Các bức ảnh trên phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên cho thấy ông Kim Jong-un không đeo khẩu trang, khiêng quan tài Hyon Chol-hae và ném đất vào mộ người phụ tá quá cố trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát.

Ông Kim Jong-un bỏ khẩu trang, khiêng quan tài nguyên soái Triều Tiên giữa đợt dịch COVID-19

Sơn Vân - . Ảnh: KCNA | 23/05/2022, 14:53

Các bức ảnh trên phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên cho thấy ông Kim Jong-un không đeo khẩu trang, khiêng quan tài Hyon Chol-hae và ném đất vào mộ người phụ tá quá cố trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát.

Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên – KCNA, Hyon Chol-hae (sinh năm 1934, Nguyên soái quân đội Triều Tiên và là Tổng cố vấn Bộ Quốc phòng Triều Tiên) đã qua đời do suy đa tạng vào lúc 9 giờ ngày 19.5 ở tuổi 87.

Triều Tiên đã quyết định tổ chức tang lễ cho ông Hyon Chol-hae theo nghi thức cấp nhà nước.

Hyon Chol-hae đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Triều Tiên trước khi cha ông là Kim Jong-il qua đời vào cuối năm 2011.

Hyon Chol Hae từng là cận vệ của cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành và là phụ tá thân cận với ông Kim Jong-il lẫn Kim Jong-un.

KCNA cho biết ông Kim Jong-un hôm 22.5 đã tham dự lễ tang của Hyon Chol-hae ở thủ đô Bình Nhưỡng và khiêng quan tài Nguyên soái quân đội Triều Tiên.

Các bức ảnh trên phương tiện truyền thông nhà nước cho thấy ông Kim Jong-un không đeo khẩu trang, khiêng quan tài Hyon Chol-hae cùng những người đàn ông khác đeo khẩu trang. Sau đó, ông Kim Jong-un ném đất xuống mộ Hyon Chol-hae tại nghĩa trang quốc gia. 

Theo KCNA, rất nhiều binh lính và người dân đã đổ ra đường để bày tỏ sự chia buồn khi quan tài của ông Hyon Chol-hae được chuyển đến nghĩa trang.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã khóc khi đến thăm một đài tang lễ được thiết kế cho ông Hyon Chol-hae vào tuần trước.

kim-jong-un-bo-khau-trang-khieng-quan-nguyen-soai-trieu-tien(1).jpg
O6ng Kim Jong-un khiêng quan tài của Hyon Chol-hae trong lễ tang ở Bình Nhưỡng 
kim-jong-un-bo-khau-trang-khieng-quan-nguyen-soai-trieu-tien1.jpg
Ông Kim Jong-un và các nhân vật cấp cao khác tham dự lễ tang của Hyon Chol-hae
kim-jong-un-bo-khau-trang-khieng-quan-nguyen-soai-trieu-tien13.jpg
Kim Jong-un ném đất xuống mộ của Hyon Chol-hae

Kể từ khi thừa nhận về sự bùng phát COVID-19 đầu tiên do biến thể Omicron BA.2 gây ra, Triều Tiên chỉ thông báo số người có triệu chứng sốt mới hàng ngày và số ca tử vong, do thiếu xét nghiệm.

KCNA hôm 23.5 cho biết hơn 2,81 triệu trường hợp có triệu chứng sốt nhưng chỉ 68 người trong số họ tử vong kể từ cuối tháng 4.2022. Đây là tỷ lệ tử vong cực kỳ thấp nếu căn bệnh là COVID-19.

Nước này đã duy trì lệnh phong tỏa trên toàn quốc và các quy định nghiêm ngặt khác để hạn chế sự bùng phát vi rút SARS-CoV-2. Việc di chuyển giữa các vùng bị cấm, nhưng các hoạt động nông nghiệp, kinh tế và công nghiệp chủ chốt khác vẫn tiếp tục trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu tác hại với nền kinh tế vốn đã thiếu thốn của đất nước.

Hôm 23.5, KCNA cho biết có thêm 167.650 trường hợp sốt mới đã được phát hiện trong 24 giờ qua, giảm đáng kể so với mức cao nhất khoảng 390.000 được báo cáo khoảng một tuần trước. KCNA nói có thêm 1 người chết và tỷ lệ tử vong của đợt dịch hiện là 0,002%.

Tất cả người dân Triều Tiên cần duy trì thời điểm thuận lợi hiện tại trong cuộc chiến chống dịch với ý thức tối đa, đáp lại lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương đảng về việc bảo vệ cuộc sống và tương lai quý giá của họ với niềm tin vào chiến thắng chắc chắn cùng nỗ lực gấp đôi”, KCNA cho biết.

Tại Hàn Quốc, nơi hầu hết trong số 52 triệu dân đã tiêm vắc xin đầy đủ, tỷ lệ tử vong do COVID-19 là 0,13% tính đến ngày 23.5.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc nói với các nhà lập pháp vào tuần trước rằng một số ca sốt do Triều Tiên phát hiện gồm cả người mắc các bệnh khác như sởi, thương hàn và ho gà. Thế nhưng, một số chuyên gia tin rằng hầu hết trường hợp là COVID-19.

Trước khi thừa nhận đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên vào ngày 12.5, Triều Tiên đã khẳng định nước này không có ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong suốt đại dịch, từ chối nhận hàng triệu liều vắc xin được cung cấp bởi chương trình COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Gần đây, Triều Tiên không đáp lại lời đề nghị cung cấp thuốc và các khoản viện trợ khác từ Hàn Quốc, Mỹ.

Tổng thống Joe Biden hôm 21.5 cho biết Mỹ đã đề nghị gửi vắc xin COVID-19 cho Triều Tiên, nhưng không nhận được phản hồi.

WHO cũng đã đề nghị Triều Tiên cung cấp thêm thông tin về đợt bùng phát dịch nhưng chưa nhận được phản hồi.

Một số nhà quan sát cho rằng Triều Tiên sẽ chỉ nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc, đồng minh chính của họ, bởi các chuyến hàng viện trợ từ phương Tây có thể làm tổn hại đến sự lãnh đạo của Kim Jong-un khi ông từng nhiều lần kêu gọi “tự lực cánh sinh” để chống lại các chiến dịch gây áp lực do Mỹ dẫn đầu.

Trong khi giữ im lặng trước lời đề nghị giúp đỡ từ Hàn Quốc và Mỹ, Triều Tiên đã nói về một "bước ngoặt thuận lợi" trong tình hình chống COVID-19 của nước này.

"Nhận thức về khủng hoảng và trách nhiệm được nâng cao hơn nữa ở mọi khu vực, lĩnh vực, nơi làm việc và bưu cục trên toàn quốc để duy trì sự thuận lợi trong công tác phòng chống dịch. Tất cả các đường xâm nhập của dịch đều được kiểm tra thông qua việc thực hiện nghiêm ngặt các khu vực và đơn vị và phong tỏa”. KCNA cho hay.

Triều Tiên chưa xác nhận tổng số người xét nghiệm dương tính với COVID-19. Thay vào đó, các cơ quan y tế nước này chỉ báo cáo con số bị triệu chứng sốt, gây khó khăn cho việc đánh giá quy mô làn sóng dịch.

Các nhà chức trách Triều Tiên đã phân phát thực phẩm và thuốc men trên khắp đất nước, với quân đội được triển khai để làm việc này.

KCNA cho biết các nhà máy dược phẩm ở Triều Tiên "đang đẩy nhanh quá trình sản xuất", nhưng không nói rõ loại thuốc nào đang được làm.

Bài liên quan
Triều Tiên gặp trở ngại từ việc bảo quản, vận chuyển đến tiêm phòng COVID-19 nếu nhận vắc xin Pfizer/Moderna
Theo các nhà phân tích, khi Triều Tiên đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên, tình trạng thiếu kho dự trữ, thiếu điện triền miên và nhân viên y tế được đào tạo không đầy đủ đặt ra những thách thức nghiêm trọng với việc tiêm vắc xin cho 26 triệu người dân nước này ngay cả khi có sự trợ giúp từ bên ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Kim Jong-un bỏ khẩu trang, khiêng quan tài nguyên soái Triều Tiên giữa đợt dịch COVID-19