Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ra vô cùng tức giận khi phải bất lực nhìn người thân của mình qua đời mà không được ai cứu giúp.

Nỗi buồn và sự tức giận của các nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Đan Thuỳ | 13/02/2023, 10:33

Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ra vô cùng tức giận khi phải bất lực nhìn người thân của mình qua đời mà không được ai cứu giúp.

Khi tòa nhà căn hộ nơi ông Zafer Mahmut Boncuk sinh sống bị sập trong trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông phát hiện ra người mẹ 75 tuổi của mình vẫn còn sống, song bà bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Trong nhiều giờ, Boncuk điên cuồng tìm kiếm ai đó ở thành phố Antakya để giúp mình giải cứu người mẹ. Tuy nhiên, bất chấp mọi lời cầu cứu, đã không một ai đến giúp ông Boncuk, và mẹ ông đã qua đời một ngày sau trận động đất. 

Giống như nhiều người khác ở Thổ Nhĩ Kỳ, nỗi buồn và sự hoài nghi của ông Boncuk đã trở thành cơn thịnh nộ. Boncuk hướng sự tức giận của mình vào Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đặc biệt là vì ông cho rằng lực lượng cứu hộ ở rất gần nhưng không có một ai đến giúp. Thi thể mẹ ông Boncuk cuối cùng được chuyển đi gần một tuần sau khi tòa nhà bị đổ sụp, trong khi đó thi thể của cha ông vẫn nằm trong đống đổ nát.

"Điều gì sẽ xảy ra nếu đó là mẹ ruột của ông, Recep Tayyip Erdogan thân mến? Ông đã làm được gì ở cương vị một nhà lãnh đạo trên thế giới. Ông đã ở đâu? Tôi cho bà ấy uống nước, tôi dọn sạch đống đổ nát trên khuôn mặt mẹ tôi. Tôi nói với mẹ rằng tôi sẽ cứu mẹ. Nhưng tôi đã thất bại", ông Boncuk nói. 

anh-chup-man-hinh-2023-02-13-luc-09.56.46.png

Ông Boncuk cho rằng "sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và sự quan tâm - đó là lý do tại sao mẹ tôi chết ngay trước mắt tôi". 

Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự thất vọng khi các hoạt động cứu hộ diễn ra quá chậm chạp và thời gian quý báu đã bị lãng phí để tìm kiếm những người còn sống dưới đống đổ nát.

Người dân tỉnh Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Syria thì nghĩ rằng chính phủ đã chậm trễ trong việc cứu hộ khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với lý do mà họ cho là liên quan đến chính trị và tôn giáo

Tại thị trấn Adiyaman phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, cô Elif Busra Ozturk đã đứng đợi bên ngoài đống đổ nát của một tòa nhà, nơi chú và dì của cô bị mắc kẹt và được cho là đã chết, đồng thời là nơi đã tìm thấy thi thể của hai người anh em họ của cô.

"Trong 3 ngày, tôi đợi bên ngoài để được giúp đỡ. Không có ai đến. Có quá ít đội cứu hộ nên họ chỉ có thể can thiệp ở những nơi mà họ chắc chắn có người còn sống", Ozturk bày tỏ.

Abdullah Tas (66 tuổi), cho biết ông đã ngủ trong một chiếc ô tô gần tòa nhà nơi chôn vùi con trai, con dâu và 4 đứa cháu của ông. Ông nói rằng lực lượng cứu hộ chỉ đến lần đầu tiên vào 4 ngày sau khi trận động đất xảy ra. 

"Điều đó còn giúp ích được gì cho những người đang mắc kẹt dưới đống đổ nát", ông Tas nói.

anh-chup-man-hinh-2023-02-13-luc-09.56.25.png

Hơn 1.000 người dân đã ở trong tòa nhà 12 tầng khi trận động đất xảy ra. Họ cho biết hàng trăm người vẫn còn mắc kẹt ở bên trong nhưng nỗ lực giải cứu họ diễn vô cùng chậm chạp.

"Đây là một hành động tàn bạo, tôi không biết phải nói gì,” bà Bediha Kanmaz (60 tuổi) nói khi thi thể của con trai và cháu trai 7 tháng tuổi của bà đã được kéo ra khỏi tòa nhà.

Bà Kanmaz đổ lỗi cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc phản ứng chậm chạp, mặc dù cho rằng lực lượng cứu hộ quốc gia đã nỗ lực cứu những người còn sống.

Bà và những người khác ở Antakya tin rằng sự sinh sống của đông đảo người thiểu số Alevi - nhóm tôn giáo khác với Sunni, Shia và Alawite của đạo Hồi - đã khiến chính phủ không dành nhiều ưu tiên cho họ, bởi vì theo truyền thống, rất ít người Alevis bỏ phiếu cho đảng cầm quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Song chưa có bằng chứng nào cho thấy khu vực này nhận được ít sự quan tâm vì lý do chính trị hay tôn giáo.

Ngày 8.2, Tổng thống Erdogan cho biết các nỗ lực cứu hộ đang diễn ra trên khắp 10 tỉnh bị tàn phá bởi trận động đất và gọi những cáo buộc về việc chính phủ và quân đội không giúp đỡ là "dối trá, vu khống".

Song ông Erdogan cũng đã thừa nhận những thiếu sót. Các quan chức cho biết các nỗ lực cứu hộ ở Hatay ban đầu rất phức tạp do đường băng của sân bay địa phương bị phá hủy và điều kiện đường sá xấu.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hoặc ban hành lệnh bắt giữ hàng chục người bị cáo buộc liên quan đến việc xây dựng các tòa nhà bị sập, và bộ trưởng tư pháp tuyên bố sẽ trừng phạt những người chịu trách nhiệm.

Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, người giám sát việc xây dựng 250 căn hộ của tòa chung cư đã bị giam giữ tại sân bay Istanbul ngày 10.2 trước khi lên chuyến bay rời khỏi đất nước. Một ngày sau, ông này chính thức bị bắt. Luật sư của ông cho rằng người ta đang lấy ông ra làm vật tế thần.

anh-chup-man-hinh-2023-02-13-luc-09.56.55.png

Ở miền Nam đa sắc tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ, những căng thẳng khác đang ngày một gia tăng. Một số người bày tỏ sự thất vọng rằng những người tị nạn Syria chạy đến khu vực này sau cuộc nội chiến tàn khốc đang tạo gánh nặng cho hệ thống phúc lợi nghèo nàn của Thổ Nhĩ Kỳ. 

"Có nhiều người nghèo ở Hatay, nhưng họ không cung cấp cho chúng tôi bất kỳ phúc lợi nào, mà họ giúp đỡ cho người Syria. Có nhiều người Syria hơn người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở đây", bà Kanmaz cho biết. 

Có nhiều dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng có thể bùng phát. 

Hai nhóm viện trợ của Đức và Áo đã tạm thời ngừng công việc cứu hộ ở vùng Hatay với lý do lo ngại cho sự an toàn của các nhân viên. Họ đã tiếp tục công việc sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đến đảm bảo an ninh khu vực, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Áo viết trên Twitter.

"Căng thẳng giữa các nhóm người khác nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng", trung tá Pierre Kugelweis thuộc lực lượng vũ trang Áo nói với hãng tin APA. 

Steven Berger, Giám đốc điều hành của nhóm viện trợ ISAR Đức, cho rằng "có thể thấy rằng sự đau buồn đang dần nhường chỗ cho sự tức giận" ở các khu vực bị ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với bà Kanmaz, đó là sự trộn lẫn giữa đau buồn và tức giận. "Chúng tôi sống vì con cái, điều đó quan trọng nhất. Chúng tôi tồn tại nếu chúng tồn tại. Bây giờ cuộc sống của tôi đã chấm dứt", bà Kanmaz nói thêm.

Bài liên quan
Đài Loan hứng chịu một loạt trận động đất trong đêm
Hãng AFP đưa tin Đài Loan vừa hứng chịu một loạt trận động đất từ đêm 22.4 đến rạng sáng hôm sau. Cơ quan khí tượng đảo tự trị cho biết trận động đất mạnh nhất có cường độ lên đến 6,3 độ richter.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi buồn và sự tức giận của các nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ