trọng nhà ở 21% tổng số nhu cầu nhà ở.

nha-o-xa-hoi-tphcm(1).jpg
Nhà ở giá rẻ đang dần biến mất - Ảnh: Phan Diệu

Thủ tục nhiêu khê, chủ đầu tư không mặn mà

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành nói rằng hiện nay, thị trường nhà ở tại TP.HCM đang mất hút phân khúc dành cho người thu nhập thấp. Nguyên nhân là do đầu tư vào phân khúc này lãi rất thấp, chỉ từ 1-2 triệu/m2 mà pháp lý thì không khác gì nhà ở thương mại. Do vậy, nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà với phân khúc này.

Đồng quan điểm, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại Lê Thành - đơn vị chuyên phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp cho rằng để bán căn hộ với mức giá từ 400 đến 500 triệu đồng/căn thì chủ đầu tư cần chọn địa điểm nằm ở vùng ven thành phố, diện tích xây dựng từ 35 đến 45 m2.

Tuy nhiên, trong thực tế, các thủ tục để triển khai dự án là không hề đơn giản và giống như thủ tục với nhà ở thương mại. Mặt khác, sự thiếu hụt các dự án nhà giá rẻ, nhà ở xã hội một phần còn do lợi nhuận bị khống chế, yêu cầu lãi khung trong 10%-15%. Vì vậy, nếu thủ tục nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ được “cởi trói” và có nhiều chính sách hỗ trợ thì phân khúc này sẽ thu hút sự tham gia từ nhà đầu tư.

tt-bds-tphcm-nguoi-mua.jpg
Mua nhà ở để an cư ngày càng xa tầm với nhiều người dân - Ảnh: Phan Diệu

TP.HCM hỗ trợ chính sách khuyến khích làm nhà ở giá rẻ

Trước tình trạng thiếu hụt nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, mới đây Sở Xây dựng TP.HCM đã trình UBND TP.HCM đề án "xây dựng chương trình nhà ở giai đoạn 2021-2030".

Theo đề án, TP.HCM đặt mục tiêu đạt 295 triệu m2 tổng diện tích sàn nhà vào năm 2030, bình quân 26,5 m2/người (dự kiến quy mô dân số toàn TP.HCM vào cuối năm 2030 khoảng 11,1 triệu người).

Hướng đến mục tiêu trên, giai đoạn 2021-2030, TP.HCM dự kiến phát triển khoảng 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 160.000 căn hộ diện tích tối thiểu. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 phát triển khoảng 1,8 triệu m2 sàn và giai đoạn 2026-2030 phát triển khoảng 2,2 triệu m2 sàn.

Để làm được điều này, TP.HCM sẽ triển khai các chính sách khuyến khích làm các dự án nhà giá rẻ để giải quyết nhu cầu nhà ở khá lớn của đối tượng có thu nhập thấp, công nhân, nhất là các hộ gia đình sống trên và ven kênh rạch cần di dời.

Ngoài ra, thành phố sẽ rà soát các nguồn lực hiện có gồm đất đai, tài nguyên và hạ tầng để khai thác hiệu quả đất, ưu đãi thêm cho các doanh nghiệp có nhu cầu phát triển dự án nhà ở xã hội.

TP.HCM còn yêu cầu các doanh nghiệp có dự án quy mô trên 10 ha cần dành 20% diện tích xây dựng nhà ở xã hội. Thành phố sẽ ưu tiên sử dụng các quỹ đất nhà nước để phát triển nhóm nhà ở này.

Với nhà ở thương mại, giai đoạn 2021-2030 dự kiến phát triển 45,2 triệu m2 sàn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 phát triển 19,7 triệu m2 sàn và giai đoạn 2026-2030 phát triển 25,5 triệu m2 sàn.

Để thực hiện mục tiêu, TP.HCM sẽ ban hành các cơ chế tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút, hỗ trợ tài chính nhằm tăng tính khả thi, đẩy mạnh việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đồng thời, thành phố còn bổ sung vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP với loại hình nhà ở này.

Bài liên quan
Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội xuống dưới 5%/năm
So với mức lãi suất vay của ngân hàng thương mại đối với nhà ở xã hội, Ngân hàng Chính sách thấp hơn, còn mức 4,8%/ năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà ở xã hội và nhà giá rẻ ngày càng khan hiếm, xa tầm với