Theo một cuộc thăm dò mới từ The Harris Brand, công ty giám sát lòng tin thương hiệu, việc đổi tên Facebook thành Meta đã phản tác dụng.

‘Niềm tin của công chúng với Facebook suy giảm sau khi đổi tên thành Meta’

Sơn Vân | 09/11/2021, 18:02

Theo một cuộc thăm dò mới từ The Harris Brand, công ty giám sát lòng tin thương hiệu, việc đổi tên Facebook thành Meta đã phản tác dụng.

Một báo cáo từ The Harris Brand cho thấy niềm tin của công chúng với Facebook sụt giảm đáng kể sau khi thông báo thay đổi tên thành Meta.

Facebook đã rơi vào khủng hoảng truyền thông trước khi công bố tên mới. Vào tháng 9, tờ Wall Street Journal bắt đầu công bố các tài liệu bí mật về Facebook được chia sẻ bởi người tố giác công ty - Frances Haugen. Frances Haugen là cựu Giám đốc sản phẩm của Facebook.

Theo dữ liệu của The Harris Brand, điểm tin cậy của công ty bắt đầu giảm còn 16% sau khi Wall Street Journal bắt đầu xuất bản các câu chuyện dựa trên các tài liệu do Frances Haugen cung cấp và còn mức thấp 5,8% vào tháng 10 - cùng tuần cô điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Công ty đã cố gắng lấy lại niềm tin khi điểm tin cậy tăng trở lại 11% vào cuối tháng 10. Theo dữ liệu của The Harris Brand, sau thông báo đổi thương hiệu từ Facebook thành Meta, điểm tin cậy đã giảm trở lại xuống còn 6,2%.

Giám đốc điều hành Meta - Mark Zuckerberg cho biết việc đổi thương hiệu không liên quan gì đến chuyện hứng chịu búa rìu dư luận do các tài liệu bị rò rỉ.

"Dù một số người có thể muốn tạo sự liên hệ giữa 2 chuyện này, nhưng tôi nghĩ đó là một điều nực cười. Nếu có, tôi nghĩ rằng đây không phải là môi trường mà bạn muốn giới thiệu một thương hiệu mới", Mark Zuckerberg nói.

Mark Zuckerberg nói đã cân nhắc việc đổi thương hiệu từ khoảng năm 2014, khi Facebook mua lại Instagram và WhatsApp. Đầu năm nay, Mark Zuckerberg quyết định rằng đã đến lúc chuyển đổi.

Meta đã nhấn mạnh rằng thương hiệu này được thiết kế để định vị lại nó như công ty metaverse thay vì mạng xã hội.

Từ metaverse là thuật ngữ mượn từ khoa học viễn tưởng, dùng để chỉ một phiên bản của internet mà mọi người truy cập bằng cách sử dụng tai nghe thực tế ảo và thực tế tăng cường.

Mark Zuckerberg bắt đầu công khai nói về việc biến Facebook trở thành một công ty metaverse vào tháng 7.2021, vài tháng trước cuộc khủng hoảng truyền thông.

Các chuyên gia truyền thông và xây dựng thương hiệu nói với trang Insider rằng việc thay đổi tên có thể sẽ không đủ để bảo vệ danh tiếng của công ty và rằng Meta sẽ phải làm "công việc cơ bản" để giành lại niềm tin với công chúng.

Cũng có thể hồ sơ nổi tiếng của Mark Zuckerberg sẽ cản trở bất kỳ nỗ lực nào để Meta xóa sạch vết nhơ.

niem-tin-cua-cong-chung-voi-facebook-suy-giam-sau-khi-doi-ten-thanh-meta.jpg
Facebook không khôi phục niềm tin của công chúng sau khi đổi tên thành Meta

Các chuyên gia trước đây nói rằng nhấn mạnh metaverse là một động thái tiếp thị "thiên tài" nhưng công ty không tránh khỏi phản ứng dữ dội của công chúng. Việc thay đổi tên không đủ để cứu công ty của Mark Zuckerberg khỏi làn sóng chỉ trích, các chuyên gia nói với trang Insider.

Thế nhưng, Ashley Cooksley, Giám đốc điều hành khu vực Bắc Mỹ tại Social Element, trước đó đã nói rằng việc đổi tên Facebook có thể cứu các dự án khác của nó - như Horizon - khỏi bị liên kết với thông tin bất lợi trên báo chí.

"Việc chỉ đổi tên công ty mẹ có lẽ nhằm tách công ty mẹ khỏi sản phẩm Facebook, qua đó mọi độc tính của Facebook chỉ nằm trong một sản phẩm đó, thay vì lây nhiễm cho các thương hiệu khác", Ashley Cooksley nhận định.

Meta phản ánh sự tập trung của Mark Zuckerberg vào việc tạo ra thực tế ảo mới dựa trên trải nghiệm sống động. Ngày nay, việc đổi tên thương hiệu chủ yếu được áp dụng để che đậy một cái tên đã bị hoen ố.

Việc cung cấp nhiều công nghệ cần thiết cho tầm nhìn của Mark Zuckerberg về metaverse sẽ mất hàng thập kỷ. Hơn nữa, chi phí sẽ phát sinh khá nhanh. Meta đang thành lập một bộ phận mới có tên Reality Labs với khoản đầu tư vào đó sẽ làm giảm lợi nhuận hoạt động công ty khoảng 10 tỉ USD trong năm nay. Công ty tính toán rằng metaverse thuyết phục sẽ cần những tiến bộ to lớn trong hơn 10 lĩnh vực, bao gồm cả màn hình, theo dõi mắt, cảm biến và trí tuệ nhân tạo...

Từ Meta gợi ý một lớp trừu tượng giữa công ty và sản phẩm mạng xã hội cùng tên, vẫn sẽ được gọi là Facebook. Điều đó hơi giống với việc thành lập Alphabet, công ty sở hữu bộ máy tìm kiếm Google. Đó là một ý tưởng hay, khi mạng xã hội Facebook phải đối mặt với những lời chỉ trích từ các chính trị gia và những người tố cáo về tác động đôi khi có hại của nó với cá nhân lẫn xã hội. Cựu nhân viên Facebook - Frances Haugen đã so sánh nền tảng này với các chất gây nghiện như thuốc lá hoặc opioid khi cô phát biểu trước Quốc hội Anh hôm 25.10.

Thuốc lá cũng có thể là một sự so sánh phù hợp theo những cách khác, trong đó thương hiệu của Facebook có liên hệ với Altria, chủ sở hữu của thuốc lá Marlboro. Công ty đó đã đổi tên từ Philip Morris thành Altria vào năm 2003, một phần để thoát khỏi liên kết với thuốc lá. Gần hai thập kỷ sau, nó vẫn thu được phần lớn doanh thu và lợi nhuận từ việc hút thuốc lá. Đôi khi một cái tên chỉ là một cái tên.

Meta sẽ giao dịch với mã chứng khoán mới có tên MVRS từ ngày 1.12. Cấu trúc công ty sẽ không thay đổi do việc đổi thương hiệu. Bắt đầu từ kết quả tài chính quý 4/2021, Meta dự kiến ​​báo cáo thêm về hai mảng hoạt động: Family of Apps và Reality Labs.

Bài liên quan
Những người tiên phong về vụ trụ ảo bóc mẽ việc Facebook đổi tên công ty thành Meta
Những người tiên phòng về metaverse đã chỉ trích việc Facebook đổi thương hiệu thành Meta Platforms là nỗ lực để tận dụng tiếng vang ngày càng tăng của một khái niệm mà nó không tạo ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Niềm tin của công chúng với Facebook suy giảm sau khi đổi tên thành Meta’