Hãng tin AP cho biết bên cạnh công tác tìm người sống sót, nỗ lực tìm người nhận nuôi các cô nhi sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria cũng gian nan không kém.
Một bé gái người Syria được sinh ra lúc mẹ em mắc kẹt dưới đống đổ nát đã có tên Aya - trong tiếng Ả Rập nghĩa là “dấu hiệu từ Chúa”. Vì cha mẹ lẫn anh chị bé đều đã qua đời nên người chú nhận nuôi Aya.
Aya là một trong vô số trẻ em trở thành cô nhi sau trận động đất kinh hoàng đầu tuần qua. Động đất xảy ra rạng sáng khiến hàng nghìn tòa chung cư đổ sập khi mọi người đang ngủ, vì vậy nhiều gia đình thiệt mạng.
Các bác sĩ và chuyên gia cho biết trong hầu hết trường hợp, họ hàng các cháu sẽ nhận nuôi. Nhưng cuộc sống sau động đất của những người họ hàng cùng gia đình họ cũng rất khó khăn.
Bác sĩ Khalil Alsfouk làm việc tại một bệnh viện ở phía tây bắc Syria kể về trường hợp cô bé 7 tuổi Jana al-Abdo liên tục hỏi cha mẹ mình ở đâu, nhưng thật đáng buồn em là người duy nhất sống sót.
Ở trường hợp Aya, người chú Salah al-Badran sẽ nhận nuôi sau khi em xuất viện, mặc dù ngôi nhà của ông ở thị trấn Jenderis bị phá hủy và gia đình 11 người đang sống trong một cái lều.
“Sau động đất, không ai có thể sống trong nhà mình. Chỉ 10% tòa nhà ở đây còn an toàn để ở”, ông al-Badran nói với AP. Bác sĩ Hani Maarouf làm việc tại Bệnh viện Cihan cho biết tình trạng của Aya tốt dần lên, cột sống không có tổn thương nào như lo ngại ban đầu.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tuyên bố họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình các trẻ có cha mẹ mất tích hoặc qua đời, cung cấp thực phẩm, quần áo và thuốc men đồng thời phối hợp với các bệnh viện tìm người thân có khả năng chăm sóc các em.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Dịch vụ xã hội và gia đình kêu gọi những gia đình đủ điều kiện hãy nộp đơn nhận nuôi cô nhi. Các trẻ không thể tìm thấy gia đình hoặc người thân hiện đang được chăm sóc tại cơ sở nhà nước, đội ngũ nhân viên đang tìm hiểu nhu cầu rồi sắp xếp vào gia đình đã đăng ký.
Gần thị trấn Azaz của Syria, một tổ chức phi chính phủ lập một trại trẻ mồ côi tạm thời với khoảng 40 em.
Trong bệnh viện, bé Jana al-Abdo bị đau đến phát khóc, tay cắm đầy ống truyền dịch, khuôn mặt đầy vết cắt. Em sau đó được một người cô đón đi.
Nhiều ngày qua bác sĩ Alsfouk điều trị cho nhiều trẻ bị thương, một số em không qua khỏi.
“Thật khó để kìm nén nỗi đau khi cố gắng cứu một đứa trẻ nhưng không thể. Sau đó bạn phải chuyển sang hàng chục đứa trẻ đang cần giúp đỡ khác”, bác sĩ Alsfouk tâm sự.