Ngày 2.11, bên lề Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Nobel Kinder, Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn Nike.
Tại buổi tiếp, ông Nobel Kinder đã thông báo việc toàn bộ gần 200 nhà máy của Nike ở các địa phương bị đứt gãy do COVID-19 đã quay lại sản xuất.
Thay mặt Tập đoàn Nike, ông Nobel Kinder cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ hết sức kịp thời, phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Tập đoàn cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Axel Van Trotsenburg, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB).
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận WB là người bạn và đối tác phát triển hàng đầu của Việt Nam, cảm ơn WB đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của đất nước, nhất là đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 6,2 triệu USD và ủng hộ Việt Nam hoãn trả nợ để dành nguồn lực cho phòng chống dịch.
Trao đổi với ông Axel Van Trotsenburg, Thủ tướng khẳng định phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là chủ trương, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam. Triển khai định hướng ưu tiên xây dựng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít carbon, Việt Nam đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững về môi trường, công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu chung của toàn cầu về giảm phát thải nhà kính.
Trong bối cảnh thế giới chuyển hướng sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh và khôi phục kinh tế, các nguồn lực quốc gia bị suy giảm trong quá trình kiểm soát dịch bệnh, Tổng Giám đốc điều hành WB cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô; tiếp cận các nguồn tài chính bền vững hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm.
Hai bên đánh giá cao và nhất trí cùng thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam - WB, trước mắt rà soát, cập nhật Khung đối tác chiến lược quốc gia cho giai đoạn 3 năm 2022-2025 nhằm xác định rõ nguồn lực, lĩnh vực, dự án ưu tiên và lộ trình triển khai.
Trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, Thủ tướng trước đó, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam coi trọng, đánh giá cao vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc, mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện với Liên Hợp Quốc. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế, trong đó có vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và thực hiện có trách nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong 2 năm 2020-2021.
Trao đổi với ngài Tổng Thư ký về những tác động, ảnh hưởng to lớn của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi phía bắc, miền trung, Thủ tướng tái khẳng định các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá cao cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng “0”, đóng góp ý nghĩa vào nỗ lực chung của thế giới nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn, phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ Việt Nam và các nước ở lưu vực sông Mekong giải quyết các vấn đề sạt lở đất, xâm nhập mặn, chuyển đổi canh tác, sử dụng nguồn nước bền vững nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Với tình cảm chân thành, Tổng Thư ký chia sẻ với Thủ tướng về những ấn tượng cá nhân tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam mà ông đã có dịp thăm trước đây.
Tối 1.11 giờ địa phương, trong khuôn khổ tham dự chiêu đãi chính thức Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị COP26 của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Czech Andrej Babis, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic.
Trong trao đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước bày tỏ hài lòng về quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam. Lãnh đạo các nước đặc biệt đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng tại COP26, trong đó thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về việc giảm phát thải ròng bằng “0”, đóng góp có ý nghĩa vào nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay cũng như theo đuổi mục tiêu kiềm chế sự nóng lên của trái đất ở mức dưới 1,5 độ C. Việt Nam là một ví dụ tốt cho cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực.
Bày tỏ quan tâm đến tình hình biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt ở khu vực sông Mekong, Lãnh đạo các nước cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước ở lưu vực sông Mekong giải quyết các vấn đề sạt lở đất, xâm nhập mặn, chuyển đổi canh tác, sử dụng nguồn nước bền vững nhằm đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững.
Lãnh đạo các nước đánh giá cam kết của Việt Nam giúp tăng cường lòng tin của các nhà đầu tư đồng thời bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn, phát triển năng lượng tái tạo mà Việt Nam rất có tiềm năng thông qua việc kêu gọi, thu hút đầu tư, huy động tài chính khí hậu, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ.
Về COVID-19, Thủ tướng và lãnh đạo các nước chia sẻ tình hình diễn biến dịch bệnh cũng như các biện pháp điều trị, ứng phó, tiếp cận vắc-xin ở mỗi nước và trên thế giới. Lãnh đạo các nước rất quan tâm, chia sẻ với Việt Nam, bày tỏ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam về vắc xin, trang thiết bị y tế trong thời gian tới. Nhân dịp này Thủ tướng chân thành cảm ơn Chính phủ Anh, Đức, Czech, Croatia đã hỗ trợ vaccine kịp thời cho Việt Nam trong lúc khó khăn, đây là sự hỗ trợ quý báu góp phần giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh.
Theo VGP